Dòng tiền tiết kiệm chưa chảy vào thị trường chứng khoán

Từ mức bình quân trên 20.000 tỷ đồng mỗi phiên trong vài tháng trước, thanh khoản sàn HOSE liên tục suy giảm, hiện chỉ còn quanh mức 11.000 - 12.000 tỷ đồng. Dòng tiền không chảy vào chứng khoán như kỳ vọng, mặc dù lãi suất tiết kiệm đã về mặt bằng thấp như giai đoạn dịch Covid-19.

Ngại rủi ro, dòng tiền đánh giá lại kỳ vọng

Thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, lãi suất về mặt bằng thấp, song thanh khoản trên thị trường chứng khoán lại đi xuống.

Trước đó, nhiều người kỳ vọng thanh khoản thị trường chứng khoán sẽ tăng lên khi có một lượng lớn tiền tiết kiệm đến kỳ đáo hạn sẽ chảy vào thị trường do lãi suất huy động ngân hàng không còn hấp dẫn. Nhưng thực tế cho thấy, người dân vẫn lựa chọn gửi tiết kiệm, tức ưu tiên yếu tố an toàn. Theo số liệu của Finntrade,

tăng trưởng tiền gửi kỳ hạn 3 - 12 tháng của các ngân hàng đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán là 10,7% trong quý II/2023, cao hơn con số 6,9% của quý I/2023 nhưng thấp hơn mức 12,6% của quý IV/2022. Tăng trưởng tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng lên tới 12,1%, cao hơn nhiều con số 0,5% và 1,4% của hai quý liền trước.

Nhận định được ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank (MSVN) đưa ra, bên mua cũng như bên bán đang ở trạng thái “đánh giá lại” sau giai đoạn thị trường chứng khoán tăng mạnh (nhờ kỳ vọng vào chính sách hỗ trợ nền kinh tế, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt…).

Còn theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán MSVN, thời điểm đầu năm 2023, dòng tiền đã dịch chuyển vào thị trường chứng khoán khiến thị trường có nhịp tăng kéo dài, nhiều cổ phiếu tăng bằng lần làm cho định giá trở nên quá cao.

“Mặc dù hơn 1 tháng gần đây, thị trường điều chỉnh giúp định giá chung giảm bớt, nhưng một số nhóm cổ phiếu không giảm mấy, còn những nhóm giảm nhiều thì nhà đầu tư lo ngại chưa tạo đáy”, ông Khánh nhận xét.

Tâm lý ngại rủi ro cũng thể hiện ở trạng thái dòng vốn cho vay mua chứng khoán cầm cố cổ phiếu (margin) ở các công ty chứng khoán. Thống kê của FIDT cho thấy, dư nợ cho vay margin từ mức 190.000 tỷ đồng vào cuối quý II/2023 đã giảm xuống vùng 150.000 tỷ đồng trong tuần qua.

Từ góc nhìn của ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, thanh khoản thị trường hiện nay cho thấy sự thận trọng do đà sụt giảm mạnh vừa qua.

Theo phân tích của ông Phương, về tâm lý đầu tư, khi thị trường sôi động, cơ hội kiếm lời dễ dàng, nhà đầu tư mạnh tay giải ngân và họ mua bán liên tục, giúp vòng quay tiền nhanh hơn, mạnh hơn. Nhưng khi thị trường giảm, như giai đoạn vừa qua là ngoài dự đoán về mức độ giảm, khiến nhà đầu tư hoang mang.

Đặc biệt là khi các công ty chứng khoán đã ra báo cáo hạ triển vọng tăng trưởng của thị trường từ nay tới cuối năm và khối ngoại vẫn đang miệt mài bán ròng. Ngoài ra, thời gian qua, tỷ giá tăng và việc Ngân hàng Nhà nước hút ròng tiền về cũng ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư. Tất cả các yếu tố này đều tác động lên thanh khoản.

