Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất tôm hùm của Việt Nam

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu (XK) tôm hùm của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 76 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022. Tới nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu (NK) tôm hùm lớn nhất của Việt Nam.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, năm 2022 XK tôm hùm Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 257 triệu USD, tăng 8,3 lần so với năm 2021. XK tôm hùm Việt Nam sang Trung Quốc năm 2022 tăng mạnh nhờ nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc tăng cao do một vài năm trước đó, thị trường Trung Quốc đóng cửa do đại dịch Covid. Năm 2021, thị trường tôm hùm Trung Quốc gần như “đóng băng” vì dịch bệnh Covid nên năm 2022, nguồn cung sụt giảm khiến thị trường này đẩy mạnh nhập khẩu phục vụ tiêu thụ trong nước và chế biến XK.

Bên cạnh đó, ngày 27/4/2022, Công ty TNHH Thủy sản và Thương mại tổng hợp Thành Nhơn (TP.Hồ Chí Minh) đã ký kết hợp đồng xuất khẩu chính ngạch mặt hàng tôm hùm sống sang TP.Côn Minh với số lượng 2.000 tấn, thực hiện đến tháng 4/2023. Đây là hợp đồng xuất khẩu chính ngạch tôm hùm lớn nhất từ trước đến nay đối với doanh nghiệp trong nước.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất tôm hùm của Việt Nam.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất tôm hùm của Việt Nam.

Năm 2021, XK tôm hùm Việt Nam sang Trung Quốc đạt 31 triệu USD, giảm 80% so với năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19. Ngoài ra, Trung Quốc triển khai chính sách zero COVID, khiến nhiều nhà máy tại nước này phải đóng cửa và sản xuất đình đốn.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, 7 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm hùm của Trung Quốc đạt 32.358 tấn, trị giá trên 962 triệu USD, tăng 19% về khối lượng và 1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. 

Các nguồn cung tôm hùm lớn nhất cho Trung Quốc gồm Canada, Mỹ, New Zealand, Cuba, Ấn Độ, Brazil, Mexico… Việt Nam đứng thứ 14 về cung cấp tôm hùm cho Trung Quốc, chiếm thị phần nhỏ 1%. Các sản phẩm tôm hùm của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gồm tôm hùm đá, tôm hùm bông, tôm hùm xanh tươi, sống.

Hiện nay, việc tiêu thụ tôm hùm chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Người nuôi tôm hùm luôn gặp nhiều rủi ro khi giá cả lên xuống thất thường, bị thương lái ép giá… Trong khi đó, xuất khẩu tiểu ngạch ngày càng hẹp dần khi Trung Quốc đang dần áp dụng những điều kiện nghiêm ngặt về nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản nước ngoài. Để đảm bảo thuận lợi trong tương lai, việc đưa tôm hùm xuất khẩu chính ngạch là rất cần thiết. Muốn vậy, việc cấp thiết là tạo liên kết sản xuất, thu mua, xuất khẩu tôm hùm gắn với truy xuất nguồn gốc.

Để xây dựng thành công các mô hình liên kết, ngành thủy sản sẽ tập trung hỗ trợ các bên có liên quan tham gia chuỗi tiếp cận những chính sách hỗ trợ; hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ trong nuôi trồng thủy sản; triển khai tốt quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để phát triển vùng nguyên liệu; tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị thu mua, xuất khẩu kết nối với người nuôi tôm hùm.

Để xuất khẩu tôm hùm chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp phải được cấp mã doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp; có chứng thư kiểm dịch của các chi nhánh Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cấp.

Người nuôi cần tập trung chăm sóc và theo dõi sát diễn biến của thị trường, thả nuôi mật độ vừa phải và đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý nhà nước.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có đề án phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025, tổng sản lượng nuôi đạt 3.000 tấn một năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD một năm. Các tỉnh sản xuất tôm hùm lớn nhất cả nước như Phú Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang.


Tin liên quan

Tin mới