Phòng tránh “sốc nhiệt” bởi hiện tượng nắng nóng cực đoan El Nino

Nhiều chuyên gia nhận định năm 2023 là năm EL Nino quay lại, diễn biến thời tiết trở nên thất thường và các hình thái nắng nóng cực đoan xuất hiện nhiều hơn khiến người dân không kịp trở tay. Tình trạng nắng gắt kéo dài khiến nền nhiệt tăng cao, các bệnh về nhiệt diễn ra thường xuyên hơn, đặc biệt là sốc nhiệt.

Hiện tượng nắng nóng cực đoan - EL Nino

Theo dự báo từ Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia và Đài khí tượng thủy văn Trung ương, ngày 18/05/2023 khu vực Bắc bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên xảy ra nắng nóng cục bộ, nhiều nơi xảy ra nắng gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nền nhiệt phổ biến từ 36 - 39 độ C, có nơi trên 40 độ C như: TP.Hòa Bình (Hòa Bình) 41,2 độ C, TP.Việt Trì (Phú Thọ) 40,5 độ C, Bắc Mê (Hà Giang) 40,1 độ C, Hà Đông (Hà Nội) 41,3 độ C, Hồi Xuân (Thanh Hóa) 40,3 độ C, Đô Lương (Nghệ An) 40,3 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 30 - 55%.

Từ khu vực Thanh Hóa đến Phú Yên có nhiệt độ cao, nắng nóng gay gắt từ 37 - 39 độ C, có nơi trên 40 độ C, độ ẩm thấp nhất phổ biến từ 35 - 45%. 

Cảnh báo, nắng nóng và nắng gắt có khả năng kéo dài đến ngày 23/05 ở khu vực Bắc bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên. “Đây là đợt nắng nóng diện rộng kéo dài nhất từ đầu năm đến nay ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ”. ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng dự báo thời tiết nhận định. 

Trả lời cho hiện tượng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt tăng cao gần đây thì GS.TS Phan Văn Tân - nguyên chủ nhiệm bộ môn khí tượng, khoa khí tượng thủy văn và hải dương học, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết qua theo dõi, đánh giá, thời tiết năm nay là EL Nino. 

“El Nino là thuật ngữ để chỉ hiện tượng nắng nóng dị thường của lớp nước biển trên bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và đông Thái Bình Dương. Hiện tượng này kéo dài từ 8 - 12 tháng hoặc lâu hơn, xuất hiện 3 - 4 năm một lần, có thể xuất hiện dày hoặc thưa hơn.”

Ông Tân chia sẻ: “EL Nino sẽ xuất hiện vào khoảng tháng 6-7 và sẽ kéo dài đến hết năm 2023. Do đó, sẽ hình thành nên một số hình thái thời tiết cực đoan như nền nhiệt tăng cao hơn, lượng mưa ít hơn.”

Thực tế thì ở Việt Nam, năm 2023 nắng nóng xuất hiện sớm hơn từ giữa tháng 3 và ghi nhận kỷ lục nắng nóng vào ngay đầu tháng 5. Cụ thể, ngày 6/5 nhiệt độ tại Hồi Xuân (Thanh Hóa) đạt 44,1 độ C, vượt kỷ lục 43,4 độ C được ghi nhận năm 2019. Tiếp đến, ngày 7/5, nhiệt độ tại Tương Dương (Nghệ An) được ghi nhận là 44,2 độ C, trở thành mức nhiệt cao nhất từng ghi nhận trên toàn lãnh thổ Việt Nam. 

Gia tăng nguy cơ đột quỵ và sốc nhiệt

Do ảnh hưởng từ nắng gắt với độ ẩm trong không khí giảm thấp mà tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt cao diễn ra nhiều hơn.

Theo thống kế ở các cơ sở y tế, mùa hè ghi nhận lượng người nhập viện cao hơn gấp 3 lần so với các mùa khác. Trong số đó, các trường hợp liên quan đến sốc nhiệt, đột quỵ, rối loạn điện giải, đau đầu, chiếm đa số. 