Tuy vậy, chuyên gia này cho rằng, thị trường đang bắt đầu trạng thái tích luỹ. Các phiên giao dịch tuần qua, mức giảm của chỉ số chung không còn quá mạnh, sau phiên giảm thì có phiên tăng, tỷ lệ tăng cao hơn tỷ lệ giảm, giúp nhà đầu tư vững tâm hơn.

Tiền vẫn dịch chuyển vào thị trường chứng khoán

Đây là góc nhìn của nhiều nhà đầu tư, nhân viên môi giới, chuyên gia phân tích và chuyên viên phụ trách quan hệ nhà đầu tư (IR) ở một số doanh nghiệp. Lý do đơn giản là lãi suất ngày càng giảm, thị trường bất động sản chưa khởi sắc, hiện chỉ có kênh chứng khoán có thanh khoản, dễ tham gia… Nói cách khác, “dòng tiền chưa có nhiều lựa chọn kênh đầu tư hấp dẫn hơn chứng khoán”.

Nhân sự cấp quản lý môi giới một công ty chứng khoán cho biết, đa số nhà đầu tư đánh giá cú giảm này không phải là bước vào sóng giảm, nên dù không mua mới nhưng họ vẫn bình tĩnh giữ hàng, khiến thanh khoản “tụt áp”. Bên cạnh đó, giới đầu tư quan sát các biến động của tỷ giá và xu hướng bán ròng liên tục của khối ngoại.

Thống kê của FIDT cho thấy, xu hướng chung của dòng vốn ngoại vẫn là bán ròng kể từ đầu quý II/2023 trở lại đây, lực bán mạnh hơn kể từ đầu tháng 9. Phiên giao dịch 5/10/2023 ghi nhận giá trị bán ròng hơn 700 tỷ đồng của khối ngoại làm thị trường giảm điểm khá mạnh. Tính từ đầu năm đến ngày 6/10/2023, khối ngoại đã bán ròng khoảng 6.373 tỷ đồng.

“Với áp lực lạm phát tăng mạnh về cuối năm, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tiếp tục tăng lãi suất. Không chỉ nhà đầu tư nước ngoài mà cả các nhà đầu tư lớn trong nước cũng ở trạng thái thận trọng”, quản lý môi giới một công ty chứng khoán cho biết.

Dẫu vậy, vị này cũng kỳ vọng tiền tiết kiệm có thể chảy vào kênh chứng khoán trong quý cuối năm nhờ cú “hích” tâm lý là quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi và đưa hệ thống giao dịch mới KRX vào vận hành từ cuối năm nay từ phía cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tại Việt Nam vào trung tuần tháng 9 được kỳ vọng sẽ mở ra làn sóng FDI trong thời gian tới, từ đó kéo theo làn sóng FII.

Tuy vậy, để trở thành một làn sóng dịch chuyển của dòng tiền từ kênh tiết kiệm sang kênh chứng khoán như đã từng xảy ra trong 2 năm trước thì cần chờ đợi sự phục hồi rõ rệt của nền kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp, gắn với triển vọng xuất khẩu phục hồi.

Tuy nhiên, theo ông Quản Trọng Thành, nhìn sang nửa đầu năm 2024, vẫn có yếu tố làm cho các nhà đầu tư lớn, dòng tiền lớn lo lắng. Đó là lạm phát trên toàn cầu đang trỗi dậy, kinh tế EU bước vào suy thoái, nền kinh tế Mỹ nếu tiếp tục duy trì lãi suất cao cũng có thể rơi vào suy thoái, Trung Quốc tăng trưởng chậm…

Ghi nhận thông tin từ các môi giới kỳ cựu cho biết, nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp nhìn thấy bức tranh trung hạn của thị trường chứng khoán trong nước còn có những yếu tố đáng lo ngại nên đang để tỷ trọng tiền mặt rất lớn.

