Truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng rượu vang theo TCVN 13988:2024

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13988:2024 được ban hành nhằm hướng dẫn quản lý định danh, thu thập, lưu trữ và chia sẻ thông tin trong chuỗi cung ứng rượu vang.

Rượu vang là loại đồ uống có cồn được làm bằng cách lên men các loại nho. Xét về mặt kỹ thuật, rượu vang có thể làm từ bất cứ loại trái cây lên men nào nhưng hầu hết các loại rượu vang được làm từ việc lên men nho. Nho dùng để làm rượu có sự khác biệt hoàn toàn với các loại nho ăn hàng ngày. Cụ thể, các loại nho dùng làm rượu thường nhỏ và nhiều hạt hơn, chúng cũng ngọt hơn nho ăn hàng ngày. 

Do đó, chuỗi cung ứng rượu vang là một chuỗi cung ứng phức tạp và rời rạc. Những đặc điểm riêng biệt của chuỗi cung ứng này mang đến thách thức trong việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả. Để việc quản lý định danh, thu thập, lưu trữ và chia sẻ thông tin trong chuỗi cung ứng rượu vang đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng thì nên tuân theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13988:2024 về truy xuất nguồn gốc - yêu cầu đối với chuỗi cung ứng rượu vang do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Tiêu chuẩn này đưa ra yêu cầu cụ thể đối với các bên tham gia chuỗi cung ứng rượu vang làm từ nho để truy xuất nguồn gốc. Tiêu chuẩn này áp dụng cho việc quản lý định danh, thu thập, lưu trữ và chia sẻ thông tin trong chuỗi cung ứng rượu vang.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với chuỗi cung ứng rượu vang phải đáp ứng yêu cầu chung quy định trong TCVN 12850:2019. Đối với cơ sở trồng nho có trách nhiệm sản xuất, thu hoạch và giao nho cho đơn vị xử lý kế tiếp trong chuỗi cung ứng, lưu giữ hồ sơ thông tin liên quan đến quá trình sản xuất.

Theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13988:2024, cơ sở trồng nho phải lưu trữ thông tin liên quan đến thửa/ô trồng nho của mình, bao gồm thông tin chi tiết về vị trí, giống nho và cách chăm sóc, hồ sơ sản xuất hàng năm, nguồn gốc và hàm lượng hóa chất của nước sử dụng để làm sạch và tưới tiêu, hồ sơ xử lý hàng năm, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm hoặc các phương án xử lý đã tiến hành. Khi nhận được sản phẩm đã qua xử lý từ nhà cung cấp, cơ sở trồng nho cần lập hồ sơ chi tiết về nhà cung cấp, mô tả về sản phẩm đã nhận cũng như số lô đã áp dụng.

Cơ sở trồng nho phải định danh thửa/ô trồng nho của mình bằng mã truy vết địa điểm. Các thông tin sau cần được liên kết với mỗi mã truy vết địa điểm: Tên, địa chỉ vườn nho; Tham chiếu bản đồ thửa đất/tham chiếu địa chính/định danh thửa; Kích thước thửa/số cây; Giống nho; Thông tin liên lạc.

Tiêu chuẩn này cũng lưu ý, vào cuối vòng đời kinh tế của một thửa/ô cụ thể, mã truy vết địa điểm sẽ hết hạn sử dụng khi cơ sở tiến hành nhổ bỏ cây nho. Cơ sở trồng nho cấp mã truy vết địa điểm mới cho thửa/ô sau khi trồng lại. Cấp mã truy vết địa điểm mới cũng áp dụng nếu vườn nho được ghép với một giống khác trên cùng một gốc ghép. Cơ sở trồng nho phải cung cấp mã truy vết địa điểm của thửa/ô tương ứng với sản phẩm thu hoạch tại thửa/ô đó theo mỗi chuyến hàng.

Đối với cơ sở sản xuất rượu vang phải có trách nhiệm nhận nho nguyên liệu và sản xuất, chế biến hoặc pha trộn rượu. Lưu trữ hồ sơ bao gồm thông tin về sản phẩm nhận được, giống nho, danh tính của nhà cung cấp (cơ sở trồng nho), địa điểm thu hoạch nho, ngày nhận sản phẩm.

Khi nhận phụ gia, cơ sở sản xuất phải lập hồ sơ thông tin chi tiết về nhà cung cấp, ngày nhận hàng, mô tả sản phẩm đã nhận, số lô. Lưu giữ hồ sơ chính xác về các quy trình được sử dụng để sản xuất ra từng loại rượu vang. Phải định danh bằng mã truy vết địa điểm, định danh cho sản phẩm bằng mã truy vết vật phẩm, đơn vị logistics bằng mã truy vết vận chuyển.

Đối với cơ sở bán buôn, phân phối số lượng lớn chịu trách nhiệm tiếp nhận, lưu trữ, gửi đi, xử lý, lấy mẫu và phân tích rượu số lượng lớn, cũng như lưu giữ hồ sơ thông tin thích hợp về những gì được nhận và những gì được gửi đi, phải được định danh bằng mã truy vết địa điểm. Phải định danh cho sản phẩm, đơn vị logistics bằng các loại mã định danh tương ứng thích hợp. Duy trì sự liên kết giữa mã truy vết vận chuyển của thùng chứa, mã truy vết vật phẩm và số lô của sản phẩm.

