Đã có 63 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp gửi hồ sơ đàm phán giá điện

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hết ngày 1/6, đã có 63/85 dự án năng lượng tái tạo chưa có giá gửi hồ sơ, 9 dự án phát điện thương mại lên lưới điện và 51 dự án đề xuất giá tạm.

Theo thông tin từ EVN, tính đến 19h00 ngày 1/6 đã có 63/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3589,811MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện.

Có 10 dự án gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 9 dự án/phần dự án với tổng công suất 472,62MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới.

Ngoài ra, có 51/85 dự án (tổng công suất 2871,611MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương).

dự án năng lượng tái tạo

EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 48/51 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 40 dự án .

19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 24 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

Sáng 1/6, chia sẻ thông tin với báo chí bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đã đề cập đến phát triển năng lượng tái tạo. Theo đại biểu, xu thế chuyển đổi năng lượng tái tạo là một xu thế tất yếu mà chúng ta đã cam kết để tới đây giảm các nguồn năng lượng hóa thạch phát thải CO2.

Theo đó, lĩnh vực năng lượng là một lĩnh vực chiếm tỷ trọng phát thải C02 rất lớn. Chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo là một định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.

“Tuy nhiên, chủ trương là một chuyện, việc triển khai thực hiện cho hiệu quả, đòi hỏi đồng bộ cơ chế chính sách. Đặc biệt về quy hoạch, quy hoạch phải làm sao mà xây dựng một cách đảm bảo về mặt tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật, phù hợp với chiến lược”- đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh

Đại biểu Trần Văn Lâm đưa ra ví dụ về tỷ lệ tham gia phát triển năng lượng tái tạo, mức độ như thế nào sao cho phù hợp với từng giai đoạn, trình độ công nghệ của chúng ta và khả năng kỹ thuật, trình độ nguồn nhân lực.

Một vấn đề cốt lõi được đại biểu chỉ ra đó là: Nguồn điện từ Năng lượng tái tạo không có tính ổn định, đi kèm với năng lượng tái tạo thì phải có hệ thống phát nền để đảm bảo an toàn hệ thống điều độ.

Từ đó phải đảm bảo được những thời điểm năng lượng tái tạo không phát được thì bên này phải bù vào được. Vì vậy chính sách làm sao để hài hòa giữa các bên. Để các nhà đầu tư năng lượng tái tạo cũng có động lực để để duy trì và nhà đầu tư nền cũng được khuyến khích.

Do vậy, vị đại biểu này cho rằng, để cân đối hợp lý, hài hòa trong điều kiện kỹ thuật, điều kiện nền kinh tế của chúng ta hiện nay là một thách thức. Nếu tính toán không tốt mà năng lượng tái tạo phát triển quá bùng nổ dẫn đến tỷ lệ năng lượng tái tạo quá lớn, sẽ gây nguy cơ là rã lưới hay mất điện đột ngột trong trường hợp điều kiện thời tiết thay đổi. Việc tính toán, giải bài toán này đã là một thách thức nhưng trong quá trình triển khai để thực thi thì cũng đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách rõ ràng, minh bạch, công tâm và trách nhiệm


Tin liên quan

Tin mới