Ông Thành dự báo, trong 3 tháng tới, thanh khoản sàn HOSE khó có khả năng quay lại mức tương đương 1 tỷ USD (24.000 - 25.000 tỷ đồng) như trong tháng 8, nhưng có thể kỳ vọng quanh 17.000 - 19.000 tỷ đồng vào giai đoạn cuối năm.

Thị trường đang chờ đợi để nhìn sáng tỏ các vấn đề còn lo ngại như lạm phát trên thế giới, biến động chính trị tại khu vực Trung Đông, xu hướng giá dầu, thị trường bất động sản Trung Quốc và sự hồi phục của các doanh nghiệp bất động sản trong nước.

Ông Phan Dũng Khánh thì cho rằng, nếu thị trường chứng khoán giảm thêm có thể thu hút dòng tiền bắt đáy, nhưng để thị trường tăng trưởng bền vững thì phải song hành với tăng trưởng của nền kinh tế.

Định giá P/E của chỉ số VN-Index đã về mức 13 lần, mức khá rẻ, tuy nhiên, theo một môi giới lâu năm và đang tham gia huy động vốn nước ngoài thành lập quỹ đầu tư trong nước, để có thể hấp dẫn dòng tiền tiết kiệm đáo hạn trong quý IV thì thị trường cần mức chiết khấu hấp dẫn so với trái phiếu chính phủ, lãi suất ngân hàng, tức P/E của thị trường quanh mức 10 lần, tương đương VN-Index ở vùng 1.016 - 1.025 điểm. Quan điểm này có vẻ thận trọng hơn với nhận định của số đông về biến động của thị trường.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Sự sụt giảm thanh khoản trong thời gian qua không phải là điều bất thường, mà đến từ bốn yếu tố.

Thứ nhất, khi thị trường giảm mạnh thì tâm lý nhà đầu tư có sự thận trọng trở lại. Mức chiết khấu hơn 10% kể từ vùng đỉnh tháng 8 đã kéo theo thanh khoản sụt giảm.

Thứ hai, cuộc họp của Fed trong tháng 9 ít nhiều tác động đến tâm lý của nhà đầu tư. Việc Fed để ngỏ thông điệp tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023 và chưa sớm nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2024 khiến nhà đầu tư e ngại ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán toàn cầu.

Thứ ba, lo ngại áp lực tỷ giá USD/VND sẽ là rào cản với chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Nói cách khác, dư địa giảm lãi suất trong thời gian tới khó khăn hơn.

Thứ tư, thị trường đang bước vào mùa công bố báo cáo tài chính quý III. Trước đó, tâm lý nhà đầu tư hứng khởi khi kỳ vọng rằng lãi suất giảm, tỷ giá hạ nhiệt thì chi phí vốn của các doanh nghiệp giảm đi hoặc kỳ vọng các ngân hàng trung ương giảm lãi suất cho vay ít nhiều tiết giảm chi phí vốn và định giá thị trường trở nên rẻ, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, phản ứng của Fed khiến tâm lý nhà đầu tư không còn kỳ vọng chi phí vốn của các doanh nghiệp giảm nữa.

Thay vào đó, họ sẽ quay lại câu chuyện nhóm ngành nào sẽ là tăng trưởng mạnh để bù đắp chi phí vốn hiện nay. Do đó, nhà đầu tư sẽ phải xem lại, cơ cấu danh mục và chờ đợi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III và đánh giá xem bức tranh tăng trưởng của các nhóm ngành, cổ phiếu, chọn lọc doanh nghiệp có mức định giá trong tương lai.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank

Nếu như thời điểm cuối tháng 4/2023, hiệu ứng tích cực từ hạ lãi suất bắt đầu thẩm thấu, tạo nên nhịp tăng cho thị trường chứng khoán kéo dài đến tận đầu tháng 9 thì thời điểm hiện tại, yếu tố này đã dần phai nhạt.

