'Nhà tiên tri' Toyota đã đúng: 1 startup xe điện không có lãi kể từ khi thành lập, hiện đã dừng sản xuất, thoi thóp chờ ‘giải cứu’

Startup xe điện này đang đối mặt ‘án tử’.
Startup xe điện này đã dừng sản xuất, đang thoi thóp chờ giải cứu
Startup xe điện này đã dừng sản xuất, đang thoi thóp chờ giải cứu

Năm năm trước, ai cũng kỳ vọng công ty khởi nghiệp xe điện Aiways có một tương lai tươi sáng. Được dẫn dắt bởi cựu giám đốc điều hành Volvo, hãng này còn may mắn được gã khổng lồ công nghệ Tencent, tập đoàn gọi xe DiDi và nhà vô địch pin CATL rót vốn. 

Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, Aiways chưa bao giờ có lãi, thậm chí phải đình chỉ sản xuất tại một nhà máy quan trọng. Hãng cũng đang gặp khó khăn trong việc trả lương cho nhân viên và tăng doanh số. 

“Chúng tôi đã bị đẩy vào ngõ cụt, chỉ mong được trả lại công lý”, nhân viên Aiways nói, đồng thời kêu gọi phía công ty làm thủ tục phá sản. 

Đà sụt giảm doanh số nhanh chóng khiến nhiều chuyên gia dự báo về một làn sóng hợp nhất. Trong khi một số nhà sản xuất ô tô Trung Quốc được nước đi lên, chẳng hạn như BYD, hàng trăm nhà sản xuất ô tô khác đang phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn.

Theo công ty nghiên cứu MarkLines, có khoảng 50 thương hiệu tại Trung Quốc sản xuất ô tô thuần điện và xe plug-in hybrid song từ nay cho đến năm 2030, chỉ còn từ 10 đến 12 nhà sản xuất ô tô hoạt động trên quy mô lớn.

Kể từ khi Tesla gây ra cuộc chiến giá cả ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái, tốc độ hợp nhất toàn ngành đã tăng lên. WM Motor, một startup xe điện có trụ sở tại Thượng Hải do cựu chủ tịch Volvo Trung Quốc thành lập, vừa thông báo đã bắt đầu các thủ tục tái cơ cấu. Một số công ty khác là Singulato Motors và Levdeo đang hoàn tất thủ tục phá sản, trong khi công ty khởi nghiệp xe điện Enovate có trụ sở tại Thượng Hải đình chỉ sản xuất từ tháng Tư.

“Giảm giá là điều bình thường mới trên thị trường ô tô Trung Quốc. Điều này sẽ tiếp tục diễn ra cho đến khi các công ty ô tô nhỏ hơn bị loại bỏ”, Zhang Xiang, giáo sư Đại học Khoa học và Công nghệ Huanghe cho biết.

Xuất khẩu được coi là một trong những giải pháp cho tình trạng dư thừa công suất. Thế nhưng, Đạo luật giảm lạm phát của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm mục đích suy yếu sự thống trị của đại lục trong các lĩnh vực xe điện đang làm tăng thêm sự bất định của chiến lược này. 

Bắc Kinh hiện đang thắt chặt việc cấp mới giấy phép sản xuất xe điện trong nỗ lực giải quyết tình trạng dư thừa. Các nhà phân tích của Citigroup dự đoán trong một báo cáo tháng 5 rằng tỷ lệ sử dụng hàng năm tại các nhà máy xe điện trên cả nước sẽ chỉ rơi vào khoảng 33% vào năm 2023.

“Sau khi những nhà sản xuất ô tô nhỏ hơn đóng băng, chỉ một phần nhỏ năng lực sản xuất của họ sẽ được các công ty khác mua lại và tái sử dụng. Phần còn lại sẽ bị bỏ đi”, Zhang Xiang nói. 

Aiways ra đời từ sự bùng nổ xe điện, sau đó gặt hái được nhiều thành công từ thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, những khó khăn gần đây của hãng đã làm nổi bật những thách thức về doanh thu cũng như tài trợ yếu kém.

Dữ liệu từ Aiqicha, nhà cung cấp thông tin doanh nghiệp Trung Quốc, cho thấy Aiways đã huy động được hơn 4,5 tỷ USD kể từ khi thành lập. Tính đến cuối năm 2022, hãng xuất khẩu tổng cộng 6.259 ô tô tới hơn 15 quốc gia bao gồm Đức, Pháp, Costa Rica và UAE. 

Theo dữ liệu từ Wind, doanh số bán hàng của tập đoàn đã tăng từ 2.698 chiếc vào năm 2021 lên 4.626 chiếc vào năm 2022. Con số này rất nhỏ nếu so với hơn 151.000 ô tô chạy bằng pin được bán ra trong tháng 9 của BYD - nhà sản xuất ô tô hàng đầu cả nước.

Vào tháng 1/2022, Zhang Yang, cựu phó chủ tịch Nio, đã được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành để thay thế người đồng sáng lập Gu Feng trong một cuộc cải tổ nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng. Thế nhưng, vào tháng 7, quyền kiểm soát công ty đã được chuyển giao cho một nhóm “quản trị tạm thời” do đồng sáng lập Fu và cựu giám đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Zhu Xiaohua đứng đầu.

Trong nỗ lực cuối cùng nhằm tìm kiếm lợi nhuận, ông Zhu và Fu hiện đang lên kế hoạch tái cơ cấu và bán xe ra nước ngoài dưới hình thức một thương hiệu mới.

“Aiways đã tạm dừng sản xuất, đang trong quá trình nhận tài trợ và tái cơ cấu. Chiến lược là bán ô tô ra thị trường nước ngoài”, công ty cho biết trong một tuyên bố, đồng thời cho biết đội ngũ tại Trung Quốc và Châu Âu đang thực hiện kế hoạch này.

Nhận định về câu chuyện này, nhiều chuyên gia không hề lạc quan. 

“Hy vọng tạo ra doanh thu từ việc bán xe sẽ khó thành hiện thực”, Tu Le của Sino Auto Insights, một công ty tư vấn cho biết. Các nhà đầu tư của Aiways hiện đang cảnh giác với việc xuống tiền. 

“Thị trường xe điện Trung Quốc có tiêu chuẩn cao. Một công ty phải huy động đủ vốn, phát triển các sản phẩm đủ mạnh và sở hữu một đội ngũ bán hàng đủ tốt mới có thể tồn tại”, David Zhang, giáo sư trường Cao đẳng Khoa học và Công nghệ Huanghe ở Zhengzhou, tỉnh Hà Nam, cho biết.

Theo các chuyên gia, bất chấp việc xe điện ước tính chiếm khoảng 1/3 doanh số ô tô tại Trung Quốc vào năm 2023, không có gì đảm bảo rằng 100% các nhà sản xuất xe điện đang tham gia thị trường sẽ thành công trong tương lai.

“Tại thị trường Trung Quốc, hầu hết các nhà sản xuất xe điện đều lỗ do cạnh tranh khốc liệt. Giá lithium đắt đỏ được coi là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh tồi tệ, song ngay cả khi giá vật liệu này không tăng lên, lợi nhuận các công ty này vẫn rất tiêu cực”, nhà phân tích Paul Gong của UBS nói.


Tin liên quan

Tin mới