Hãy để cây xanh mãi là dấu ấn của Thủ đô!

Ngày nay không nhiều người biết rằng, vào những năm 1925 – 1935, Hà Nội là một trong 3 thành phố đẹp nhất Châu Á (Hà Nội, Tokyo và Thượng Hải). Đó là một thủ đô Hà Nội được xây dựng theo chỉ đạo của những nhà quy hoạch tài hoa đến từ nước Pháp. Họ rất chú trọng đến cây xanh đô thị, ngoài việc giữ lại và phát triển vườn cây cổ thụ trong Bách Thảo, người Pháp còn trồng cây xanh trên các đường phố theo hàng lối, loại cây rất quy củ, các vườn hoa cũng được trồng mới rất nhiều.

Đã từng có một Hà Nội rất xanh ở nhiều năm trước

Thủ đô Hà Nội có nhiều ao hồ và sông chảy qua, nhưng vào mùa hè, thành phố vẫn nóng bức hơn các tỉnh lân cận vì dân số đông, phố phường lại được xây dựng bằng vật liệu dễ hấp thụ nhiệt. Ý thức được việc này, người Hà Nội xưa vẫn tiếp tục kế thừa những di sản của người Pháp, họ có ý thức trong bảo vệ thiên nhiên và trồng thêm cây trong thành phố.

Đối với những người dân Hà Nội gốc, những người ngoại tỉnh đã định cư ở Hà Nội từ lâu, hay những người đã có dịp về Hà Nội khoảng 20 năm trở về trước như bản thân người viết… Chắc hẳn trong lòng vẫn còn lưu luyến những con phố, vỉa hè phủ xanh bóng mát ngày ấy. Nhớ con phố Trần Phú (Hà Đông) xanh rì lá sấu, xuân tới sắc xanh phủ lên cả một dãy phố. Nhớ phố Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm) mỗi khi thu đến thì cả phố vàng rực lá cây cơm nguội. Nhớ có một Hà Nội dịu dàng trong nắng hè, trưa hè ngày ấy cũng nắng như đổ lửa, nhưng đi dưới những tán cây ngày ấy, ai cũng thấy mát mẻ, dễ chịu.

Nhà thờ Lớn Hà Nội những năm Pháp thuộc
Nhà thờ Lớn Hà Nội những năm Pháp thuộc

Tốc độ đô thị hoá đã làm nhạt bớt màu xanh vốn có

Theo thời gian, tốc độ đô thị hóa của Hà Nội tăng nhanh, người dân tứ xứ đổ về thủ đô lập nghiệp, thành phố chặt bớt cây cối để xây nhà, xây chung cư, xây cơ quan, nhà máy, xí nghiệp. Những tán cây bên đường nay đã vắng hơn, những cánh đồng lúa chín vàng phần lớn đã nằm lại trong ký ức.

Đến đầu năm 2019, Hà Nội phê duyệt việc chặt hạ và di dời gần 500 cây xanh để mở rộng đường Láng đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở. Vào tháng 4/2019, hàng trăm cây phượng tại khu vực đường Láng Hạ, Xã Đàn, Kim Liên, Đại Cồ Việt chưa kịp nở hoa đã bị nhổ bỏ và thay thế các loại cây mới. Chỉ trong vòng 2 năm qua, riêng việc trồng và chặt cây xanh ở Hà Nội đã tiêu tốn biết bao nhiêu tiền từ ngân sách Nhà nước, trong khi nguồn thu chủ yếu ở đây là tiền thuế của dân.

Lần đầu tiên, một trạm đo ở Việt Nam ghi nhận nhiệt độ trong lều khí tượng lên đến 44,1 độ C trong ngày 07/05/2023 vừa qua. Đây là kỷ lục nhiệt độ cao nhất ở nước ta.
Lần đầu tiên, một trạm đo ở Việt Nam ghi nhận nhiệt độ trong lều khí tượng lên đến 44,1 độ C trong ngày 07/05/2023 vừa qua. Đây là kỷ lục nhiệt độ cao nhất ở nước ta.

