Đang xóa bất đối xứng thông tin về bảo hiểm nhân thọ

Thời gian qua, những “điểm mờ” tại một số mắt xích của kênh phân phối như khâu tư vấn, giám sát… đã gây ra sóng gió cho thị trường bảo hiểm nhân thọ.

Chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá (Bộ Tài chính) cho rằng vấn đề lớn nhất thời gian qua là tình trạng bất đối xứng thông tin giữa khách hàng với ngành bảo hiểm. Với những hành động mạnh mẽ gần đây, tình trạng bất đối xứng này đã giảm khá nhiều. 

Từ góc độ chuyên gia kinh tế, theo ông đâu là vấn đề nổi cộm cần khắc phục ngay trên thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT), sau những diễn biến vừa qua?

Khủng hoảng bảo hiểm nổ ra từ khoảng tháng 10.2022, từ sự số ngân hàng SCB. Nhưng thực chất trước đó thị trường BHNT đã và đang có tình trạng bất đối xứng thông tin. Ở phía người mua bảo hiểm, nhiều người chỉ tiếp nhận được những thông tin liên quan đến lợi ích mà không nắm rõ và đầy đủ những thông tin liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trước khi ký hợp đồng bảo hiểm. Riêng kênh Bancassurance, một số khách hàng lại nhầm tưởng rằng mua sản phẩm bảo hiểm tương tự gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất hấp dẫn kèm theo nhiều quyền lợi bảo hiểm truyền thống. Điều đó dẫn tới khiếu nại liên quan tới bất đối xứng thông tin trong BHNT “rủ nhau” đến. Do vậy cần ngay lúc này là khắc phục bất đối xứng thông tin.

Theo chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh, cần xóa điểm mờ trong mô hình liên kết bảo hiểm với ngân hàng.
Theo chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh, cần xóa điểm mờ trong mô hình liên kết bảo hiểm với ngân hàng.

Các doanh nghiệp cần làm gì ngay lúc này để giải quyết tình trạng trên theo ông?

Muốn làm gì thì phải nhìn vào gốc rễ, rồi mới nắn chỉnh hay chặt bỏ được. Tình trạng bất đối xứng thông tin tất yếu xảy ra khi vì nhiều lý do, tồn tại “các anh” đại lý, nhân viên bảo hiểm tư vấn lệch, tư vấn chưa đủ thậm chí tư vấn sai. Việc đầu tiên là phải đảm bảo được chất lượng thông tin đến với người tiêu dùng.

Thứ nữa là thông tin, tuyên truyền về quyền, trách nhiệm của các bên khi tham gia BHNT chưa thực sự được quan tâm. Người dân, khách hàng hiểu chưa nhiều về BHNT, thậm chí là hiểu chưa đầy đủ. Khi có chuyện xảy ra thì mới tá hỏa lên hoặc âm thầm chịu đựng.

Còn khách hàng thì sao, liệu họ có thể làm gì để giảm bớt đối xứng thông tin?

Thẳng thắn mà nói thì sự cố ngành bảo hiểm vừa qua có phần trách nhiệm của chính các khách hàng.

Có thể ví hợp đồng bảo hiểm như giấy đăng ký kết hôn. Phải cả hai bên đồng ý đến với nhau, đồng thuận gắn bó với nhau và cùng ký đơn đăng ký thì chính quyền mới cấp giấy chứng nhận đăng ký hôn nhân. Muốn vậy, trước khi kết hôn cả hai phải tìm hiểu kỹ về nhau. Xin nhắc lại là cả hai phải có trách nhiệm tìm hiểu kỹ, vì đó là tương lai của cuộc đời mình.

Hợp đồng bảo hiểm như giấy đăng ký kết hôn.... Trước khi kết hôn cả hai phải tìm hiểu kỹ về nhau.
Hợp đồng bảo hiểm như giấy đăng ký kết hôn.... Trước khi kết hôn cả hai phải tìm hiểu kỹ về nhau.

Thực tế cuộc sống có người kết hôn xong mới thốt lên “tôi không ngờ”. Vì sao thế? Vì họ cả tin, phía bên kia nói hay quá, cung cấp không đầy đủ hoặc chỉ cung cấp thông tin theo hướng có lợi mà thôi.

Cũng có trường hợp kết hôn vì phía bên kia tỏ ra là người có điều kiện, hứa hẹn một tương lai tươi sáng nhưng vào một ngày đẹp trời công việc làm ăn kinh doanh gặp khó khăn, thua lỗ, phá sản. Thế thì nói tôi bị lừa có đúng không? Ví như loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư, khi cả xã hội khó khăn, thua lỗ thì khoản đầu tư này không lãi, thậm chí thua lỗ là bình thường, phải chấp nhận. Vì không có khoản đầu tư nào là không có rủi ro cả.  

Hiện nay, theo tôi được biết, một số khách hàng nhân sự cố vừa qua đã đòi huỷ hợp đồng và yêu cầu được hoàn tiền, dù trước đó đã từng có yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm hoặc đã rút phần giá trị đầu tư để bán đi trong thời điểm các quỹ đầu tư sinh lời. Điều này gây áp lực lên công ty bảo hiểm và gây bất lợi về mặt pháp lý cho chính khách hàng.

Cho nên, khách hàng cần có trách nhiệm chủ động tìm hiểu về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, về quyền, trách nhiệm của mình, đặc biệt là quy định của từng điều khoản hợp đồng. Chỗ nào không rõ thì yêu cầu đại lý, doanh nghiệp bảo hiểm, thậm chí luật sư làm rõ.              