Áp lực tỷ giá liên tục gây sức ép khiến Ngân hàng Nhà nước hút ròng gần 146.000 tỷ đồng từ kênh tín phiếu sau 13 phiên. Cùng với đó là yêu cầu của Thông tư 08/2020/TT-NHNN áp dụng từ ngày 1/10/2023 về tỷ lệ tối đa sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại ở mức 30%, thay cho 34% trước đây cũng khiến thị trường thận trọng.

Thanh khoản toàn thị trường tuần qua đã ghi nhận tuần thứ ba liên tiếp đi xuống, với giá trị trung bình đạt 17.144 tỷ đồng/phiên, tương ứng giảm 20,7% so với tuần trước đó và giảm 43% so với mức trung bình cao nhất trên 30.000 tỷ đồng.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/9/2023, huy động vốn toàn hệ thống tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022. Về cho vay, tính đến ngày 21/9/2023, tín dụng tăng 5,91%, còn đến hết tháng 9 ước tăng khoảng 6,1 - 6,2% so với cuối năm 2022. Theo con số này, tốc độ tăng trưởng huy động vốn thực tế vẫn chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Giá trị tuyệt đối của vốn huy động đến cuối tháng 9 đạt khoảng 12,9 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ của nền kinh tế khoảng 12,63 triệu tỷ đồng.

So với các năm trước thì tốc độ tăng trưởng của huy động vốn trong 9 tháng đầu năm nay vẫn ở mức bình thường, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng lại thấp hơn nhiều. Điều này có thể xuất phát từ những khó khăn trong và ngoài nước tác động đến doanh nghiệp, trong đó phải kể đến nhu cầu đầu tư, tiêu dùng, tín dụng đều giảm.

Ngân hàng Nhà nước đã đề ra 11 giải pháp lớn để mở rộng tín dụng, thực hiện các biện pháp quyết liệt cùng với sự đồng hành của các địa phương, tạo điều kiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vươn lên trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Do vậy, tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm sẽ tăng tốc khi nhu cầu tín dụng vào các ngành nghề công nghiệp, sản xuất, thương mại, dịch vụ phục hồi từ động lực xuất - nhập khẩu và tiêu dùng cải thiện. Điều đó có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ nhiều ngành nghề, lĩnh vực phục hồi về doanh thu, lợi nhuận trong nửa cuối năm nay.

Ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Kim Group

Thời gian trước, dòng tiền hướng vào các ngành hưởng lợi trực tiếp từ chính sách hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước như chứng khoán, bất động sản, bán lẻ… Nhưng hiện tại, dòng tiền đã bắt đầu chuyển hướng vào các cổ phiếu có kết quả kinh doanh được dự báo là khả quan so với cùng kỳ năm trước, hoặc các ngành đang trong quá trình phục hồi, điển hình là khu công nghiệp, dệt may, thủy sản…

Đây là diễn biến hợp lý, vì suy cho cùng, cổ phiếu muốn hút được dòng tiền thì phải xuất phát từ nền tảng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Các đợt sóng tăng theo kỳ vọng chính sách như thời gian vừa qua không mang tính bền vững, do doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh đang rất khó khăn.

Trong bối cảnh hiện tại, khi mà tăng trưởng tiền gửi cao hơn tăng trưởng tín dụng, lãi suất huy động được giữ ở mức thấp, trong khi thị trường chứng khoán sau đợt sụt giảm vừa qua đã đưa định giá về vùng khá hấp dẫn thì đây vẫn là kênh đầu tư sáng sủa nhất.

Dòng tiền sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội trên thị trường nhưng chắc chắn là sẽ phân hóa mạnh.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp chứng tỏ được giá trị vững chắc sẽ hút mạnh dòng tiền, còn các cổ phiếu tăng theo kỳ vọng sẽ phải chịu áp lực điều chỉnh. Do đó, việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư đòi hỏi phải có sự phân tích kỹ càng về nền tảng cơ bản của doanh nghiệp.


Tin liên quan

Tin mới