Con đường ‘xanh hóa’ ngành dệt may là tất yếu

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, “xanh hóa” ngành dệt may không còn là câu chuyện định hướng tương lai mà ngay trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp dệt may nước ta đã ý thức, chuyển mình để thực hiện yêu cầu này.

Xu hướng “xanh hóa” dệt may

Hiện nay, ngành dệt may nước ta đang chịu ảnh hưởng lớn bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU. 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 18,6 tỷ USD giảm 17,6% so với cùng kỳ 2022. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD giảm 20,5% và xuất siêu 7,9 tỷ USD (cùng kỳ 2022: 8,8 tỷ USD).

Nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn linh hoạt sản xuất các đơn hàng dù không phải thế mạnh. Song, các chuyên gia cho rằng để phát triển bền vững, yếu tố quan trọng vẫn là doanh nghiệp phải chuyển mình cho sự phát triển bền vững hơn, cụ thể là hướng đến “xanh hóa” ngành dệt may.

Nhiều doanh nghiệp dệt may nước ta đã ý thức, chuyển mình để thực hiện yêu cầu "xanh hóa".
Nhiều doanh nghiệp dệt may nước ta đã ý thức, chuyển mình để thực hiện yêu cầu "xanh hóa".

Điển hình tại thị trường EU, Ủy ban châu Âu (EC) đã trình bày đề xuất đối với Chiến lược Dệt may mới, nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường. Dựa theo đề xuất, dệt may, da giày là một trong những nhóm sản phẩm phải tuân theo các tiêu chí thiết kế sinh thái.

Chẳng hạn, các sản phẩm phải được thiết kế và sản xuất để chúng có thể sử dụng lâu hơn, có thể được sửa chữa và sau đó tái sử dụng hay nói cách khác là nằm trong một vòng tuần hoàn. Ngoài các tiêu chí thiết kế, quy định thiết kế sinh thái còn bao gồm việc phát triển hộ chiếu sản phẩm số, ngoài thông tin thông thường, còn phải thông báo cho người tiêu dùng biết về hàm lượng hóa chất, khả năng sửa chữa và thành phần sợi. Các yêu cầu thông tin cụ thể về sản phẩm sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng biết được tác động của sản phẩm đến môi trường khi mua hàng.

Một yếu tố nữa là tăng cường thực thi việc bài trừ các hành vi quảng cáo sai lệch về thời trang bền vững. Đây là hành vi mà các thương hiệu thời trang hay sử dụng để tiếp thị sản phẩm là thời trang bền vững nhưng lại không thực thi các quy chuẩn nghiêm ngặt của thời trang bền vững. Đề xuất cũng bao gồm các biện pháp chấm dứt việc tiêu hủy hàng tiêu dùng tồn đọng, cũng như mở rộng hoạt động mua sắm xanh và cung cấp các ưu đãi cho các sản phẩm bền vững.

Doanh nghiệp chú trọng chuyển đổi

Chia sẻ với báo chí, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết, “xanh hóa” trong sản xuất dệt may có thể giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu từ châu Âu, cùng đó là phát triển bền vững doanh nghiệp. Đây không còn là câu chuyện định hướng tương lai mà ngay trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp dệt may đã ý thức, chuyển mình để thực hiện yêu cầu này.

Ngành dệt may sẽ hoạt động theo hướng sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và giảm chất thải, loại bỏ các chất gây lo ngại và loại trừ phát sinh vi sợi; biến đổi cách thức thiết kế quần áo, bán và sử dụng sao cho có thể giảm thải ra tự nhiên; cải thiện triệt để khả năng tái chế bằng cách thay đổi thiết kế, thu hồi và tái sản xuất; hướng tới sử dụng nguồn nhiên liệu tái tạo.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, quá trình chuyển đổi xanh đã được nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam thực hiện. Mặc dù tiến trình thực hiện còn tương đối chậm song với động lực tất yếu là cần nâng cao lợi thế cho ngành, trình độ nhân công cải thiện, hiện nay chính là thời điểm tốt nhất để doanh nghiệp trong nước tập trung đẩy mạnh chuyển đổi.

Mặt khác, các chuyên gia cho rằng, để chuyển đổi xanh vai trò của nhà nước cũng vô cùng quan trọng trong việc dẫn dắt, cung cấp thông tin cho thị trường, xây dựng các chính sách có liên quan. Cuối năm 2022, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển ngành dệt may và da giày là ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm có chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; giữ vững vị trí trong nhóm các quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dệt may, da giầy hàng đầu thế giới.

Đến năm 2035, ngành dệt may và da giày Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới.


Tin liên quan

Tin mới