Cơ sở thực hiện ghi lại mã truy vết vật phẩm và số lô mặt hàng gửi đi và liên kết các mặt hàng này với mã truy vết địa điểm của người nhận. Thông tin liên quan đến mã truy vết vận chuyển và các thành phần phải được gửi đến các đối tác chuỗi cung ứng liên quan trước khi gửi hàng đi. Thông tin này cần được ghi lại để truy xuất khi công-ten-nơ đến nơi nhận.

Đối với cơ sở trung chuyển (hầm trung chuyển) có trách nhiệm tiếp nhận, lưu trữ, gửi đi, xử lý, lấy mẫu và phân tích rượu, cũng như lưu giữ hồ sơ thông tin thích hợp về những gì được nhận và những gì được gửi đi. Cơ sở trung chuyển có thể là một phần của cơ sở chiết rót/đóng gói (tách biệt về mặt địa lý hoặc không) hoặc có thể được thuê bên ngoài. Phải được định danh bằng mã truy vết địa điểm. Phải thực hiện lưu giữ mã truy vết vật phẩm, số lô, mã truy vết vận chuyển của mặt hàng được vận chuyển.

Đối với cơ sở chiết rót/đóng gói phải chịu trách nhiệm tiếp nhận, lưu trữ, xử lý, lấy mẫu, phân tích, chiết rót, đóng gói, gửi sản phẩm hoàn thiện và lưu giữ các thông tin liên quan về những gì nhận được và những gì gửi đi. Nhận các thùng chứa rượu số lượng lớn từ cơ sở trung chuyển hoặc nhà phân phối số lượng lớn. Các thùng rượu phải được định danh bằng mã truy vết vận chuyển và/hoặc mã truy vết vật phẩm. Các đơn vị logistic phải được định danh bằng mã truy vết vận chuyển và/hoặc mã truy vết vật phẩm và số lô. Phải ghi lại thông tin bổ sung liên quan đến các hạng mục như thông tin về nước được sử dụng để rửa thiết bị, hóa chất làm sạch. Cơ sở chiết rót/đóng gói phải được định danh bằng mã truy vết địa điểm. Mã truy vết vận chuyển, mã truy vết vật phẩm và số lô của các mặt hàng gửi đi phải được lưu lại và liên kết với mã truy vết địa điểm của người nhận.

Đối với cơ sở phân phối thành phẩm cần chịu trách nhiệm tiếp nhận, lưu trữ, quản lý hàng tồn, vận chuyển thành phẩm, đóng gói lại và dán nhãn lại theo yêu cầu kiềm dịch sản phẩm, lưu giữ các thông tin về sản phẩm nhận được và sản phẩm gửi đi. Nhận pallet và thùng từ cơ sở chiết rót/đóng gói. Các thương phẩm và đơn vị logistic phải được định danh bằng mã truy vết vật phẩm cùng với số lô và mã truy vết vận chuyển. Cơ sở phân phối thành phẩm có thể đóng gói và dán nhãn lại theo yêu cầu của khách hàng.

Cơ sở phân phối gửi các thùng carton đến cơ sở bán lẻ với cùng mã định danh như khi nhận được hoặc mã truy vết vận chuyển mới nếu các công-ten-nơ logistics được đóng gói lại. Nếu các thùng carton được chia nhỏ và sau đó sử dụng lại để đóng gói thành các đơn đặt hàng cụ thể thì thông tin định danh ban đầu trên thùng carton phải được che đi và một mã truy vết vận chuyển mới phải được cấp bởi cơ sở phân phối. Phải được định danh bằng mã truy vết địa điểm. Mã truy vết vận chuyển, mã truy vết vật phẩm và số lô của các mặt hàng đã vận chuyển phải được lưu lại và liên kết chúng với mã truy vết địa điểm của người nhận.

Đối với cơ sở bán lẻ nhận pallet và thùng hàng từ nhà phân phối thành phẩm sau đó chọn và gửi tới các cửa hàng. Cơ sở bán lẻ phải lưu giữ hồ sơ về mã truy vết vận chuyển và số lô của các thành phẩm, pallet, thùng đã nhận được. Trong trường hợp cơ sở bán lẻ trả lại hàng cho nhà cung cấp của mình, cần đảm bảo liên kết truy xuất không bị phá vỡ bằng cách lưu lại mã truy vết vật phẩm và số lô của các mặt hàng được trả lại và liên kết với mã truy vết địa điểm của người nhận. Mã truy vết vận chuyển của pallet được gửi đi phải được ghi lại và liên kết với mã truy vết địa điểm của điểm đếm (điểm bán hàng). Mã truy vết vận chuyển của pallet được tiếp nhận phải được ghi lại và liên kết với mã truy vết địa điểm của nơi gửi (nhà phân phối thành phẩm).


Tin mới