Chuyên gia: Mức chênh lệch nhiệt độ ngoài trời - điều hòa dưới 10 độ C có thể tiết kiệm điện trong mùa hè

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban kinh doanh EVN khuyến cáo người dân, doanh nghiệp đặt chế độ điều hòa từ 26 độ C trở lên và đảm bảo không được vượt quá 10 độ C so với nhiệt độ bên ngoài.

Thời gian qua, hiện tượng El Nino gây ra tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước đã làm cho các hồ thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng, tỷ lệ huy động điện từ thủy điện có thể sụt giảm mạnh từ tháng 5 đến tháng 7. Nhu cầu điện tăng, nguồn cung thiếu, nguy cơ cắt điện luân phiên… là những vấn đề được nhắc đến trong giai đoạn mùa nắng nóng cao điểm năm nay.

Thực tế trong mùa hè, điều hòa (máy lạnh) là thiết bị chiếm tỷ trọng cao trong tiêu thụ điện của các hộ gia đình, vậy cách sử dụng điều hòa thế nào có thể giảm được tiền điện là điều mà các độc giả đặt ra tại tọa đàm “Giá điện” được báo Thanh Niên tổ chức gần đây.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban kinh doanh Tập đoàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết điều hòa thường chiếm tỷ trọng sử dụng điện rất lớn, 40 - 75% lượng điện sử dụng trong gia đình.

“Nếu chúng ta giảm nhiệt độ điều hòa xuống 1 độ C thì tiêu tốn năng lượng tăng thêm 1 - 3%. Do vậy nên đặt chế độ điều hòa từ 26 độ C trở lên và đảm bảo không được vượt quá 10 độ C so với nhiệt độ bên ngoài. Nếu mức chênh lệch trên 10 độ C thì hiệu suất điều hòa thấp và tuổi thọ giảm”, đại diện EVN khuyến cáo.

Đồng quan điểm, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và phát triển xanh cũng cho rằng về nguyên tắc, chúng ta sẽ sử dụng điều hòa với độ chênh 7 - 10 độ C với nhiệt độ bên ngoài.

Ví dụ, bình thường mở ở mức 26 độ C với nhưng nóng lên 37- 38 độ C thì nên để nhiệt độ cao hơn lên đến 29 - 30 độ C để tránh hiện tượng sốc nhiệt. Khi đặt 30 độ C máy lạnh sẽ tự tắt, còn để 26 độ C thì máy lạnh sẽ chạy liên tục 24/24 giờ, tốn điện rất nhiều.

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và phát triển xanh. (Ảnh: Thanh Niên)
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và phát triển xanh. (Ảnh: Thanh Niên)

Trong thực tế, nhiều hộ gia đình sử dụng điều hòa theo cách bật trong vòng 1 giờ xong rồi tắt, sau đó sẽ mở lại. Tuy nhiên, ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP HCM cho rằng đây là cách sử dụng chưa phù hợp vì sẽ làm giảm tuổi thọ của máy lạnh. Ông Bùi Trung Kiên khuyến cáo người dân nên chọn chế độ tối ưu là 26 độ C, vừa tiết kiệm điện, đảm bảo sức khỏe, đảm bảo tuổi thọ của máy lạnh.

“Tỷ lệ điện năng giảm được bao nhiêu phần trăm không có số liệu chính xác vì tùy vào thói quen, lượng thiết bị sử dụng trong nhà của mỗi hộ gia đình.

Chúng tôi đánh giá thật sự nếu áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện do EVN tư vấn thì lượng điện tiêu thụ giảm không dưới 30%. Áp dụng thêm các thiết bị thông minh thì lượng điện tiêu thụ sẽ được tiết kiệm nhiều hơn”, đại diện điện lực TP HCM cho biết.

Ông Bùi Trung Kiên nói thêm hiện ngành điện chỉ tư vấn cho khách hàng sử dụng điện tiết kiệm. Còn các thiết bị bán ngoài thị trường thì người tiêu dùng nên tự chọn sản phẩm của các đơn vị sản xuất, bán uy tín, có dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Các thiết bị này đã có sự quản lý, kiểm tra của quản lý thị trường nên đáng tin.

Tại tọa đàm, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN đánh giá Việt Nam có dư địa rất lớn trong tiết kiệm điện. Nếu mỗi người dân, doanh nghiệp có thể điều chỉnh lại một chút trong cách sử dụng thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều.

Ví dụ, giờ Trái đất chỉ cần tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết đã tiết kiệm được khoảng 500 triệu kWh trong một giờ. Như vậy, trong một ngày chỉ cần người dân tiết kiệm được một chút sẽ có hàng triệu kWh được để dành cho sản xuất...

Do vậy, EVN kêu gọi các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân biết, cùng chia sẻ khó khăn và tăng cường thực hành tiết kiệm điện.      


Tin liên quan

Tin mới