Chứng khoán "bốc hơi" gần 60 điểm, la liệt cổ phiếu nằm sàn

Với thanh khoản kỷ lục vượt 40.000 tỷ đồng, VN-Index đang rơi tự do xuống vùng thấp nhất phiên, 278 mã giảm kịch sàn... Thị trường chứng khoán đang chứng kiến một phiên hoảng loạn chưa từng có kể từ đầu năm.

Trong phiên giao dịch cuối tuần (18/8), sau khoảng 1 giờ mở cửa, lực bán tháo ồ ạt diễn ra trên diện rộng khiến chỉ số VN-Index “đi vào lòng đất” và mất hơn 20 điểm, về sát mốc 1.210 điểm.

Trên bảng điện tử, số mã giảm điểm gấp gần 10 lần lượng mã tăng. Các cổ phiếu nhóm VN30 cũng không thoát khỏi trạng thái "thả phanh".

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm sâu 20,27 điểm, dừng ở mốc 1.213, 27 điểm. Toàn sàn HoSE có 426 mã giảm, so với 48 mã tăng. Nhóm VN30 cũng giảm hơn 20 điểm, thủng mốc 1.230 điểm.

Trong khi đó, HNX-Index giảm mạnh, mất 14,01 điểm tương ứng 5,6% và UPCoM-Index giảm 3,68 điểm tương ứng 3,97%.

VN-Index giảm gần 50 điểm.
VN-Index giảm gần 50 điểm.

Thanh khoản phiên ngày 18/8 tăng đột biến và lập đỉnh 17 tháng. Đã rất lâu thị trường chứng khoán lại chứng kiến sự trở lại của một phiên khớp lệnh với tổng giá trị tới hơn 40.000 tỷ đồng. Tiếc là sự bùng nổ thanh khoản lại trong bối cảnh thị trường lao dốc, tình hình cho thấy tính áp đảo của bên bán và áp lực cung đối với phiên tiếp theo là rất lớn.

Khối lượng giao dịch trên sàn HoSE xấp xỉ 1,7 tỷ đơn vị tương đương giá trị giao dịch 36.037 tỷ đồng; HNX có 238 triệu cổ phiếu giao dịch tương đương 4.169 tỷ và con số này trên UPCoM là 142 triệu cổ phiếu tương đương 1.670 tỷ đồng.

Cổ phiếu VIC giảm mạnh nhất với mức giảm 5,56%, tương ứng giảm 4.000 đồng, đưa mức giá giảm còn 67.900 đồng/cp.

Nhiều mã trụ khác cũng giảm sâu như CTG giảm 1,53%, BID giảm 1,59%, VHM giảm 1,97%, VPB giảm 2,03%, HPG giảm 2,14%, MWG giảm 3,53%...

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh, bảng giá chứng khoán của một số công ty chứng khoán bị "nghẽn", "đơ", loạn giá, hiển thị sai thông tin về biến động giá và chỉ số trên sàn. Đồng thời, ứng dụng chứng khoán cũng tắc nghẽn khiến nhà đầu tư không thể thực hiện lệnh mua/bán hoặc hủy lệnh đã gửi.

Sau giờ nghỉ trưa, áp lực bán tháo chưa dừng lại. Toàn thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chìm trong sắc đỏ. Lúc 2h03 chiều 18/8, VN-Index giảm 44,34 điểm (3,59%) còn 1.189,14 điểm. Toàn sàn HoSE ghi nhận có tới 486 mã giảm, trong khi chỉ 27 mã tăng.

Lúc 2h41 chiều 18/8, đà giảm nới rộng, VN-Index mất 56,62 điểm xuống chỉ còn 1.176,73 điểm. 

Những phút cuối phiên, dòng tiền bắt đáy được đẩy vào mạnh mẽ nhưng không thể giúp VN-Index giảm bớt đà giảm. Kết phiên cuối tuần, VN-Index ghi nhận số điểm giảm kỷ lục từ đầu năm đến nay 55,49 điểm (4,5%) xuống 1.177,99 điểm.

Toàn sàn HoSE có 486 mã giảm, 25 mã tăng, 18 mã đứng giá. Nhóm VN30 còn “thảm” hơn với 29/30 mã giảm, trong đó 7 mã giảm sàn. Mã duy nhất giữ được sắc xanh trong rổ VN30 là VCB. Tuy nhiên, nỗ lực của VCB không thể "gánh" chỉ số khi VIC, VHM và hàng loạt cổ phiếu VN30 lao dốc.

Ngoại trừ VCB tăng nhẹ 0,1% thì các cổ phiếu ngân hàng đều bị bán rất mạnh và giảm sâu. VPB, SHB và EIB giảm sàn, khớp lệnh "khủng": SHB khớp 37,9 triệu cổ phiếu; VPB khớp 34,1 triệu cổ phiếu và EIB khớp 20 triệu cổ phiếu; cả 3 mã đều không có dư mua. TCB giảm 6,3%; OCB giảm 6,2%; BID giảm 6,2%; CTG giảm 5,8%; VIB giảm 5,6%...

Có thể nhận thấy, nếu VCB cũng bị cuốn theo thị trường thì độ thiệt hại của VN-Index có thể không chỉ dừng ở mức trên mà còn "thảm hại" hơn nữa, do đây là cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất 3 sàn. Tuy nhích nhẹ nhưng VCB vẫn là cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất với chỉ số đại diện sàn HoSE, đóng góp 0,36 điểm.

Là ngành "nhạy cảm" với biến động chung, cổ phiếu dịch vụ tài chính giảm sàn hàng loạt. EVF, APG, FTS, BSI, VND, CTS,HCM, FIT, ORS, TVS, VCI, TVB, VIX, AGR, VDS, … đồng loạt giảm kịch biên độ sàn HoSE, hầu hết trắng bên mua.

Cổ phiếu ngành bất động sản bị bán tháo rất mạnh. Lệnh bán sàn kích hoạt khiến cổ phiếu ngành này bị chất lệnh dồn dập, hàng loạt mã "sàn cứng" từ sớm bất kể là cổ phiếu trong rổ VN30 hay cổ phiếu penny.
Cổ phiếu BĐS cũng bị bán tháo mạnh. Lệnh bán sàn kích hoạt khiến cổ phiếu ngành này bị chất lệnh dồn dập, hàng loạt mã "sàn cứng" từ sớm dù là cổ phiếu trong rổ VN30 hay cổ phiếu penny.

Trên sàn chứng khoán Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm 14,01 xuống 235,96 điểm. UpCoM-Index giảm 3,47 điểm, còn 89,27 điểm.

Thị trường chứng khoán trong nước lao dốc sau thời gian tăng nóng và diễn biến này đã được giới quan sát cảnh báo từ trước. Hơn nữa, thị trường tài chính thế giới đã có những biến động tiêu cực gần đây.

Một tin tức cũng ảnh hưởng xấu đến tâm lý của giới đầu tư là China Evergrande Group, một trong những doanh nghiệp BĐS hàng đầu Trung Quốc, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản.


Tin liên quan

Tin mới