Bức tranh kinh tế tỉnh Hưng Yên trong 4 tháng đầu năm 2023

4 tháng năm 2023 đi qua, mặc dù chịu ảnh hưởng từ những khó khăn chung trong nền kinh tế nước nhà, song tình hình kinh tế tại tỉnh Hưng Yên vẫn có chuyển biến tích cực, tạo nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, đều ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước...
kinh tế tỉnh Hưng Yên
Một góc thành phố Hưng Yên

Nông nghiệp và thủy sản giữ được năng suất ổn định

Tháng Tư, nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong tỉnh là tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại lúa, rau màu vụ xuân, cây ăn quả và bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm.

Trồng trọt

Sản xuất vụ xuân: Theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ xuân toàn tỉnh sơ bộ đạt 31.351 ha, giảm 5,68% (giảm 1.888 ha) so với vụ xuân năm 2022. Trong đó, diện tích gieo trồng lúa đạt 25.333 ha, giảm 6,50% (giảm 1.762 ha). Vụ xuân năm nay, tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao với các giống lúa như: Bắc thơm số 7 (5.017 ha); Nếp thơm Hưng Yên (2.922 ha); Đài thơm 8 (2.106 ha);... Cùng với đó, tăng cường mở rộng diện tích để gieo cấy các giống lúa lai, lúa năng suất cao.

kinh tế tỉnh Hưng Yên

Đến ngày 25/3, toàn tỉnh đã hoàn thành chăm sóc lúa đợt 2. Hiện nay, nhiệt độ trung bình từ 22-27oC tạo điều kiện cho lúa phát triển, song đây cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá phát sinh, phát triển nhanh, nhất là ở những ruộng cấy dầy, bón phân không cân đối, bón thừa đạm. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, đến ngày 25/4/2023, diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn 163 ha, diện tích phòng trừ 328 ha; diện tích bệnh khô vằn 719 ha, diện tích phòng trừ 836 ha.

Bên cạnh công tác gieo cấy và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa, nông dân các địa phương cũng tích cực gieo trồng rau màu vụ xuân. Đến ngày 25/4/2023, diện tích gieo trồng rau màu vụ xuân toàn tỉnh đạt 6.077 ha, trong đó: ngô 1.125 ha; lạc, đậu tương 502 ha; dược liệu 558 ha; hoa cây cảnh 369 ha; rau các loại 3.524 ha. Diện tích thu hoạch rau màu vụ xuân 1.637 ha. Nông dân các địa phương cần tiến hành thu hoạch rau màu vụ xuân đúng thời kỳ để bảo đảm chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm; chú ý tuân thủ thời gian cách ly đối với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đối với những diện tích rau màu đã thu hoạch xong, cần thu gom, xử lý tàn dư đồng ruộng, chuẩn bị tốt các điều kiện cho vụ sản xuất tiếp theo.

Sản xuất cây lâu năm: Tổng diện tích hiện có cây lâu năm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đạt 15.780 ha, chủ yếu là cây ăn quả (chiếm 93,50%). Toàn tỉnh hiện đang tập trung chăm sóc các loại cây ăn quả có múi đã thu hoạch, đồng thời khẩn trương thu hoạch các loại cây ăn quả còn lại. Thời gian qua, thời tiết có nhiều ngày mưa phùn, ít nắng, độ ẩm không khí cao thuận lợi cho một số loài sâu, bệnh phát sinh và gây hại trên cây ăn quả. Các nhà vườn cần theo dõi chặt chẽ sâu đục cuống quả trên vải; bệnh sương mai, thán thư và các đối tượng sâu, bệnh khác trên nhãn, vải; sâu vẽ bùa, nhện đỏ, nhện vàng, rầy chổng cánh,... trên cây có múi để phòng trừ sớm, kịp thời, hiệu quả nhằm bảo vệ quả non, nhất là khi điều kiện thời tiết âm u, mưa phùn, độ ẩm cao.

Chăn nuôi

Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thời tiết nồm, ẩm gây ảnh hưởng tới sức khoẻ đàn vật nuôi, dễ phát sinh nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Do có sự chủ động, kịp thời của các ngành chức năng phối hợp với các địa phương trong việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ dịch bệnh và vận chuyển gia súc, gia cầm nên đến thời điểm này, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định.

kinh tế tỉnh Hưng Yên

Tại thời điểm 01/4/2023, ước tính đàn trâu đạt 4.950 con, giảm 5,03% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 31.282 con, tăng 1,62%; đàn lợn 502.487 con, tăng 3,85%; đàn gia cầm 9.402 nghìn con, tăng 1,76%. Ước tính sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong tháng Tư như sau: thịt trâu 40 tấn, tăng 2,56%; thịt bò 371 tấn, tăng 3,63%; thịt lợn 6.689 tấn, tăng 5,42%; thịt gia cầm 48.793 tấn, tăng 2,40% so với cùng kỳ năm trước.

