Bamboo Airways đã hoán đổi 7.720 tỷ nợ thành cổ phần, trở thành hãng bay có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam, cổ phiếu được định giá 3.000 đồng

Sau khi tăng vốn, Bamboo Airways đã giảm được tỷ lệ nợ vay, theo đó hệ số nợ tài chính/vốn chủ giảm về mức 0,7 lần.

Theo thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ngày 10/5/2023, CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã thành công nâng vốn điều lệ lên 26.220 tỷ đồng, tăng thêm 7.720 tỷ đồng.

Như vậy, Bamboo Airways đã trở thành hãng hàng không có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam, vượt qua Vietnam Airlines (22.143 tỷ đồng).

 Trước đó, ĐHĐCĐ bất thường của công ty diễn ra ngày 9/5 đã thông qua phương án tăng vốn thêm 11.500 tỷ đồng như trong bản kiến nghị của ông Lê Thái Sâm. Trong đó bao gồm 7.720 tỷ đồng phát hành để hoán đổi nợ và 3.780 tỷ đồng phát hành cho nhà đầu tư chiến lược.

Theo thông tin từ văn bản kiến nghị của ông Sâm, ông này đã cho Bamboo Airways vay 7.727,8 tỉ đồng (bao gồm cả gốc và lãi) không lãi suất và/hoặc lãi suất thấp và không có tài sản đảm bảo, số tiền gần như tương đương với số Bamboo Airways tăng vốn để hoán đổi nợ.

Ban lãnh đạo Bamboo Airways cho biết hãng bay đã hoàn tất phát hành tăng vốn cổ phần thông qua việc hoán đổi nợ thành cổ phần.

Các đợt tăng vốn của Bamboo Airways

Tính đến ngày 3/5/2023, ông Lê Thái Sâm là cá nhân sở hữu 231,7 triệu cổ phiếu BAV. Như vậy, tại 10/05/2023, sau lần hoán đổi nợ nói trên, ông Sâm đã cầm thêm 772 triệu cổ phần, nâng tổng số cổ phần lên hơn 1 tỷ cổ phần tương đương 38% trên vốn điều lệ mới.

Bamboo Airways đã hoán đổi 7.720 tỷ nợ thành cổ phần

Bên cạnh đó, trước đó HĐQT FLC đã quyết nghị việc chuyển nhượng toàn bộ 401,5 triệu cổ phần BAV mà FLC đang sở hữu cho ông Lê Thái Sâm.

Sau khi FLC hoàn tất chuyển nhượng cổ phần Bamboo Airways cho ông Sâm, ông sẽ cầm hơn 1,4 tỷ cổ phần và nâng tỷ lệ sở hữu ở Bamboo Airways lên mức 53,6% (trên vốn điều lệ hiện tại là 26.220 tỷ đồng).

Theo thông tin chúng tôi được biết, ông Sâm đã đem 217 triệu cổ phiếu BAV của Bamboo Airways làm tài sản đảm bảo tại một ngân hàng. Cũng tại ngân hàng này nhưng ở chi nhánh khác, ông Sâm đem tiếp 17,46 triệu cổ phiếu BAV làm tài sản đảm bảo để vay tổng cộng 52,38 tỷ đồng. Tương ứng định giá cho BAV là 3.000 đồng/cp.

Một cổ đông khác là Ngân hàng NCB đang lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chuyển nhượng toàn bộ 203 triệu cổ phần BAV đang nắm giữ, vốn là tài sản đảm bảo cho các khoản vay trước đây. Điều này sẽ khiến cho cơ cấu cổ đông tại Tre Việt tiếp tục biến động.

Một điểm đáng chú ý với con số 7.727,8 tỷ đồng mà ông Lê Thái Sâm cho Bamboo Airways vay. Đó là nó tương đương với số tiền mà Tập đoàn Him Lam đã cho hãng hàng không này vay.

Trước đó, một bài phỏng vấn của Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân trên Báo điện tử Chính phủ vào tháng 3/2023 tiết lộ, trong thời điểm khó khăn, hãng đã kêu gọi được sự hỗ trợ từ một số nhà đầu tư lớn chung tay giúp hãng vượt qua khủng hoảng. Điển hình như Công ty cổ phần Him Lam đã cho Bamboo Airways vay 8.000 tỉ đồng.

Được biết, ông Lê Thái Sâm đã nộp đơn từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT Bamboo Airways, HĐQT sẽ trình cổ đông thông qua trong ĐHĐCĐ thường niên sắp tới.

Theo Ban lãnh đạo Bamboo Airways, giá trị vốn điều lệ tại thời điểm tháng 5/2023 đạt 26.220 tỷ đồng, giảm tỷ lệ nợ vay, theo đó hệ số nợ tài chính/vốn chủ giảm về mức 0,7 lần.

Thời điểm cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu Bamboo Airways âm 836 tỷ đồng do khoản lỗ lớn 17.600 tỷ trong năm 2022 vì trích lập dự phòng phải thu khó đòi và dự phòng đầu tư vào công ty liên kết lên đến hơn 13.200 tỷ. Khi vốn điều lệ đã tăng thêm 7.720 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, nếu hoạt động kinh doanh 5 tháng đầu năm không lỗ hoặc lỗ không quá lớn thì hoàn toàn có khả năng thoát âm vốn chủ sở hữu.


Tin liên quan

Tin mới