Kinh tế Việt Nam dự báo còn nhiều khó khăn; Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cần trợ lực cho doanh nghiệp

Mặc dù đạt được mức tăng trưởng ổn định, lạm phát được giữ vững nhưng triển vọng nền kinh tế Việt Nam được đánh giá sẽ còn nhiều thách thức, nên cần sớm có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Kinh tế Việt Nam 4 tháng đầu năm vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức

Kinh tế Việt Nam ba tháng đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn. Tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương đã cố gắng hết sức tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.

Tổng cục Thống kê cho biết, 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) vẫn giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi cùng kỳ tăng 7%. Nguyên nhân là do kinh tế thế giới phục hồi chậm, cộng thêm chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. Điều này đã dẫn dẫn đến đơn hàng sản xuất giảm, kim ngạch xuất khẩu cũng giảm.

Cầu giảm, thị trường thu hẹp, nhất là các thị trường lớn của Việt Nam. Giá một số mặt hàng chiến lược, nguyên vật liệu đầu vào không ổn định. Những yếu tố bất ổn, rủi ro gia tăng, niềm tin suy giảm trên thị trường tài chính toàn cầu, một số ngân hàng tại Mỹ, châu Âu ngừng hoạt động, phá sản.

Trong nước, quy mô nền kinh tế khiêm tốn nhưng có độ mở cao, sức chống chịu có hạn. Vì vậy, một biến động nhỏ bên ngoài cũng có thể tác động lớn đến bên trong. Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.

Kinh tế Việt Nam
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam gặp nhiều thách thức hiện nay, đòi hỏi triển khai nhanh các giải pháp gỡ khó giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Trong số này, Quảng Nam giảm 33,4%, Bắc Ninh giảm 18,6%, Vĩnh Long giảm 16,1%, Sóc Trăng giảm 15,5%… Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc cũng nằm trong danh sách này.

Hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút FDI... gặp nhiều khó khăn. Điều này tác động trực tiếp đến tăng trưởng, tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 được dự báo thấp hơn so với năm 2022 do chịu ảnh hưởng của các yếu tố phức tạp, khó lường. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, nên mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay sẽ có nhiều thách thức.

Doanh nghiệp Việt đang gặp khó, cần khẩn trương lấy lại động lực phát triển cho doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp đang khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn. Thêm nữa là áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng. Một số thủ tục hành chính chưa thống nhất, thiếu thực tiễn được kiến nghị song chưa được giải quyết thấu đáo.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Diễn biến bất lợi, khó lường của thế giới tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… vẫn còn gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng tình hình trên đòi hỏi các giải pháp điều hành quyết liệt, chủ động, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn; phát huy kết quả đã đạt được trong tháo gỡ các nút thắt, vướng mắc của nền kinh tế, các thị trường; tranh thủ cơ hội, dư địa chính sách để tận dụng thời gian, cơ hội phục hồi kinh tế, phát triển các nhân tố nền tảng, bền vững như: Tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê – bà Nguyễn Thị Hương: “Để ổn định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế cần tích cực thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua khó khăn thì mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% mới khả thi. Cụ thể, về phía cơ quan quản lý cần xây dựng chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế”.

“Bên cạnh đó, cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm…; đồng thời, có giải pháp hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: sản xuất da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ… Chính sách tỷ giá cần áp dụng để thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp”. Bà Hương cho biết thêm.


Tin liên quan

Tin mới