Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại Trung Quốc

Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc (CNIPA) đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao việc đăng ký bảo hộ, quản lý, khai thác phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại Trung Quốc.

Theo TS. Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, tiềm năng to lớn của hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc làm gia tăng đáng kể nhu cầu của doanh nghiệp về xác lập, khai thác, thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kinh doanh, thương mại tại Trung Quốc. Tuy nhiên, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nói chung và đăng ký nhãn hiệu nói riêng của người nộp đơn Việt Nam tại Trung Quốc hiện khá khiêm tốn. Tỷ lệ văn bằng bảo hộ được cấp chưa cao. Nguyên nhân của thực trạng này là doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu biết về việc bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và càng thiếu kinh nghiệm xác lập quyền đối với các đối tượng này tại Trung Quốc.

Nâng cao việc đăng ký bảo hộ, quản lý, khai thác phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại Trung Quốc. Ảnh minh họa
Nâng cao việc đăng ký bảo hộ, quản lý, khai thác phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại Trung Quốc. Ảnh minh họa 

Ông Zhang Cheng (đại diện Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc - CNIPA) cho rằng, thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc được chia thành: thẩm định hình thức và thẩm định nội dung.

Thẩm định hình thức bao gồm xem xét các thủ tục đã hoàn tất chưa, điều khoản có được chuẩn hóa hay không và liệu các khoản phí được nộp đầy đủ hay chưa. Thẩm định nội dung bao gồm thẩm định lý do tuyệt đối và thẩm định lý do tương đối. Lý do tuyệt đối chủ yếu đề cập đến việc điều khoản bị cấm có bị vi phạm hay không và điều đó có đáng kể hay không. Lý do tương đối đề cập đến việc liệu có xung đột với các quyền trước đó hay không.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam có thể thành công trong đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại các thị trường xuất khẩu, trong đó có Trung Quốc, Cục Sở hữu trí tuệ và các ban ngành cũng đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ như đàm phán, gia nhập các hiệp định thương mại tự do tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp ở nước ngoài; xây dựng các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ; thiết lập các kênh tư vấn trong nước.


Tin liên quan

Tin mới