Quá trình đô thị hóa chóng mặt đang đẩy con người vào cái bẫy do chính mình tạo ra, thiếu hụt cây xanh trong đô thị ngày nay đang là tác nhân gây nên hiệu ứng nhà kính, bệnh tật, môi trường ô nhiễm, khí hậu nóng lên…Chúng ta khó có thể tự nâng cao sức đề kháng với bệnh tật, với nắng nóng, thì chí ít cũng nên dừng lại việc tạo ra các nguy cơ cho chính mình. Thực tế rằng sự tăng nhiệt độ toàn cầu có thể tăng đến 1 – 2 độ C, nhưng nhiệt độ thực tế ở môi trường thành phố có nhiều nhà cao tầng và ít cây cối có thể làm tăng lên nhiều lần con số đó. Lần đầu tiên, một trạm đo ở Việt Nam ghi nhận nhiệt độ trong lều khí tượng lên đến 44,1 độ C trong ngày 07/05/2023 vừa qua. Đây là kỷ lục nhiệt độ cao nhất ở nước ta.

Nhiều người đang phàn nàn rằng Hà Nội có ít cây xanh nên mùa hè cuộc sống con người càng khổ cực với nắng nóng. Vậy thực tế Hà Nội có ít cây xanh hay không? Mặc dù thành phố Hà Nội đã rất tập trung trồng mới cây xanh nhưng diện tích thảm xanh trên đầu người chưa đạt, còn thiếu so với tiêu chuẩn cần thiết về cây xanh đô thị. Thậm chí, trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội năm 2011 đã đưa ra nhiệm vụ là phải loại bỏ khỏi vành đai xanh (thuộc lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy) hàng trăm dự án đô thị trong tổng số hơn 740 dự án được rà soát, nhưng trên thực tế đến nay các dự án đô thị, bất động sản tại khu vực này vẫn dày đặc.

Những tín hiệu tích cực trong việc phủ xanh Thủ đô gần đây

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có một số tín hiệu lạc quan là vài năm gần đây, Hà Nội đã trồng thêm nhiều giống cây mới trên nhiều tuyến phố, qua thời gian, những cây xanh này nếu được gìn giữ, chăm sóc cẩn thận sẽ góp phần cho một Hà Nội xanh, trở thành những di sản cây xanh trong tương lai.

TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch trồng mới 500 nghìn cây xanh đô thị trên địa bàn TP, giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, trong năm 2023, Hà Nội sẽ trồng bổ sung, thay thế cây bóng mát vào những vị trí cây chết, hố trống, cây cong, xấu, già cỗi; thay thế cây xanh không thuộc danh mục cây đô thị trên một số tuyến phố, trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện...

Việc phủ xanh Hà Nội những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực
Việc phủ xanh Hà Nội những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực

Nhiều chuyên gia cho rằng, cây xanh đô thị được trồng đường phố ở Hà Nội cơ bản phải xét tới mấy yếu tố như chịu được điều kiện đất đai, thời tiết đặc thù tại Hà Nội; chống chịu được gió bão; hình dáng đẹp, tán có hình khối vừa tạo dáng vừa che bóng được; hoa – quả có mùi thơm thì tốt, hay ít nhất phải không độc, không gây ô nhiễm; cây phải ít sâu bệnh…

Thêm nữa, bên cạnh việc quy hoạch mỗi đường là một loại cây, cần phân bố để 4 mùa đều có những tuyến đường hoa nở. Hiện, Hà Nội đang rất thiếu những loại cây nở hoa trong mùa đông, nên TP cần nghiên cứu, trồng nhiều hơn các loài cây phù hợp với khí hậu lạnh để luôn trong tình trạng cây cối xanh mát, hoa khoe sắc. Chúng ta hiểu rõ, vì sao phải trồng nhiều cây xanh, nhất là trồng cây xanh ở một TP có đông đúc dân cư sinh sống, có đường phố dày đặc với đủ loại phương tiện tham gia giao thông đêm ngày không ngớt như Hà Nội. Nhưng hết thảy và trên hết đó là vì một Hà Nội mãi là "TP xanh hòa bình"!

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn TP có khoảng 211.470 cây bóng mát, trong đó khu vực 12 quận có 149.075 cây, với các loài chủ yếu: Xà cừ (khoảng 8.000 cây); phượng (khoảng 12.500 cây); muồng (khoảng 7.000 cây); sấu (khoảng 22.000 cây); bằng lăng (khoảng 13.500 cây)... Trong số này, có khoảng 20% cây bóng mát có tuổi đời 80-100 năm.

Thiết nghĩ, thành phố Hà Nội vẫn cần tăng diện tích cây xanh, ngừng việc cấp phép cho các dự án yêu cầu chặt hạ cây và làm gia tăng mật độ dân cư như các khu đô thị hàng nghìn căn hộ. Đó là cách chúng ta có thể sửa sai và để lại môi trường cho hậu thế, đây là giải pháp dài hạn và cũng là việc cần làm ngay ngày hôm nay!


Tin liên quan

Tin mới