Bùng nổ đầu tư nước ngoài, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới

Hơn 5 năm qua, bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn tiếp tục đón nhận sự “bùng nổ” của dòng vốn đầu tư nước ngoài và điều này đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.

Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới

Bùng nổ vốn đăng ký và giải ngân

Dù vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang trong xu hướng chậm lại, do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, do tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường…, song một thực tế không thể phủ nhận, đó là hơn 5 năm qua, kể từ sau khi Việt Nam tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, dòng chảy của nguồn lực này vẫn không ngừng gia tăng.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính từ đầu tháng 1/2018 đến hết ngày 20/4/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt khoảng 180 tỷ USD, bằng 40,3% tổng vốn đầu tư lũy kế trong hơn 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài. Con số này thậm chí còn bằng hơn 56% tổng nguồn lực đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 30 năm, tính đến hết năm 2017.

Vào cuối năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lũy kế cả nước có 24.748 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 318,72 tỷ USD, trong khi vốn thực hiện lũy kế đạt 172,35 tỷ USD. Còn thời điểm cuối tháng 4/2023, con số là 37.065 dự án, với tổng vốn đăng ký 445,87 tỷ USD, vốn thực hiện hơn 279,8 tỷ USD, bằng 62,% vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Ngân hàng HSBC, trong một báo cáo về thu hút đầu tư nước ngoài ở khu vực ASEAN hồi giữa năm ngoái, đã nhấn mạnh về một sự bùng nổ vốn đầu tư nước ngoài vào ASEAN. “Mặc cho dịch bệnh, vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đổ vào các thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất. Trong đó, Việt Nam và ASEAN là hai thị trường nhận nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất”, các chuyên gia của HSBC nhận định.

Một điểm không thể không nhắc tới, đó là trong hơn 5 năm qua, đã có 3 năm dòng đầu tư toàn cầu chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 và suy giảm rõ rệt. Tuy vậy, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tích cực. Năm 2019, ngay trước thời điểm Covid-19 bùng nổ, Việt Nam thu hút được hơn 38 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và vào thời điểm đó, đây được coi là con số kỷ lục, mặc dù vẫn thua xa con số 72 tỷ USD của năm 2008.

Năm 2008, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng vọt, hàng loạt dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư, như Dự án Thép Vinashin - Lion (Malaysia), 9,8 tỷ USD; Liên hợp Thép Formosa, 7,9 tỷ USD; Lọc dầu Nghi Sơn, 6,2 tỷ USD; Dự án New City 4,3 tỷ USD… Nhưng không ít dự án trong số này là dự án ảo, sau đó không lâu thì “đứt gánh giữa đường”. Bởi thế, sau này, ngay cả cơ quan quản lý về đầu tư nước ngoài cũng rất ít nhắc đến kỷ lục của năm 2008 như một thành tựu đáng ghi nhận.

Như vậy, nếu tạm gạt kỷ lục 72 tỷ USD của năm 2008 sang một bên, thì con số 38 tỷ USD của năm 2019 chính là “đỉnh” mới. Những tưởng Covid-19 sẽ “làm khó” Việt Nam, nhưng năm 2021, rất bất ngờ, có tới 38,85 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, “đỉnh” mới tiếp tục được thiết lập ngay cả trong gian khó.

Và không chỉ là vốn đăng ký, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân còn tích cực hơn thế. Nếu trước đây, con số đạt được chỉ là 11-12 tỷ USD/năm (bởi thế, sau 30 năm, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân mới đạt trên 172 tỷ USD), thì trong 5 năm vừa qua, trung bình hàng năm có khoảng 19-20 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài được đưa vào thực hiện. Năm 2022, kỷ lục đã được thiết lập, với 22,4 tỷ USD, cao hơn cả thời điểm trước dịch.

Số liệu thống kê cho thấy, hơn 5 năm qua, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đạt 107,47 tỷ USD, bằng 38,4% tổng vốn giải ngân trong vòng 35 năm qua. Đây là một con số rất tích cực và được GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá cao.

Trở thành trung tâm sản xuất mới

Nhưng hơn cả các con số, chất lượng dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hơn 5 năm qua đã được cải thiện đáng kể. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nhắc đến việc ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư lớn, với công nghệ hiện đại đầu tư vào Việt Nam.

“Khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài đã đóng góp quan trọng vào giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp nhờ các tập đoàn kinh tế quốc tế đầu tư nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, thành lập hàng chục trung tâm R&D, trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm công nghệ, liên kết thành công với doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa...”, GS-TSKH. Nguyễn Mại cũng nhận xét như vậy.

Còn Ngân hàng HSBC khẳng định, khi nghĩ đến những câu chuyện thành công về các nền kinh tế được thúc đẩy bởi đầu tư nước ngoài, thì Việt Nam là một ví dụ nổi bật. “Việt Nam đã chuyển mình thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần toàn cầu đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng”, HSBC nhận xét và nhắc đến các khoản đầu tư quy mô lớn của Samsung, Pegatron, Foxconn, Luxshare, Goertek…, để nhấn mạnh việc Việt Nam đang “chuyển mình thành trung tâm sản xuất công nghệ”.

Không chỉ dệt may, da giày như trước kia, kể từ năm 2008, rất nhiều “người khổng lồ” công nghệ, bao gồm cả Google, LG đã chuyển chuỗi cung ứng của họ đến Việt Nam. Xu hướng này càng phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và cả thời kỳ đại dịch khiến xu hướng dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ hơn.

