Cổ phiếu ngân hàng bất ngờ trở thành nơi "tránh bão"

Theo các chuyên gia, thời điểm hiện tại, cổ phiếu ngân hàng được cho là vẫn đang ở vùng giá hấp dẫn và phù hợp cho mục tiêu đầu tư dài hạn...

Ngành ngân hàng được đánh giá cao

Kết quả kinh doanh quý I/2023 của các doanh nghiệp đại chúng với tổng lợi nhuận sau thuế giảm 26,3% so với cùng kỳ đã đó nói nên tình trạng tăng trưởng chậm trên toàn bộ các nhóm ngành.

Cùng với đó, bối cảnh thị trường chứng khoán nhiều biến động đã khiến các nhà đầu tư có xu hướng đi tìm những cổ phiếu an toàn để "trú ẩn". Và nhóm doanh nghiệp có thiên hướng kinh doanh ổn định, uy tín, hiệu quả vẫn là những lựa chọn ưu tiên hàng đầu.

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, ngân hàng là nhóm ngành được các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá có tiềm tăng tăng trưởng tốt nhất, là yếu tố lớn giúp thị trường chứng khoán vẫn vượt qua sóng gió.

Cổ phiếu ngân hàng
Những tín hiệu tích cực hơn của thị trường được kỳ vọng sẽ giảm sức ép lên hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong nửa cuối năm 2023

Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng quý I/2023 chỉ đạt 2,06%, thấp hơn so với mức tăng 5,04% cùng kỳ 2022 khiến lợi nhuận ngân hàng không đạt kỳ vọng. Các chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định ngành ngân hàng vẫn đối mặt một số thách thức trong năm 2023 do biên lãi thuần có thể suy giảm, áp lực trái phiếu đáo hạn ngày càng tăng, lợi suất danh mục cho vay bị điều chỉnh giảm nhanh hơn theo lãi suất huy động mới…

Đặc biệt, điều quan ngại đối với các ngân hàng trong năm nay là rủi ro chất lượng tín dụng suy giảm do doanh nghiệp ở nhiều ngành đang gặp khó khăn tạo áp lực nợ xấu gia tăng trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực hơn của thị trường được kỳ vọng sẽ giảm sức ép lên hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong nửa cuối năm 2023. Lãi suất cho vay đang hạ nhiệt cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ các nút thắt trên thị trường bất động sản và trái phiếu danh nghiệp được Chính phủ triển khai sẽ giúp cầu tín dụng tăng trở lại trong thời gian tới, từ đó kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ dần cải thiện.

Khi lãi suất điều hành giảm, áp lực chi phí huy động của các ngân hàng bớt đi. Mặt khác, lãi suất giảm xuống, người dân, doanh nghiệp cũng mạnh dạn vay vốn hơn. Từ đó, tăng trưởng tín dụng khởi sắc hơn so với giai đoạn đầu năm. Ngoài ra, các ngân hàng cũng đang linh hoạt, chủ động tìm kiếm các hướng đi mới để vượt qua khó khăn, chẳng hạn như câu chuyện bán vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài của một số ngân hàng.

Mặc dù tất cả các ngân hàng đều điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận so với năm 2022 nhưng đây vẫn là ngành có mức điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận ít nhất. Bối cảnh hiện tại khi khó khăn là tình trạng chung của các ngành, tuy vậy ngân hàng là ngành có vốn hóa lớn nhất và có tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết cao được kỳ vọng sẽ có nhiều cổ phiếu tăng trưởng trong năm 2023. Thời điểm hiện tại, cổ phiếu ngân hàng được cho là vẫn đang ở vùng giá hấp dẫn và phù hợp cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

Các chuyên gia nhận định, những chính sách gỡ rối, hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ đã góp phần lớn thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Những cổ phiếu ngân hàng thực sự tiềm năng

Theo báo cáo chiến lược đầu tư mới nhất của Công ty Chứng khoán VNDirect, cổ phiếu MBB của MBBank và cổ phiếu TCB của Techcombank được khuyến nghị mua vào.