Nhưng trong mối quan hệ giữa nhân viên ngân hàng và khách hàng có nhu cầu vay vốn, việc khách phải “tự nguyện” mua bảo hiểm để được vay vốn thì muốn chủ động tìm hiểu cũng khó…

Đúng là với ngân hàng, khách hàng dễ bị yếm thế vì vậy có người bị ép là điều có thể hình dung được. Nhưng không phải khách nào cũng dễ dàng bị ép như vậy. Nên, câu hỏi đặt ra là nếu bị ép thì họ làm gì để bảo vệ mình như gọi tới đâu, phản ánh tới ai, thậm chí là tham vấn luật…

Trong câu chuyện khiếu nại, bức xúc vừa qua, cũng có số ít khách hàng, tôi nhấn mạnh là ít thôi, dù hiểu rõ và hoàn toàn không bị ép nhưng nhân diễn biến vừa rồi mà đòi thay đổi này kia, là rất không nên. Phải sòng phẳng chuyện đó để thấy trách nhiệm của mỗi bên, có hướng giải quyết và không làm phức tạp thêm tình hình.

Còn với riêng ngân hàng thì đương nhiên ngân hàng cần hành động, cần xử lý ngay những phản ánh về việc chèo kéo, ép buộc mua bảo hiểm khi khách hàng có nhu cầu vốn. Không thể chấp nhận tình trạng nhân viên ngân hàng ép khách mua bảo hiểm, dù khách có phải là người yếm thế hay không. Vì “kết hôn” cưỡng ép như vậy thì khách sẽ hủy hợp đồng ngay trong năm đầu, như thế chỉ nhân viên ngân hàng có lợi.

Trong trường hợp này khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm bảo đều là nạn nhân, đều bị thiệt. Nhưng cái thiệt lớn nhất là thị trường bị méo mó, là niềm tin bị đánh cắp, là tính nhân văn, an sinh xã hội của BHNT bị xâm hại.     

Rất mừng là sau sự cố vừa qua, thông tin về BHNT đã được đưa khá nhiều, khá đa chiều và đầy đủ. Cứ như thế thì tình trạng mất đối xứng thông tin sẽ được giảm thiểu.

“Không thể chấp nhận tình trạng nhân viên ngân hàng ép khách mua bảo hiểm” - TS.Vũ Đình Ánh chia sẻ.
Không thể chấp nhận tình trạng nhân viên ngân hàng ép khách mua bảo hiểm - TS.Vũ Đình Ánh chia sẻ.

Những thông tin, giải pháp nào đã quan sát được khiến ông dự báo như vậy?

Phía khách hàng thì tôi tin sau này chẳng ai “tặc lưỡi, “chịu trận” nữa đâu. Hotline của các doanh nghiệp bảo hiểm, của Cục quản lý giám sát bảo hiểm dành cho khách hàng tham gia bảo hiểm cần phản ánh có hết rồi. Thế nên khách hàng không phải lo sợ gì, cứ mạnh dạn thắc mắc, bảo vệ quyền lợi của mình.

Các doanh nghiệp bảo hiểm, theo thông tin quan sát được, đã có nhiều hành động nhanh trong quá trình điều chỉnh, rà soát. Lấy ví dụ, có doanh nghiệp cho biết đã cùng một đối tác ngân hàng thiết lập chuẩn mực bancassurance. Trong quý 3 này, doanh nghiệp này sẽ hoàn thiện khung pháp lý để giám sát quản lý và xử lý khi phát hiện nhân viên ngân hàng vi phạm, tư vấn không đúng với bản chất sản phẩm đang bán qua kênh ngân hàng.

Các doanh nghiệp đều đã triển khai nhiều biện pháp trực tiếp, gián tiếp để đảm bảo chất lượng hoạt động của lực lượng đại lý bảo hiểm như thuê bên thứ 3 khảo sát chất lượng tư vấn, tăng cường “mua hàng ẩn danh”... Có đơn vị gia tăng đào tạo về kỹ năng tư vấn dành cho đội ngũ lên tới hơn 30% so với cùng kỳ năm trước… Đấy là những chuyển biến rất đáng mừng.

Cùng với đó là sự sát sao của các cơ quan chức năng, kể cả Quốc hội, trong khung khổ pháp lý đã tương đối hoàn thiện, chỉ cần siết chặt và làm tốt khâu thực thi, tăng cường truyền thông… thì bất đối xứng thông tin làm gì còn chỗ đứng.

TS. Vũ Đình Ánh: “Tôi cho rằng, chúng ta sẽ có thị trường bảo hiểm bền vững hơn”.
TS. Vũ Đình Ánh: “Tôi cho rằng, chúng ta sẽ có thị trường bảo hiểm bền vững hơn”.

Với hàng loạt hành động và lợi thế nội tại của thị trường BHNT (18/19 doanh nghiệp BHNT có vốn đầu tư nước ngoài – FDI), tôi cho rằng chúng ta sẽ có thị trường bảo hiểm bền vững hơn. BHNT nói riêng, bảo hiểm nói chung sẽ phát triển mạnh hơn cả về qui mô và chất lượng, đưa bảo hiểm trở thành trụ cột vững chắc trên thị trường tài chính Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 81.397 tỷ đồng, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 11.574 tỷ đồng. Trong 6 tháng qua, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 657.500 tỷ đồng.

Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành. Theo đó, ngành bảo hiểm phấn đấu đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; đến năm 2030 có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ.


Tin liên quan

Tin mới