Vì sao Bình Định để chủ đầu tư Khu du lịch Ghềnh Ráng tiếp tục dự án?

UBND tỉnh Bình Định đồng cho phép chủ đầu tư Khu du lịch Ghềnh Ráng (giai đoạn 1) tiếp tục triển khai dự án, đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp lập lại quy hoạch và đầu tư bài bản, nghiêm túc.
Cổng vào Khu du lịch Ghềnh Ráng (tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).

Bỏ quyết định thu hồi dự án sau 5 năm

UBND tỉnh Bình Định cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh này đã thu hồi văn bản số 4691/UBND-TH của Chủ tịch UBND tỉnh vào năm 2018, đồng thời cho phép Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn tiếp tục triển khai giai đoạn 1 dự án Khu du lịch Ghềnh Ráng trên phần diện tích 14,65ha do doanh nghiệp đang quản lý.

Ghềnh Ráng là thắng cảnh nổi tiếng, một trong những địa điểm không thể bỏ qua khi đến Quy Nhơn - Bình Định. Khu vực này có vẻ đẹp thiên nhiên với nhiều địa điểm nổi tiếng như: Bãi Trứng, bãi Tiên Sa, mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử...

Tuy nhiên, việc dự án gần như "án binh bất động", khiến du khách ngán ngẩm, còn người dân địa phương thì bức xúc. 

Qua tìm hiểu, Khu du lịch đồi Ghềnh Ráng có diện tích 168 ha, được UBND tỉnh Bình Định giới thiệu địa điểm cho Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn vào năm 2004.

Sau đó, Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn được UBND tỉnh Bình Định cho thuê đất để xây dựng Khu du lịch đồi Ghềnh Ráng (giai đoạn 1) vào tháng 12/2004, diện tích là 14,65ha. 

Tuy nhiên, kể từ khi được chấp thuận địa điểm (tháng 4/2004) đến tháng 7/2011, Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn chỉ xây dựng 1 nhà hàng tại vị trí khu trung tâm và thực hiện cải tạo, chỉnh trang khu mộ Hàn Mạc Tử của giai đoạn 1, hai hạng mục này nằm trên phần diện tích 14,65 ha đã cấp sổ.

Bãi tắm Hoàng Hậu (còn gọi là bãi Đá Trứng) nằm trong Khu du lịch Ghềnh Ráng. Từ bãi tắm có thể nhìn về trung tâm Quy Nhơn.
Bãi tắm Hoàng Hậu (còn gọi là bãi Đá Trứng) nằm trong Khu du lịch Ghềnh Ráng. Từ bãi tắm có thể nhìn về trung tâm Quy Nhơn. 

Các hạng mục còn lại của giai đoạn 1 và toàn bộ giai đoạn 2, nhà đầu tư chưa thực hiện. Vì vậy, năm 2012, UBND tỉnh Bình Định đã thu hồi chủ trương đầu tư đối với dự án Khu Du lịch Ghềnh Ráng (giai đoạn 2) của Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn.

Đối với giai đoạn 1, đến năm 2018, dự án vẫn chưa được đầu tư xong theo quy hoạch được duyệt. Từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2004 đến năm 2018, đã 15 năm nhưng chủ đầu tư vẫn không đầu tư các hạng mục của dự án như đã cam kết. 

Năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định có công văn về việc thu hồi dự án Khu du lịch đồi Ghềnh Ráng giai đoạn 1, do Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn đăng ký đầu tư, bởi không đầu tư các hạng mục như cam kết.

Mặc dù đã thu hồi cách đây 5 năm nhưng theo Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định, dự án vẫn đóng tiền thuê đất hàng năm theo yêu cầu của ngành thuế, chưa quyết định chấm dứt hoạt động dự án và chưa thu hồi đất. 

"Trước đây tỉnh chỉ thu hồi trên văn bản nhưng chưa làm thủ tục rốt ráo, chủ đầu tư vẫn còn sổ và nộp tiền thuê đất hằng năm", Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định thông tin. 

Lập lại quy hoạch 1/500, đảm bảo tiến độ

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định, đây là dự án được triển khai theo chương trình hợp tác giữa tỉnh Bình Định và TP.HCM (biên bản hợp tác được ký vào năm 2004). 

Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn là một trong những công ty tiên phong đầu tư về du lịch tại tỉnh Bình Định vào thời điểm 2004, góp phần thu hút du lịch và các nhà đầu tư khác đến đầu tư trong lĩnh vực du lịch tại Bình Định.

Mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử - địa điểm du khách không thể bỏ qua khi đến Quy Nhơn.
Mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử - địa điểm du khách không thể bỏ qua khi đến Quy Nhơn.

Vì vậy, việc cho phép Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn tiếp tục triển khai giai đoạn 1 dự án, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, góp phần phát triển du lịch tại Bình Định.

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định cho hay, UBND tỉnh cho phép chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án nhưng với điều kiện phải lập lại quy hoạch 1/500 để phù hợp với yêu cầu của tỉnh.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư phải có cam kết triển khai giai đoạn 1 theo đúng thời hạn.

Ngoài ra, phía tỉnh Bình Định yêu cầu, quy hoạch xây dựng theo hướng không bê tông hoá, bảo tồn danh lam thắng cảnh, giữ nguyên hiện trạng cây xanh, cảnh quan và điều chỉnh phù hợp với định hướng phát triển du lịch, bền vững.


Tin liên quan

Tin mới