Làm sao giải bài toán xe buýt nhanh BRT Hà Nội?

BRT hiện nay đang nghiễm nhiên chiếm 1/3 bề rộng mặt đường nhưng năng lực chuyên chở lại quá khiêm tốn, không tương xứng với mật độ giao thông thực tế.

Ở bài viết trước của Index, có thể thấy có rất nhiều bất cập trong hệ thống xe buýt BRT tại Hà Nội, vậy nguyên nhân là do đâu, giải pháp cho thực trạng này như thế nào?

Xe buýt BRT đang là “cái gai” trong mắt hầu hết người tham gia giao thông, vì đâu??

Việc phát triển BRT cũng như các phương tiện giao thông công cộng khác thực chất là để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, mà sử dụng phương tiện công cộng thì người dân cần đi bộ để di chuyển từ nhà tới các trạm xe buýt, hoặc di chuyển giữa các trạm. Thế nhưng thực trạng hạ tầng Hà Nội lại không hề phù hợp cho người đi bộ. Để đi bộ thì thứ nhất là phải có đường để đi, nhưng chúng ta hãy nhìn nhận xem có còn chỗ nào cho người đi bộ đi không (trừ đi chung với xe ô tô xe máy dưới lòng đường), vỉa hè bị lấn chiếm để sử dụng cho các mục đích cá nhân. Thứ hai là nếu có đường (vỉa hè) để đi thì liệu chúng ta có đi nổi trong thời tiết nhiệt độ 40 độ C không? Cả con đường không có một bóng cây xanh, đi bộ như vậy là không khả thi. Ngoài ra, tại nhiều điểm xe buýt người dân không có cầu vượt hay hầm chui để di chuyển sang đường đối diện, việc đi bộ băng qua dòng xe cộ là rất nguy hiểm.

bất cập trong hệ thống xe buýt BRT
Thực trạng hạ tầng Hà Nội không hề phù hợp cho người đi bộ

Trong khi vỉa hè bị lấn chiếm, người đi bộ phải đi dưới lòng đường. Đáng buồn hơn, điểm chờ xe buýt tại nhiều nơi lại trở thành nơi tập kết rác, đỗ xe ba gác hoặc chỗ đổ nước thải của nhà hàng... Thậm chí, khách đứng chờ xe buýt còn bị hộ kinh doanh gần đó làm mọi cách xua đuổi, vì họ coi vỉa hè là của riêng, làm nơi buôn bán. Chúng ta cần tự hỏi, liệu các nhà quản lý giao thông có dám đi bộ dưới lòng đường, đợi xe buýt cạnh đống rác hay không?

Thêm nữa là BRT lẽ ra phải là một mạng lưới liên hoàn để người dân dễ dàng chọn lựa. Mạng lưới giao thông công cộng phải đa dạng, đa tầng, phải có những tuyến chính kết nối với nhau, có tuyến vòng, tuyến gom và các loại xe buýt nhỏ đi gom khách từ các ngóc ngách ra đường lớn. Cùng với đó là các giải pháp quyết liệt để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Đáng tiếc, những thứ đó chúng ta đều chưa làm được, vô tình khiến sự tồn tại của BRT trở nên thừa thãi.

Bên cạnh đó, chúng ta phải đảm bảo xây dựng trạm trung chuyển có hai làn để khi một xe đỗ trả khách, xe khác vẫn có thể di chuyển; có hệ thống đèn tín hiệu ưu tiên để nâng cao được tốc độ vận hành trung bình của BRT, giảm thời gian đi lại của hành khách...

bất cập trong hệ thống xe buýt BRT

Làm được những điều này thì chúng ta mới mong người dân thành phố ngày càng sử dụng phương tiện công cộng nói chung hay xe buýt BRT nói riêng, từ đó giúp giảm lượng phương tiện cá nhân, lúc đó xe buýt BRT mới trở thành giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông, mới trở về với đúng giá trị của nó, là xe buýt “nhanh” BRT.

Chuyên gia cho rằng nên bỏ đường ưu tiên BRT, phân làn tách biệt ô tô, xe máy

Nhiều người cho rằng BRT ở Việt Nam thời điểm này không phù hợp, càng thêm tắc đường. Việt Nam là nước đang phát triển, hệ thống đường xá, kết nối.. chưa phù hợp để khai thác loại hình vận chuyển công cộng này, xe buýt BRT là không hiệu quả. Vậy theo ý kiến chuyên gia là như thế nào?

bất cập trong hệ thống xe buýt BRT
Trong giờ cao điểm, có nhiều tình huống CSGT phải điều hướng cho người dân di chuyển qua làn đường BRT để giảm áp lực ùn tắc

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, BRT hoạt động không hiệu quả là điều không ai mong muốn. Đối với một dự án thử nghiệm đúng là cần có thời gian để đánh giá, tuy nhiên với tuyến BRT 01 Hà Nội hoạt động 4-5 năm không hiệu quả thì cần phải có giải pháp để bố trí lại cho phù hợp.

TP Hà Nội cần có đánh giá và đưa ra giải pháp xử lý bất cập của BRT. Theo đó có thể nghiên cứu bỏ làn ưu tiên BRT, bố trí buýt nhanh hoạt động như buýt thường. Đồng thời nên phân làn cho ô tô và xe máy riêng biệt để thuận tiện cho việc đi lại của người dân”, ông Thuỷ nói.

Theo ông Thuỷ, ở một số nước như Ecuador, Đài Loan, Nhật Bản, BRT cũng được bố trí làn ưu tiên, nhưng đường họ rộng (ít nhất 4 làn), trên đường không có nhiều phương tiện cá nhân như Việt Nam nên hoạt động rất hiệu quả.

"Ở nước ta đường hẹp, giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại hàng ngày, người dân vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân là chủ yếu nên việc dành đường ưu tiên cho buýt nhanh không thể đem lại hiệu quả như kỳ vọng" - ông Thủy nói.

Một cán bộ điều hành quản lý giao thông Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội đang cho các đơn vị liên quan đánh giá hoạt động của BRT sau khi có nhiều ý kiến khác nhau về tính hiệu quả của buýt nhanh.

Việc được bố trí làn đường ưu tiên giúp BRT đi nhanh hơn, vận chuyển được nhiều hành khách hơn. Tuy nhiên do còn nhiều ý kiến khác nhau về tính hiệu quả của BRT nên UBND TP Hà Nội đang cho các đơn vị liên quan đánh giá tổng thể.

Việc có thay đổi cách thức vận hành BRT hay không, phải chờ có đánh giá cụ thể về tính hiệu quả”, vị này cho biết.


Tin liên quan

Tin mới