Nuôi trồng thuỷ sản

Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 5.216 ha, chủ yếu là diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh. Sản phẩm nuôi trồng phần lớn vẫn là những giống cá trắm, chày, chép hoặc rô phi và một số giống cá khác cho năng suất cao hoặc có giá trị trên thị trường.

kinh tế tỉnh Hưng Yên

Trong năm 2023, ngành chuyên môn của tỉnh có kế hoạch tăng cường công tác đào tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất giống thủy sản để tăng tỷ lệ chủ động con giống, nhất là các giống cá chất lượng cao; tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư vấn chuyển giao kỹ thuật làm dịch vụ cho nông hộ, nhất là trong lĩnh vực giống thủy sản, vì vậy sản xuất thuỷ sản của tỉnh trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển và cho giá trị kinh tế cao.

Sản xuất công nghiệp chịu ảnh hưởng từ những khó khăn chung, tuy nhiên toàn ngành vẫn có nhiều mảng sáng

Thời gian qua, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại ngày càng gay gắt hơn. Xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine kéo dài gây hậu quả nặng nề nhiều mặt. Hậu quả của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu còn phải khắc phục trong nhiều năm. Lạm phát có giảm nhưng vẫn ở mức cao, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất kéo dài tại nhiều quốc gia. Ở trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, giá nguyên nhiên vật liệu tăng, sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, các thị trường xuất, nhập khẩu lớn truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp, có sự cạnh tranh cao, …

kinh tế tỉnh Hưng Yên

Tháng 4 năm 2023, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ những khó khăn chung. Tuy nhiên, kết quả sản xuất ngành công nghiệp toàn ngành vẫn giữ được sự ổn định và phát triển, cụ thể như sau:

So với tháng trước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Tư tăng nhẹ, tăng 0,02%, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,12%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,65%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,0%. Các sản phẩm có sản lượng sản xuất tăng so với tháng trước là: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 2,16%; quần áo các loại tăng 6,21%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 6,24%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm tăng 5,86%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) tăng 24,52%; phụ tùng khác của xe có động cơ tăng 10,18%; ...

Tính chung bốn tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,59% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,05%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,17%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,60%.

Một số sản phẩm công nghiệp có khối lượng sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước như: Thức ăn cho gia cầm tăng 12,99%; nước khoáng không có ga tăng 14,36%; quần áo các loại tăng 2,67%; giầy, dép khác chưa được phân vào đâu tăng 23,80%; gỗ ốp, lát công nghiệp tăng 7,19%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 20,88%; sản phẩm bằng plastic tăng 14,02%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ tăng 28,03%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) tăng 8,18%; động cơ đa năng một chiều/xoay chiều có công suất >37.5 W tăng 8,01%;... Bên cạnh đó, một số sản phẩm chủ yếu trong bốn tháng đầu năm có khối lượng sản xuất giảm như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền giảm 4,34%; rượu Vodka và rượu Cô nhắc giảm 4,34%; thùng, hộp bằng giấy nhăn và bìa nhăn giảm 5,97%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước giảm 29,83%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm giảm 2,88%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi giảm 12,09%; dây cách điện đơn bằng đồng giảm 1,12%; ...

Thủy lợi, đê điều vẫn được đôn đốc, kiểm tra nghiêm ngặt

Công tác thủy lợi

Sở chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với Công ty TNHH MTV KTCTTL và các địa phương bám sát diễn biến thời tiết, theo dõi mực nước các sông trục; phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc bơm nước tưới dưỡng cho lúa, nhất là thời kỳ làm đòng - trỗ bông; kiểm tra công trình, thiết bị, xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, thay thế máy móc, thiết bị, tu bổ bờ vùng và giải tỏa vi phạm, khơi thông dòng chảy; xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa bão năm 2023 (Công văn số 317/SNN – TL ngày 55/3/2023).

kinh tế tỉnh Hưng Yên

Quản lý đê điều

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm Luật đê điều, nên trong tháng không phát sinh các vụ vi phạm công trình đê điều và hành lang bảo vệ đê điều; đang đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê trên thực địa tuyến đê tả sông Hồng đoạn từ K76+894 đến K127+260 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, triển khai việc lựa chọn nhà thầu xây lắp thuộc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu sửa, xử lý khẩn cấp sự cố kè Đồng Thiện khu vực từ C47 đến C51 (tương ứng K1+500 đê tả sông Luộc) huyện Tiên Lữ…

Hưng Yên sẽ có thêm 25 - 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới

Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; các sở, ngành thường xuyên, chủ động rà soát các văn bản, hướng dẫn thực hiện, đánh giá nội dung các tiêu chí đảm đúng với các quy định, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nội dung các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. UBND các huyện, thị xã và thành phố thực hiện các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu (ưu tiên các công trình dự án có động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; nhu cầu cấp thiết của người dân)...

Năm 2023, Hưng Yên phấn đấu có thêm 25 - 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 10 - 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 15 - 20 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; 1 huyện hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021- 2025…

Đến nay, tỉnh vẫn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng, chú trọng các tiêu chí về giao thông, giáo dục văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin truyền thông, chất lượng môi trường sống, môi trường... để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Để đạt mục tiêu này, địa phương cũng xác định tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm như: kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp; thực hiện có hiệu quả Đề án đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; tiếp tục triển khai, nhân rộng việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế - xã hội...


Tin liên quan

Tin mới