9 năm thua lỗ, Sun Life Việt Nam vẫn mạnh tay chi 1.656 tỷ đồng đầu tư trái phiếu

Sau 10 năm hoạt động tại Việt Nam, Sun Life Việt Nam thua lỗ suốt 9 năm liền bất chấp doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ. Cuối năm 2022, Sun Life Việt Nam mạnh tay chi 1.656 tỷ đồng đầu tư trái phiếu.

Sun Life Việt Nam là 1 trong 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vừa bị Bộ Tài chính công bố loạt sai phạm khi bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới. Sun Life Việt Nam cũng là công ty ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan khi đang gánh số lỗ luỹ kế lên đến hàng nghìn tỷ đồng. 

Nghịch lý doanh thu càng tăng càng lỗ đậm

Sun Life Việt Nam là thành viên với 100% vốn của Tập đoàn SunLife Financial, gia nhập thị trường bảo hiểm Việt Nam từ năm 2013, với hoạt động chính kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, quản lý quỹ, đầu tư vốn. Trong đó bancassurance được xác định là hoạt động kinh doanh trọng tâm, chiến lược.

Sau gần 10 năm hoạt động, Sun Life chỉ báo lãi gần 37 tỷ đồng vào năm 2013. Các năm sau đó, công ty này liên tục báo lỗ. Khoản lỗ luỹ kế của Sunlife Việt Nam tại thời điểm cuối năm 2022 đã tăng lên gần 4.575 tỷ đồng.

năm 2020, doanh thu của Sun Life Việt Nam đạt 1.307 tỷ đồng
Năm 2020, doanh thu của Sun Life Việt Nam đạt 1.307 tỷ đồng

Đáng chú ý, Sun Life Việt Nam đã ghi nhận những kết quả tăng trưởng doanh số đáng kể, đặc biệt sau khi triển khai bán hàng thông qua TPBank và ACB. Tuy nhiên, doanh thu càng tăng mạnh, lợi nhuận càng đi xuống.

Cụ thể, năm 2020, doanh thu của Sun Life Việt Nam đạt 1.307 tỷ đồng, khi công ty này bắt đầu cung cấp các sản phẩm bảo hiểm độc quyền cho TPBank. Tuy nhiên lợi nhuận âm 645 tỷ đồng, gấp đôi năm 2019.

Năm 2021, thỏa thuận bancassurance độc quyền với ACB giúp doanh thu Sun Life Việt Nam đạt hơn 3.500 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2020 song lợi nhuận sau thuế của Sun Life lại ghi nhận mức âm kỷ lục 1.445 tỷ đồng.

Năm 2022, doanh thu thuần của Sun Life Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 72% so với năm trước lên 5.173 tỷ đồng nhưng lại tiếp tục báo lỗ sau thuế 1.469 tỷ đồng. 

Bên cạnh kết quả kinh doanh thua lỗ, Sun Life Việt Nam cũng ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh liên tục âm. Cụ thể, năm 2019, con số này âm 1.042 tỷ đồng; năm 2020 âm 1.364 tỷ đồng. Năm 2021 và 2023 con số naaaft lần lượt là âm 8.962 tỷ đồng và âm 412,5 tỷ đồng.

Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp gần 1.400 tỷ đồng

Kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính cho thấy Công ty bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam dành gần 1.400 tỷ đồng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022. 

Cuối năm 2022, Sun Life Việt Nam có khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp dài hạn lên đến gần 1.400 tỷ đồng, tăng 652 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng giá trị đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp này đạt 1.656 tỷ đồng. 

Doanh thu phí bảo hiểm của Sun Life được chia vào 5 quỹ đầu tư gồm: Quỹ Tăng trưởng, Quỹ Tối ưu; Quỹ Đẳng cấp; Quỹ Cân bằng và Quỹ Bền vững. Trong đó, có 2 quỹ không có trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục đầu tư gồm Quỹ Tối ưu và Quỹ Đẳng cấp.

Trong danh mục tài sản đầu tư của 3 quỹ liên kết đơn vị còn lại, trái phiếu doanh nghiệp được Sunlife xếp vào công cụ đầu tư có thu nhập ổn định niêm yết hoặc chưa niêm yết, gồm: Trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ, chứng chỉ tiền gửi và tiền gửi tại tổ chức tín dụng.

Tại báo cáo tình hình hoạt động quỹ liên kết đơn vị năm 2022, Sun Life cho biết số tiền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của Quỹ Cân bằng 13,4 tỷ đồng, Quỹ Bền vững ở mức 55,1 tỷ đồng. Thu nhập từ trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 của Quỹ Cân bằng đạt 1,9 tỷ đồng, Quỹ Bền vững 6,1 tỷ đồng.

Năm 2022, Quỹ Cân bằng của Sun Life tập trung trái phiếu doanh nghiệp đầu ngành, dòng tiền ổn định, lợi tức tốt và mức độ rủi ro vừa phải. Trong đó, khoản đầu tư trái phiếu Casper chiếm 14,2% và trái phiếu Taseco 13,1%.

Với Quỹ Bền vững, năm 2022, Sun Life đầu tư tới 69,2% vào trái phiếu doanh nghiệp. Các loại trái phiếu Sun Life lựa chọn đầu tư trong quỹ này gồm: trái phiếu Taseco, trái phiếu Trung Sơn Power, trái phiếu TNPower, trái phiếu Casper và trái phiếu Phát Đạt.

Theo công bố của Sun Life, tỷ suất đầu tư thực tế của quỹ liên kết đơn vị có trái phiếu doanh nghiệp trong 3 năm (2020 - 2022) biến động mạnh. Cụ thể, tỷ suất đầu tư thực tế của Quỹ Cân bằng năm 2020 đạt 16,9%, tăng lên 27,2% vào năm 2021 tuy nhiên lại âm tới 19,3% năm 2022. Với Quỹ Bền vững, tỷ suất đầu tư năm 2020 ở mức 3,7% và tăng lên 7,7% trong năm 2022.


Tin liên quan

Tin mới