Bổ sung quy định về đăng ký hộ kinh doanh

Mục đích của việc xây dựng Nghị định là nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi để các cá nhân, hộ gia đình thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh (sau đây gọi tắt là Dự thảo) và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động. Dự thảo quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh; đăng ký qua mạng thông tin điện tử; hiệu đính, chuẩn hoá thông tin đăng ký… Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các hộ kinh doanh; các cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu kinh doanh.

Về sự cần thiết phải ban hành Nghị định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, liên thông thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh.

Hiện nay, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh được quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp chỉ quy định hình thức nộp hồ sơ bản giấy trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh, chưa tin học hóa nghiệp vụ, do đó chưa cung cấp được dịch vụ công điện tử.

Trong khi đó, thực hiện chiến lược xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số, hầu hết thủ tục hành chính liên quan đến người dân hiện đã có thể thực hiện trên môi trường điện tử. Tại Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT ngày 18/4/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nghiệp vụ đăng ký hộ kinh doanh bước đầu được tin học hóa nhưng chưa triệt để, chủ yếu phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ liên thông thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.

Thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được Bộ Công an chia sẻ, kết nối với nhiều cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Việc khai thác dữ liệu về dân cư lưu trữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho phép cắt giảm nhiều trường thông tin cá nhân phải kê khai, sử dụng số định danh cá nhân, ứng dụng định danh điện tử cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính. Tuy nhiên, quy định hiện tại về đăng ký hộ kinh doanh chưa cho phép đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng này.

Để đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, liên thông thêm một bước thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh, cần thiết phải bổ sung nhiều quy định về hộ kinh doanh hiện được quy định tại Chương VIII Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Do đó, việc xây dựng Nghị định về hộ kinh doanh thay thế Chương VIII Nghị định số 01/2021/NĐ-CP là cần thiết.

Thêm quy định về đăng ký hộ kinh doanh
Thêm quy định về đăng ký hộ kinh doanh

Việc ban hành Nghị định còn khắc phục một số nội dung vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định về đăng ký hộ kinh doanh tại Chương VIII Nghị định số 01/2021/NĐ-CP và Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT.

Cụ thể, về đối tượng thành lập hộ kinh doanh, hiện nay, theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐCP, đối tượng thành lập hộ kinh doanh bao gồm 02 đối tượng là cá nhân và các thành viên hộ gia đình. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định chung về khái niệm “hộ gia đình”, gây ra sự lúng túng, khó khăn cho người thành lập hộ kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước trong việc xác định đối tượng đăng ký tham gia thành lập hộ kinh doanh.

Về đối tượng không phải thành lập hộ kinh doanh, Khoản 2 Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định như sau: “Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương”.

Thực tế triển khai cho thấy còn tồn tại cách hiểu khác về quy định nêu trên. Có ý kiến cho rằng các đối tượng tại khoản 2 Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP là hộ kinh doanh và không phải đăng ký hộ kinh doanh. Ngược lại, một số lại cho rằng các đối tượng này không phải là hộ kinh doanh và đương nhiên không phải đăng ký hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, thực tế hầu hết địa phương không quy định mức thu nhập thấp vì rất khó để xác định.

Về ngành, nghề kinh doanh, so với Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, quy định về việc ghi ngành, nghề kinh doanh trên Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh tại Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT đã có thay đổi đáng kể theo hướng hộ kinh doanh lựa chọn một ngành, nghề kinh doanh chính để kê khai theo ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam; các ngành, nghề kinh doanh khác thì được ghi theo quy định tại khoản 1 Điều 89 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP (ghi tự do).

Tuy nhiên, trên nguyên tắc hộ kinh doanh được kinh doanh tất cả các ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà luật không cấm, cần tiếp tục đơn giản hóa việc ghi ngành, nghề kinh doanh đối với hộ kinh doanh theo hướng chỉ cần kê khai và mã hóa một ngành, nghề kinh doanh chính và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (nếu có) theo mã ngành cấp 4 trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, không phải kê khai các ngành, nghề kinh doanh khác.

Về địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh, Điều 86 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh. Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại. Theo quy định tại điểm h khoản 3 Điều 5 Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế thì địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh được cấp mã số thuế và quản lý thuế.

Để đáp ứng nhu cầu về việc triển khai thực hiện liên thông thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh, Thông tư số 02/2023/TTBKHĐT đã bổ sung quy định về việc thông báo hoạt động địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh theo hướng Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện là đầu mối tiếp nhận hồ sơ thông báo địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh.

Việc quy định về địa điểm kinh doanh nêu trên đã tiến thêm một bước về liên thông thủ tục hành chính trong đăng ký hộ kinh doanh, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được triệt để yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính khi hiện nay hộ kinh doanh vẫn phải thực hiện một số nghĩa vụ thông báo khác của địa điểm kinh doanh tại cơ quan thuế.

Mặc dù quy định về đăng ký kinh doanh cho hai đối tượng là doanh nghiệp và hộ kinh doanh, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP chủ yếu tập trung vào nội dung đăng ký doanh nghiệp. Chương I Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định những vấn đề chung nhưng cũng tập trung cho đăng ký doanh nghiệp. Một số quy định về đăng ký hộ kinh doanh còn thiếu như: nguyên tắc áp dụng giải quyết thủ tục hành chính, tình trạng pháp lý, quản lý nhà nước về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện… gây khó khăn cho cả người dân và cơ quan quản lý trong quá trình thực hiện. Để đảm bảo công tác đăng ký hộ kinh doanh được quy định đầy đủ, chặt chẽ, rõ ràng, cần thiết phải bổ sung những quy định còn thiếu về đăng ký hộ kinh doanh.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục đích của việc xây dựng Nghị định là nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi để các cá nhân, hộ gia đình thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Tiếp tục cải cách, hoàn thiện thêm một bước khung khổ pháp lý về hộ kinh doanh để nâng cao chất lượng dịch vụ công, đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký hộ kinh doanh, tạo sự thuận lợi cho người dân hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kết nối, chia sẻ dữ liệu. Quy định cụ thể, rõ ràng hơn về đăng ký hộ kinh doanh góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.


Tin liên quan

Tin mới