Nhiều vi phạm trong kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm Việt Nam, đang tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng trong khu vực. Tuy nhiên chính sự phát triển này đã khiến nhiều sản phẩm giả, kém chất lượng và vi phạm điều kiện kinh doanh mỹ phẩm gia tăng và khó kiểm soát.

Thị trường mỹ phẩm Việt Nam tăng trưởng mạnh kéo theo nhiều vi phạm 

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp làm đẹp đang tỏ ra khó cưỡng, nhất là khi Việt Nam thuộc tốp đầu Đông Nam Á về "nhập siêu" mỹ phẩm. Thế nhưng, đi kèm với sự phát triển đó là sự xuất hiện của nhiều sản phẩm giả, kém chất lượng và vi phạm điều kiện kinh doanh mỹ phẩm dẫn đến khó kiểm soát.

Thị trường mỹ phẩm Việt Nam, đang tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng trong khu vực. Chi tiêu dùng cho sản phẩm, dịch vụ làm đẹp cũng đang trở thành khoản chi cố định và ngày càng gia tăng, trở thành nhu cầu thiết yếu của các gia đình.

Trong một cuộc khảo sát năm 2022 về mức chi tiêu cho lĩnh vực làm đẹp của nữ giới trong độ tuổi 16 - 40 tuổi ở hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, cho thấy có 93% phụ nữ từ 25 - 32 tuổi sử dụng các sản phẩm chăm sóc da thường xuyên. Họ mua mỹ phẩm ở chủ yếu ba kênh: cửa hàng của thương hiệu, chuỗi cửa hàng chăm sóc sức khỏe & sắc đẹp và trang thương mại điện tử. Số tiền trung bình mà phụ nữ Việt chi tiêu cho mỹ phẩm chăm sóc da là 436.000 đồng mỗi tháng: sản phẩm chăm sóc da được sử dụng nhiều nhất là sữa rửa mặt (77%), nước tẩy trang (66%), kem chống nắng (45%), kem dưỡng ẩm (37%), toner (36%), serum (28%).

Mỹ phẩm vẫn là mặt hàng được cho là ‘dễ dãi’ nhất về mặt chất lượng. Ảnh minh họa
Mỹ phẩm vẫn là mặt hàng được cho là ‘dễ dãi’ nhất về mặt chất lượng. Ảnh minh họa

Riêng năm 2023 dự đoán doanh thu từ thị trường bán lẻ mỹ phẩm tại Việt Nam đạt mức 2,36 tỷ USD. Tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) của thị trường bán lẻ mỹ phẩm Việt giai đoạn 2023 - 2027 ước đạt 3,32%. Điều này cho thấy thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang trở thành một thị trường có nhiều tiềm năng.

Thực tế, trên thị trường hiện có hàng nghìn thương hiệu mỹ phẩm dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó phần lớn là các sản phẩm được nhập từ các nước trên thế giới, nhất là từ Đông Á và Đông Nam Á, và một phần mỹ phẩm sản xuất trong nước.

Tuy nhiên ở hầu khắp các khâu phân phối, mỹ phẩm vẫn là mặt hàng được cho là ‘dễ dãi’ nhất về mặt chất lượng. Đáng chú ý, xuất hiện nhiều vi phạm về điều kiện đăng ký kinh doanh mỹ phẩm, điều mà nhóm sản phẩm này là bắt buộc phải nghiêm chỉnh thực hiện.

Đơn cử, theo ghi nhận tại cửa hàng nhỏ lẻ bên phố Trịnh Đình Cửu (Hoàng Mai, Hà Nội), nơi đây bày bán toàn các nhãn hàng mỹ phẩm mang nhãn hiệu nước ngoài, nhưng đa phần đều không có nhãn phụ tiếng Việt. Trong khi đó, phần công bố sản phẩm và giấy xác nhận nội dung quảng cáo cơ sở này cũng không có tài liệu chứng minh.

Điều đáng quan ngại là hiện nay, mỹ phẩm được bán tràn lan trên không gian mạng với vô số các loại mỹ phẩm khác nhau. Nhiều trang web bán mỹ phẩm ngang nhiên “hóa phép” công dụng của sản phẩm. 

Không chỉ vậy, số liệu được công bố tại hội thảo “Thực trạng quản lý mỹ phẩm và định hướng chính sách quản lý mỹ phẩm trong thời gian tới” diễn ra hồi cuối tháng 6 vừa qua, cho thấy: Từ năm 2012 – 2022, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã kiểm tra hậu mãi 309 công ty sản xuất mỹ phẩm trong nước và nhập khẩu mỹ phẩm, thu hồi 3.313 sản phẩm mỹ phẩm, đình chỉ lưu hành, thu hồi 519 sản phẩm mỹ phẩm vi phạm chất lượng.