Cách đây chưa lâu, Quanta Computer (Đài Loan - Trung Quốc) đã ký thỏa thuận với UBND tỉnh Nam Định về việc phát triển dự án sản xuất máy tính quy mô lớn tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận, dự kiến có vốn đầu tư 120 triệu USD, xây dựng trên diện tích 22,5 ha. Đây là nhà máy thứ 9 của Quanta trên toàn cầu, nhưng là nhà máy đầu tiên của tập đoàn công nghệ này tại Việt Nam.

Thông tin thú vị là, Quanta chính là đối tác sản xuất MacBook của Apple. Bởi thế, sự xuất hiện của tập đoàn này đồng nghĩa với việc “ông lớn” Apple đang tiếp tục xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.

Một đối tác khác của Apple là Foxconn cũng đang lên kế hoạch thiết lập một nhà máy mới ở Nghệ An, để mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam, sau khi đã rất thành công khi đầu tư ở Bắc Ninh và Bắc Giang.

“Điểm mặt” các dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong 5 năm qua, càng có thể chứng minh xu hướng các tập đoàn công nghệ đang dần biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của họ.

Samsung tất nhiên là ví dụ điển hình. Trong chuyến thăm Việt Nam vào giữa năm ngoái, ông Roh Tae-Moon, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử (Hàn Quốc) cho biết, Samsung sẽ đầu tư thêm 3,3 tỷ USD tại Việt Nam trong năm 2022. Tới nay, tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam đã lên tới 20 tỷ USD, gấp gần 30 lần so với thời điểm đầu tiên (670 triệu USD).

LG cũng là một ví dụ điển hình. Hiện nay, tổng vốn đầu tư của LG tại Việt Nam đã lên tới 7,5 tỷ USD. Trong vòng 5 năm qua, LG đã không ngừng tăng vốn đầu tư vào các nhà máy như LG Display, LG Innotek, và LG Electronics…

Trong khi đó, Foxconn, Pegatron, Winston, rồi Goertek, Amkor… đã liên tục tăng vốn đầu tư vào Việt Nam, không phải là 300-500 triệu USD, mà bao gồm cả các cam kết tỷ USD. Ngay cả Intel, sau khi tăng vốn thêm 475 triệu USD vào đầu năm 2021, cũng đã lên kế hoạch đầu tư giai đoạn II, với quy mô hàng tỷ USD.

“Dòng đầu tư vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có sự dịch chuyển lớn sang nhóm ngành công nghiệp có giá trị cao”, ông Christopher J Marriott, Tổng giám đốc Savills Đông Nam Á cho biết và khẳng định, Việt Nam được xem là một trong những điểm đến nổi bật với năng lực sản xuất đạt mức kỳ vọng của các nhà đầu tư quốc tế, những tập đoàn công nghệ hàng đầu chuộng đầu tư vào Việt Nam.

Và đó là một trong những lý do vì sao năm ngoái, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt trên 732 tỷ USD, trong đó riêng xuất khẩu các sản phẩm điện thoại và linh kiện, thiết bị điện tử lên tới hơn 100 tỷ USD. Cũng nhờ vậy, Việt Nam đã bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bước ngoặt lịch sử

Cuối năm ngoái, đúng thời điểm đánh dấu mốc 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Samsung đã khánh thành Trung tâm R&D, quy mô 220 triệu USD tại Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội), để hoàn thiện bức tranh đầu tư chiến lược vào Việt Nam. Sự kiện này, theo ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, đã cho thấy ý chí của Samsung trong quyết tâm đưa Việt Nam vượt qua vai trò là “cứ điểm sản xuất” để trở thành “cứ điểm chiến lược về R&D” của Samsung trên toàn cầu.

Với Việt Nam, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Còn ông Roh Tae-Moon, khi tháp tùng Chủ tịch Lee Jae Yong tới Việt Nam tham dự Lễ khánh thành Trung tâm R&D, thì cho biết, Samsung sẽ nâng cao năng lực chuyên môn và mở rộng lĩnh vực phát triển để nơi đây không chỉ trở thành Trung tâm R&D hàng đầu khu vực Đông Nam Á, mà còn là trung tâm R&D số 1 toàn cầu.

Bình luận về sự kiện này, tờ The Korea Herald còn khẳng định: “Đã qua rồi cái thời Việt Nam là cơ sở sản xuất giá rẻ cho các công ty toàn cầu”. Bởi thế, việc Samsung chính thức khánh thành Trung tâm R&D quy mô lớn tại Việt Nam cũng có thể coi là một bước ngoặt lịch sử, đánh dấu sự chuyển biến về chất của dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Đã từ lâu, Việt Nam luôn mong muốn thu hút nhiều hơn nữa đầu tư vào mảng R&D, bởi đây là khoản đầu tư mang tính chất “thượng nguồn”, giúp Việt Nam bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị. Thông tin là rất tích cực, khi không chỉ Samsung, mà còn LG, rồi Intel và một số nhà đầu tư nước ngoài khác cũng ngày càng quan tâm hơn đến việc đầu tư R&D tại Việt Nam.

Không những thế, năm 2022 còn đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khác, khi Tập đoàn Lego (Đan Mạch) chính thức đầu tư và khởi công dự án hơn 1,3 tỷ USD tại Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, dự án trung hòa carbon đầu tiên của Lego trên toàn cầu này có ý nghĩa như một sự khởi đầu cho dòng đầu tư xanh. 

Chia sẻ về xu hướng này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, với Việt Nam, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Xu thế hiện nay, dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu cũng đang tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D); kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; năng lượng sạch…

“Đây cũng chính là những lĩnh vực mà Việt Nam đang đặt trọng tâm ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài và dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, qua đó sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Một chặng đường mới trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đang đến, với kỳ vọng dòng đầu tư sẽ xanh, sạch và chất lượng hơn. Một bước ngoặt quan trọng khi Việt Nam vừa trải qua hành trình 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài.


Tin mới