Theo BS.Nguyễn Thị Minh Đức (Trưởng khoa Nội Thần Kinh, trung tâm Thần Kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho biết nguyên nhân gây nên sốc nhiệt, đột quỵ là do cơ thể bài tiết mồ hôi làm dịu thân nhiệt khi nắng nóng, gây mất nước. Nếu không kịp thời bổ sung nước thì máu sẽ đặc hơn, lưu thông kém và tăng huyết áp. Các yếu tố này kết hợp các bệnh về sức khỏe như: béo phì, cholesterol cao,... sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện các huyết khối (cục máu đông), gây tắc nghẽn mạch máu. Lúc này, dòng máu cung cấp cho não bị nghẽn lại, gia tăng nguy cơ đột quỵ. Sốc nhiệt cũng có thể gây nên thiếu máu cục bộ ở động mạch và tĩnh mạch, làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Bác sĩ Minh Đức dẫn chứng từ nghiên cứu, khi nhiệt độ tăng thêm 1 độ C thì nguy cơ sốc nhiệt, đột quỵ tăng lên 10% ở mỗi người. Cả hai tình trạng này đều sẽ dẫn đến các tình trạng như: Khó thở, thở gấp, đau đầu, chóng mặt, trụy mạch, sốt cao, hôn mê… nếu không được xử lý, cấp cứu kịp thời thì có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng hơn. 

Các đối tượng dễ xảy ra nguy cơ sốc nhiệt, đột quỵ như:

  • Trẻ sơ sinh, trẻ dưới 4 tuổi và người lớn trên 65 tuổi là những đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương vì cơ thể thích nghi với nhiệt độ chậm hơn với người khác.
  • Những người mắc các bệnh lý nền về tim, phổi, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường,...
  • Người thường xuyên tiếp xúc với nắng nóng kéo dài
  • Người dân trong khu đô thị khi phải tiếp xúc với điều kiện khí quyển ứ đọng và chất lượng không khí kém.

Các cách phòng tránh “sốc nhiệt”

1. Che chắn đầy đủ khi ra ngoài

Để phòng tránh hiện tượng sốc nhiệt, mỗi người cần trang bị đầy đủ các loại mũ, nón, ô dù áo chống nắng, kính râm để ngăn cản tia UV và làm giảm hấp thụ nhiệt. Nên chọn loại vải thoáng khí, nhẹ và sáng màu, tránh những loại quần áo nặng, tối màu vì dễ hấp thụ nhiệt.

Nên che chắn cả phần đầu và phần gáy khi đi ra đường bởi đây là phần da rất nhạy cảm. Trung khu điều nhiệt cơ thể nằm ở phần gáy nên nếu ánh nắng chiếu thẳng vào gáy có thể làm tê liệt trung khu và mất khả năng điều khiển thân thể.

Dù được bảo hộ đầy đủ nhưng không nên tiếp xúc với nắng nóng quá lâu, cần bố trí thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.

2. Duy trì độ ẩm cho cơ thể 

Khi nắng nóng, cơ thể sẽ bài tiết mồ hôi để điều hòa nhiệt độ, do đó mà thường mất nhiều nước và điện giải vào mùa hè. Để sẵn một ít muối, đường và nước ở bên cạnh để bổ sung bất cứ khi nào cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức sẽ giúp cơ thể duy trì cân bằng nước và điện giải cả ngày.

3. Tránh uống rượu và cafein

Các loại thức uống như cà phê, rượu, nước ngọt có gas đều có khả năng làm mất cân bằng nhiệt độ cơ thể, làm cho cơ thể bị mất nước, kiệt sức. Do đó, không nên uống các loại đồ uống này trong mùa hè khi thời tiết nắng nóng.

4. Ăn nhiều rau xanh và hoa quả

Rau xanh và hoa quả có chứa nhiều nước và chất dinh dưỡng, giúp cơ thể duy trì độ ẩm và cân bằng điện giải. Hạn chế ăn thức ăn nhiều chất béo vì chúng có thể làm cơ thể khó tiêu hóa và gia tăng cảm giác nóng bức.

5. Bôi kem chống nắng

Tiếp xúc ánh nắng mặt trời lâu có thể dẫn đến hiện tượng cháy nắng, hình thành các sắc tố xấu và đặc biệt có thể gây nên ung thư da. Sử dụng các loại kem chống nắng sẽ giúp bản vệ làn da của bạn khỏi những tác hại của ánh nắng mặt trời. Cần lưu ý về các chỉ số SPF, PA khi lựa chọn kem chống nắng và thoa kem chống nắng lên toàn bộ da đã được làm sạch, lặp lại quá trình thoa sau mỗi 2 giờ hoặc sau khi tiếp xúc với nước.

6. Rèn luyện sức khỏe

Rèn luyện thể lực không chỉ giúp cơ thể dẻo dai, tràn đầy sức sống mà còn giúp tăng khả năng thích nghi với các thời tiết khắc nghiệt. Cần đảm bảo ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi khoa học để cơ thể phục hồi sau những hoạt động mạnh.

 


Tin liên quan

Tin mới