TS. Chu Quốc Thịnh, Trưởng phòng Quản lý mỹ phẩm - Cục Quản lý Dược thông tin, căn cứ kết quả cập nhật kết quả cuộc họp Hội đồng Mỹ phẩm ASEAN, Cục Quản lý Dược đã ban hành quyết định thu hồi tổng số 118 số tiếp nhận Phiếu công bố mỹ phẩm nhập khẩu. Cục Quản lý Dược đã ban hành các Quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc 39 sản phẩm mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu các Sở Y tế địa phương tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mỹ phẩm vi phạm, xử phạt tổng số hơn 1 tỷ đồng...”.

Vụ việc cụ thể, trong tháng 2/2023 Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có văn bản đình chỉ lưu hành, thu hồi đối với 14 sản phẩm mỹ phẩm do Công ty TNHH một thành viên SX - TM Nguyễn Hoàng Na (Địa chỉ: Số 2/79B Mậu Thân, P. An Hòa, Q. Ninh Kiều, Tp. Cần Thơ) sản xuất, đứng tên công bố và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Trong đó có nhiều loại là kem tẩy nám tàn nhang, kem trắng hồng săn chắc; kem chống nắng, serum chấm mụn, kem nám, kem trắng da nhãn hiệu Linh Chi Vàng...

Vào tháng 5/2023, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Tạ Mạnh Hùng đã ký quyết định thu hồi 51 số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do đơn vị này cấp đối với 51 sản phẩm mỹ phẩm. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường là Công ty TNHH Mỹ Hương (Địa chỉ ghi trên Phiếu công bố: Số nhà 8, tổ 7, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 0105043096). Lý do thu hồi là do công ty không có hồ sơ thông tin sản phẩm (PIF) xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Mới đây, vào tháng 7/2023 Sở Y tế Thành phố Hà Nội đã ra quyết định thu hồi hơn 400 sản phẩm, số phiếu công bố khống và yêu cầu các nhà máy rà soát tình hình sản xuất mỹ phẩm.

Mỹ phẩm kém chất lượng gây thiệt hại nặng nề cho sức khỏe lẫn kinh tế

Thực tế, việc mua phải các loại mỹ phẩm kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng to lớn đến sức khỏe người dùng. 

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, mỹ phẩm là sản phẩm thường được sử dụng trực tiếp trên da, do vậy, nếu chất lượng kém sẽ gây tác hại rất lớn cho cơ thể người dùng. Thậm chí kể cả khi sử dụng những sản phẩm tốt, chính hãng, người dùng vẫn có thể bị dị ứng do cơ địa. Còn đối với những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng hay hàng giả, hàng nhái thì hậu quả càng nguy hiểm hơn rất nhiều vì có thể gây những tổn thương da nghiêm trọng như nổi ban đỏ, mụn, làm thoái hóa da,...

Cùng với đó, việc chữa trị sẽ rất tốn kém và cần thời gian lâu dài. Vì thế, đã xảy ra không ít trường hợp éo le khi những món quà đắt tiền và ý nghĩa lại biến thành “thuốc độc”.

Trước tình trạng mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đang được rao bán tràn lan trên mạng như hiện nay, các chuyên gia về mua sắm khuyến cáo, khi mua hàng, người mua cần hết sức cẩn trọng, tìm hiểu kỹ và chỉ nên mua tại các địa chỉ có uy tín.

Bên cạnh đó, phải hỏi rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm trước khi mua cũng như kiểm tra cẩn thận khi nhận. Tuyệt đối đừng vì ham khuyến mại, giá rẻ mà “tiền mất tật mang”.

Trong trường hợp mua và sử dụng phải mỹ phẩm giả, kém chất lượng và không may có dấu hiệu mắc bệnh về da liễu như ngứa, mẩn đỏ, nổi ban,... theo lời khuyên của bác sĩ, bệnh nhân không nên tự điều trị vì có thể sẽ dẫn đến nhiễm trùng gây tình trạng bệnh nặng hơn. Thay vì đó, cần đến ngay các cơ sở y tế có uy tín để được hỗ trợ đúng chuyên môn, tuyệt đối không nên tự trấn an bản thân rằng do mới sử dụng chưa quen để tiếp tục sử dụng sản phẩm, vì có thể dễ dàng khiến bệnh tình càng thêm trầm trọng.


Tin liên quan

Tin mới