Bác sĩ khuyến cáo ăn trứng theo một số cách không có lợi cho sức khỏe

Theo các bác sĩ, việc ăn trứng gà ấp dở, trứng lòng đào tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm vi khuẩn thương hàn có thể gây ngộ độc, với các biểu hiện co thắt dạ dày, tiêu chảy, nôn mửa.

Trứng gà chứa nhiều đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa như lutein, zeaxanthin... cần thiết cho cơ thể. Lòng đỏ có nhiều chất dinh dưỡng nhất, khoảng 13,6% chất đạm, 29,8% chất béo và 1,6% chất khoáng. Một quả trứng nặng khoảng 50 g có thể chứa 8 g chất béo, trong đó có 3,3 g chất béo bão hòa và 13 g protein.

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết trứng gà giàu dinh dưỡng, giá rẻ, dễ chế biến. Tuy nhiên, không phải ăn trứng theo cách nào cũng an toàn với sức khỏe.

Trứng gà ấp dở

Trứng gà ấp dở (trứng gà ung) là một loại phế phẩm trong chăn nuôi, thường bỏ đi nhưng được nhiều người yêu thích do vị bùi, béo. Theo bác sĩ Khanh, trong trứng ung, chất dinh dưỡng không còn, có thể biến đổi thành nhiều loại chất độc do phôi bị phá hủy. Khi trứng hỏng, lớp vỏ cũng không còn tác dụng bảo vệ, vi khuẩn dễ dàng tấn công vào bên trong. Ăn loại trứng này có nguy cơ ngộ độc cao, gây đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy.

Cần tránh ăn trứng gà ung, lòng đào vì dễ gây ngộ độc. Ảnh minh họa
Cần tránh ăn trứng gà ung, lòng đào vì dễ gây ngộ độc. Ảnh minh họa

Trứng chần, lòng đào và thực phẩm chứa trứng sống

Ăn trứng sống làm giảm sự hấp thu protein so với trứng chín, có khả năng ngộ độc. Vỏ và bên trong trứng sống có thể chứa vi khuẩn thương hàn salmonella. Ngoài khả năng thâm nhập vào trứng qua màng vỏ nhiễm bẩn, khuẩn salmonella cũng có thể tồn tại trong trứng trước khi lớp vỏ hình thành, do gà mẹ nhiễm bệnh. Ngay cả lau rửa và bảo quản trứng sạch sẽ, không nứt vỡ cũng có thể nhiễm khuẩn.

Sau khi thâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn salmonella chết sẽ giải phóng nội độc tố làm tổn thương ruột và hệ thần kinh trung ương. Người nhiễm khuẩn salmonella thường bị co thắt dạ dày, dẫn tới đau quặn bụng, tiêu chảy, nôn mửa và sốt, kéo dài từ vài ngày đến một tuần.

Nếu không điều trị sớm, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, tử vong. Trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, người từ 65 tuổi trở lên, người suy giảm miễn dịch (ung thư, HIV/AIDS, tiểu đường, cấy ghép nội tạng) hoặc mắc bệnh viêm ruột (viêm loét đại tràng, bệnh Crohn) dễ gặp biến chứng.

Ăn và bảo quản trứng gà sao cho an toàn?

Để giảm nguy cơ ngộ độc, bác sĩ Khanh khuyên lựa chọn trứng có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn. Sau khi mua về cần lau sạch, loại bỏ quả nứt, dập vỡ; bảo quản trong tủ lạnh dưới 4 độ C và sử dụng trong 30 ngày từ lúc mua. Nên ăn trứng sau khi nấu chín kỹ lòng đỏ, lòng trắng ở nhiệt độ trên 70 độ C.

Nên ăn hoặc làm lạnh trứng và thực phẩm có trứng sau khi nấu chín, không để qua đêm. Tránh để ở nhiệt độ phòng hơn hai giờ hoặc một giờ nếu nhiệt độ từ 32 độ C trở lên. Rửa tay và các vật dụng tiếp xúc với trứng sống bằng xà phòng sau khi chế biến giúp tránh lây lan vi khuẩn.

Khi chế biến món có trứng sống như kem, sốt salad, bánh tiramisu... cần tiệt trùng chúng bằng nước nóng. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), lòng đỏ trứng được đun nóng ở nhiệt độ tối thiểu 60 độ C trong 6,2 phút giảm đáng kể nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng dinh dưỡng, hương vị.

