Yếu tố vĩ mô tác động đến nhóm cổ phiếu ngân hàng 2023

Ngành ngân hàng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, ngành ngân hàng đang gặp rất nhiều thách thức trong năm 2023,…

Trong chương trình DINSIGHTS được tổ chức ngày 11/05/2023, CTCK VNDRIECT đã chỉ ra những yếu tố vĩ mô tác động tới ngành ngân hàng trong năm 2023.

Vĩ mô thế giới

Khái quát tình hình kinh tế thế giới. Nguồn: VNDIRECT.
Khái quát tình hình kinh tế thế giới. Nguồn: VNDIRECT.

Nền kinh tế thế giới hiện nay có sự phân hóa rõ ràng về mặt chu kì, tốc độ tăng trưởng của các nước phát triển hoàn toàn không có sự đồng pha với nhau, cụ thế:

Nền kinh tế Trung Quốc:

Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Việc đóng cửa đã khiến nền kinh tế của quốc gia này bị ảnh hưởng rất nặng nề. Tuy nhiên, nhờ những biện pháp giảm thiểu các ca lây nhiễm, nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu phục hồi và phát triển trở lại trong thời gian gần đây. Theo số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBC) công bố sáng ngày (18/4) cho thấy, GDP nước này tăng 4,5% trong 3 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 4% mà các chuyên gia đưa ra trong một cuộc khảo sát do hãng tin Reuters thực hiện, đồng thời là mức tăng cao nhất trong một quý kể từ quý 1 năm ngoái. So với quý 4/2022, kinh tế Trung Quốc tăng 2,2%.

Nền kinh tế Mỹ:

Nền kinh tế Mỹ được nhiều chuyên gia dự báo đang ở trong giai đoạn cuối chu kì tăng trưởng và khả năng suy thoái vào cuối năm 2023. Nguyên nhân là do chính sách tiền tệ thắt chặt. Trong cuộc họp gần nhất, FED tiếp tục nâng lãi suất điều hành thêm 25 điểm lên mức 5,25%. Đây là mức giống với dự báo của đa số nhà đầu tư và là lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp của Fed kể từ tháng 3/2022. Cũng theo số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 27/4, GDP quý I/2023 của nước này tăng trưởng 1,1%, giảm mạnh so với mức tăng 2,6% trong quý cuối năm năm 2022 song vẫn ghi nhận mức tăng trưởng dương quý thứ ba liên tiếp, sau khi tăng trưởng âm trong suốt nửa đầu năm ngoái.

Nền kinh tế châu Âu:

Hiện tại, lạm phát ở các nước châu Âu đang ở mức khá cao. Theo dữ liệu do Văn phòng thống kê của Liên minh châu Âu Eurostat công bố hôm 9/5, giá tiêu dùng ở Eurozone tăng từ mức 6,9% trong tháng 3 do giá thực phẩm tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2022. Thực phẩm, rượu và thuốc lá dự kiến sẽ có tỷ lệ hàng năm cao nhất trong tháng 4 năm nay, tiếp theo là hàng công nghiệp phi năng lượng tăng 6,2%. Dịch vụ tăng 5,2% trong tháng 4, so với mức 5,1% vào tháng 3. Giá năng lượng đã tăng trở lại 2,5% sau khi giảm nhẹ 0,9% trong tháng 3, theo báo cáo. Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá lương thực và năng lượng, đã giảm từ 5,7% trong tháng 3 xuống 5,6% trong tháng 4

Đánh giá một cách tổng quan, rủi ro suy thoái đang hiện hữu ở một số nước phát triển như Mỹ và các nước châu Âu. Trái ngược với Mỹ và các nước châu Âu, Trung Quốc đang bước vào giai đoạn phục hồi tăng trưởng. Theo quan điểm của chuyên gia tại CTCK VNDIRECT, Việt Nam hiện đang ở giai đoạn giống như Trung Quốc khi chúng ta đã có những chính sách đi trước đón đầu như hạ lãi suất.

Vĩ mô trong nước

Trong tháng 3, NHNN Việt Nam đã đưa ra quyết định giảm lãi suất điều hành. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giữ nguyên ở mức 6,0%/năm.

Xu hướng lãi suất thị trường Việt Nam. Nguồn: VNDIRECT.
Xu hướng lãi suất thị trường Việt Nam. Nguồn: VNDIRECT.

Lãi suất thị trường cũng giảm rõ rệt trong giai đoạn gần đây. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kì hạn 3 tháng bình quân và kì hạn 12 tháng bình quân của nhóm ngân hàng tư nhân giảm lần lượt 51 điểm cơ bản và 19 điểm cơ bản từ đầu tháng 4/2023. Tính từ đầu năm 2023, lãi suất tiền gửi kì hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại đã giảm gần 50 điểm cơ bản so với tháng 1/2023.

Mặc dù lãi suất có xu hướng giảm tuy nhiên tốc độ tăng trưởng tín dụng được giới chuyên gia đánh giá chỉ ở mức thấp. Tính đến hết quý I/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022.

Đánh giá tổng quan, ngành ngân hàng hiện đang gặp rất nhiều thách thức do những biến động khó lường từ yếu tố vĩ mô trong nước cũng như quốc tế. Đây vẫn sẽ là nhóm cổ phiếu đáng để tham gia đầu tư vì ngân hàng chiếm gần 30% vốn hóa của VN-Index.


Tin liên quan

Tin mới