Báo cáo chỉ ra rằng, chất lượng tài sản của MBBank thực tế tốt hơn thị trường đang phản ánh khi Novaland đang có những dấu hiệu tích cực trong việc tái cơ cấu. Với Tập đoàn Hưng Thịnh, MB không cho vay dự án bất động sản hay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, có cho vay xây lắp nhưng không nhiều.

Quan trọng hơn, nền tảng tăng trưởng dài hạn của MBBank vẫn vững chắc với lợi thế chi phí vốn trong nhóm thấp nhất thị trường và hệ sinh thái dịch vụ tài chính đa dạng cùng với sự hỗ trợ của cổ đông lớn Viettel, doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam.

Kết quả kinh doanh quý I/2023 tương đối tốt với lợi nhuận tăng trưởng 10% so với cùng kỳ, hoàn thành 25% kế hoạch cả năm. NIM chỉ giảm nhẹ và vẫn duy trì được ở mức dẫn đầu thị trường. Điểm trừ của MBBank là nợ xấu và nợ đáng chú ý có tăng mạnh, tuy nhiên khả năng cao là do bị ảnh hưởng bởi CIC.

Nhà băng này hiện đang giao dịch ở mức định giá hấp dẫn với P/B 1,1x, thấp hơn đáng kể so với mức TB 3 năm là 1,5x. Các chuyên gia của VNDirect kỳ vọng ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì tăng tăng trưởng lợi nhuận kép trên 15% trong 3 năm tới sau khi đã tăng trưởng mạnh trung bình 30% trong 3 năm vừa qua.

Còn đối với TCB, áp lực từ thị trường đã khiến định giá cổ phiếu rơi xuống mức thấp lịch sử. Dựa theo ước tính của Công ty Chứng khoán VNDirect, TCB hiện đang giao dịch ở mức định giá P/B 0,7 lần cho năm 2023. Dự thảo sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-NHNN được kỳ vọng sẽ xử lý các nút thắt của trái phiếu doanh nghiệp – một trong những nguồn thu nhập quan trọng của Techcombank.

Hơn nữa, với việc Ngân hàng Nhà nước ra tín hiệu sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ mở rộng, các chuyên gia kỳ vọng mức giá hiện tại sẽ là vùng đáy về định giá cho các cổ phiếu, dẫn đến khả năng thị trường hồi phục mạnh trong thời gian tới, cũng như cho các cổ phiếu có beta cao như TCB.

Các chuyên gia phân tích của VNDirect cho rằng, ngân hàng này có thể duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận ròng bền vững khoảng 12% vào năm 2023, 14% năm 2024 so với cùng kỳ năm trước dựa trên kỳ vọng tăng trưởng tín dụng 12% (2023); 10% (2024) và NIM đạt 5,5% (2023); 5,4% (2024).

Các ngân hàng còn đó áp lực nợ xấu

Trong chương trình “Toàn cảnh nợ xấu ngân hàng – Điều gì đang diễn ra”, do AFA Capital tổ chức vào ngày 6/6/2023, ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc công ty AFA Capital cho rằng, trong thời gian vừa qua, thị trường bất động sản khó khăn, các thông tư tái cơ cấu nợ cho các khoản vay trong thời kỳ covid hết hiệu lực, tình hình kinh tế khó khăn và lãi suất tăng đã khiến cho áp lực nợ xấu tại các ngân hàng tăng lên.

Trên thực tế, báo cáo tài chính quý I/2023 của các nhà băng đã phản ánh rất rõ câu chuyện kể trên. Mặt khác, các số liệu cũng cho thấy bộ đệm dự phòng tại các ngân hàng cũng giảm xuống. Tất cả những điều này khiến cho các tổ chức tín dụng phải tăng vốn và tăng cường phòng thủ.


Tin liên quan

Tin mới