Các chuyên gia cảnh báo không nên ăn quá nhiều trứng gà, vì cơ thể chỉ hấp thụ được một khối lượng chất dinh dưỡng nhất định, nếu hấp thụ quá nhiều một chất nào đó sẽ làm gia tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa và quá trình trao đổi chất. Do vậy cần kiểm soát lượng dinh dưỡng mà cơ thể hấp thụ. Tuy trứng gà là một loại thực phẩm bổ ích, nhưng người lớn chỉ nên ăn 3 quả/mỗi tuần. Người bị tăng huyết áp hoặc cholesterol cao trong máu vẫn có thể ăn trứng, vì nó không làm tăng huyết áp và cholesterol máu, tuy nhiên một tuần chỉ nên ăn 1- 2 quả/tuần.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng khi lấy trứng gà ra khỏi tủ lạnh cần mang đi chế biến hoặc ăn ngay, không nên để trứng bên ngoài quá lâu. Bởi vì khi bỏ trứng ra khỏi tủ lạnh, lượng nước bám ở vỏ trứng sẽ dần len lỏi vào bên trong lòng trắng trứng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, khiến trứng bị biến chất.

Những đối tượng không nên ăn trứng gà

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Hồng Ngọc, trong một số trường hợp nhất định, nhất là cơ thể bị các bệnh như: tim mạch, sỏi mật, tiêu chảy… thì việc ăn trứng gà sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Đại học Western (Canada) cho thấy rằng, ăn 3 quả trứng một tuần có thể làm các mảng bám ở thành động mạch dày lên. Các mảng bám này sẽ thu hẹp không gian bên trong động mạch, khiến máu chảy qua khó khăn hơn, buộc trái tim phải bơm mạnh hơn, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.

Thêm vào đó, những mảng bám có thể vỡ ra, hình thành các cục máu đông chặn dòng chảy của máu, gây đột quỵ hoặc đau tim. Ngoài ra, hàm lượng cholesterol cao trong trứng gà cũng không tốt cho người bị bệnh xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành vì làm thu hẹp, tắc nghẽn động mạch vành.

Trứng gà là thức ăn có hàm lượng đạm rất cao, trong khi đó, do sự kích thích của viên sỏi lâu ngày trong túi mật, chức năng co bóp của túi mật của người bệnh sẽ yếu dần, nếu người bệnh dùng thức ăn có hàm lượng đạm như trứng gà, đường ruột sẽ tiết nhiều chất làm co bóp túi mật, khiến túi mật vốn đã bị bệnh phải làm việc quá tải, từ đó sinh ra các triệu chứng lâm sàng như: gây đau đớn, nôn mửa… Đôi khi, viên sỏi sẽ theo sự co bóp của túi mật di chuyển đến cuống mật, làm tắc lối thông của dịch mật, gây ứ đọng dịch mật, áp suất bên trong mật tăng cao, dẫn đến đau thắt mật và viêm mật.

Nhiều người cho rằng khi bị tiêu chảy, người bệnh sẽ mất nước và chất dinh dưỡng nên cần bồi bổ cơ thể bằng cách ăn nhiều trứng gà. Thật ra, đây là quan niệm sai lầm. Bởi khi bị tiêu chảy, dịch tiêu hóa sẽ tiết ra ít hơn, hoạt tính men tiêu hóa bị giảm nên việc hấp thu chất mỡ, đạm và đường thường bị rối loạn. Cho nên, việc bổ sung trứng gà (thực phẩm giàu đạm và chất béo) cho người bệnh không những sẽ làm mất đi tác dụng bổ dưỡng cơ thể, mà ngược lại còn làm cho tình trạng bệnh càng nặng thêm. Vì thế, trong thời gian bị tiêu chảy, không được cho người bệnh ăn trứng gà.

Thành phần chủ yếu của trứng gà là chất đạm, trong đó, chủ yếu là nhóm chất đạm có thành phần đơn giản và luôn ở trạng thái hòa tan nên rất dễ hấp thu vào cơ thể, dù vậy, sau khi ăn chúng sẽ tạo ra nhiệt lượng rất cao. Do đó, nếu cơ thể đã bị sốt lại còn ăn trứng gà sẽ làm cho nhiệt độ cơ thể tăng lên nhanh chóng, làm tình trạng sốt càng thêm trầm trọng, rất khó hạ sốt. Chính vì vậy, khi chăm sóc người bị sốt, người nhà bệnh nhân nên tránh thêm trứng gà vào thực đơn bổ sung dinh dưỡng.


Tin liên quan

Tin mới