Giải phóng tiềm năng sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi cho khoa học và công nghệ

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, cơ chế và chính sách quản lý hoạt động khoa học công nghệ luôn được quan tâm đổi mới nhằm giải phóng tiềm năng sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi và thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Sáng 15/5, Bộ Khoa học và Công nghệ long trọng tổ chức Lễ chào mừng Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5 và 65 năm thành lập Bộ. Với chủ đề "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Nâng tầm vị thế quốc gia", sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Thông tin và Truyền Thông, Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch... lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, đại diện Đại sứ quán các nước tại Việt Nam: Vương quốc Anh, Cuba, Đức, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Italy và Đại diện Phái đoàn châu Âu tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhìn nhận lại chặng đường 65 năm phấn đấu và trưởng thành, qua từng giai đoạn lịch sử của Bộ. Để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tên gọi của Bộ có nhiều lần thay đổi. Ban đầu là Ủy ban Khoa học Nhà nước (năm 1959), đến Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (năm 1965), Ủy ban Khoa học Nhà nước (năm 1990), Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (năm 1992) và từ năm 2002 cho đến nay là Bộ Khoa học và Công nghệ.

"Dù với tên gọi nào, Bộ Khoa học và công nghệ luôn được giao nhiệm vụ là cơ quan tham mưu cao nhất cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong hoạch định và triển khai các chính sách phát triển khoa học kỹ thuật và hiện nay là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.

Ông dẫn nội dung hiến pháp năm 2013: "Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".

Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 cũng kế thừa các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000, bổ sung nhiều nội dung mới có tính đột phá về cơ chế, chính sách đối với khoa học - công nghệ mà trụ cột là ba nhóm giải pháp: đổi mới cơ chế quản lý tổ chức và nhiệm vụ; đổi mới cơ chế tài chính và đầu tư; đổi mới chính sách đối với nhân lực khoa học và công nghệ. Hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng được Bộ trình Chính phủ ban hành.

Trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển nhanh của cách mạng khoa học và công nghệ, tại Nghị định số 28, Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân.

Chính phủ coi đổi mới sáng tạo là lĩnh vực mới cần chú trọng. Hiện nay, Bộ cũng đang tập trung sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới.

"Hơn 30 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, cơ chế và chính sách quản lý hoạt động khoa học công nghệ luôn được quan tâm đổi mới nhằm giải phóng tiềm năng sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi và thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ", người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ nói. Trên cơ sở đó, khoa học - công nghệ có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Bộ trường Huỳnh Thành Đạt cũng dẫn lại luận điểm về phát triển khoa học và công nghệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Trình độ khoa học và công nghệ của ta hiện nay còn thấp kém; lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều; cách thức làm việc còn nặng nhọc; năng suất lao động còn thấp... Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó".

Những luận điểm là kim chỉ nam cho ngành khoa học và công nghệ trong những năm qua. Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tập trung rà soát, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo Bộ trưởng, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, ngày 18/5 hàng năm là ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam. Sau hơn 10 năm tổ chức, dịp này đã trở thành ngày hội của lực lượng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước.

Nhiều bộ, ngành, địa phương chọn Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam để vinh danh, trao giải thưởng cho các nhà khoa học, các cán bộ quản lý khoa học và đông đảo người dân yêu khoa học, nghiên cứu. Nhiều viện, trường, doanh nghiệp tổ chức triển lãm kết quả nghiên cứu khoa học, sáng kiến của sinh viên, học sinh, người lao động; mở cửa các phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu cho học sinh, sinh viên và người dân tham quan, tìm hiểu về hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.

Nhiều phong trào thi đua, nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của cán bộ nghiên cứu, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân; phong trào nâng cao năng suất, chất lượng tại các doanh nghiệp được tổ chức, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo nhân dân. "Các hoạt động phong phú, thiết thực chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong 10 năm qua đã khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng; hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo và nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ, góp phần kiến tạo một xã hội tôn trọng khoa học và tư duy sáng tạo", đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định.


Tin mới