Những thách thức cho nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo của Việt Nam

Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên Việt Nam lại đang phải đối mặt với khó khăn về nguồn nhân lực phục vụ cho công nghệ này, chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu thị trường.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang bao phủ toàn cầu, được coi là bước ngoặt sẽ thay đổi toàn bộ đời sống xã hội cũng như hoạt động kinh tế sang môi trường số hóa với vô số công nghệ đột phá. Trong đó, trí tuệ nhân tạo được xem là công nghệ cốt lõi và không thể thiếu với các quốc gia thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện. Mới đây, một chuyên gia hàng đầu đã dự đoán AI có thể thay thế 80% số việc làm của con người trong những năm tới.

Cũng theo làn sóng công nghệ toàn cầu, đặt ra mục tiêu chuyển đổi thành một quốc gia số, Việt Nam chắc chắn không thể bỏ qua việc phát triển trí tuệ nhân tạo. Cụ thể, theo Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, được ban hành theo Quyết định số127/QĐ-TTg ngày 26/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu là đưa AI trở thành công nghệ mũi nhọn, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về trí tuệ nhân tạo trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc phát triển AI không chỉ đòi hỏi kinh phí lớn mà còn cần nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào. Hiện tại, nhân lực trí tuệ nhân tạo cũng là những đối tượng được săn đón không chỉ bởi các doanh nghiệp trong nước mà cũng đang là “hàng hot” đối với những tập đoàn nước ngoài. Hiện nay, ở Việt Nam, nguồn cung nhân lực AI đang ở mức rất thấp, chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu tuyển dụng.

Việt Nam đang phải đối mặt với khó khăn về nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo
Việt Nam đang phải đối mặt với khó khăn về nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo

Trên thực tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 55.000 sinh viên công nghệ thông tin ra trường, nhưng chỉ có 30% trong số này có thể làm các công việc liên quan tới AI. Và để thực sự đáp ứng được cấp bậc chuyên gia trong AI, quá trình học tập và đào tạo chuyên sâu còn phải kéo dài hơn nữa. Số nhân lực ra trường và có thể đi làm được luôn là rất hiếm. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên vẫn là vấn đề muôn thủa của giáo dục trong nước khi việc đào tạo tại trường khác xa so với ứng dụng thực tế, đặc biệt là ở lĩnh vực cần thực hành và tiếp xúc công nghệ cao như AI. Hơn thế nữa, ngôn ngữ cũng là rào cản lớn khiến sinh viên khó tiếp cận với những tài liệu AI vốn quá chuyên ngành, từ đó hạn chế năng lực nghiên cứu.

Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Công ty Trí tuệ nhân tạo Torus AI, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Trí tuệ nhân tạo là ngành mở ra rất nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sau khi ra trường tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong cuộc đua nghiên cứu phát triển AI, ngành dự đoán sẽ tạo ra hơn 15.000 tỷ USD (tương đương với hơn 10% sản lượng kinh tế thế giới hàng năm kể từ 2030), vậy quốc gia có tiềm lực kinh tế, khoa học và công nghệ ở mức trung bình như Việt Nam, có những cơ hội nào?

“Với nguồn lực đầu tư còn hạn chế, Việt Nam mới chỉ ưu tiên cho nhiều vấn đề trước mắt và cấp bách như giáo dục, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, giảm nghèo… Điểm mạnh lớn nhất hiện nay là Việt Nam có một đội ngũ nghiên cứu trẻ về AI được đào tạo bài bản ở nước ngoài, đứng thứ hai Đông Nam Á về số lượng bằng phát minh sáng chế về AI. Điểm yếu của Việt Nam chính là hạ tầng dữ liệu và tính toán mới đang ở mức sơ khởi, dữ liệu dù có rất nhiều, nhưng lại rải rác ở khắp nơi và nếu có dữ liệu thì chủ yếu chỉ ở dạng thô, chưa được xử lý và chuẩn hóa”, theo Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng.

Để giải quyết các khó khăn hiện nay, GS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng Việt Nam phải tăng cường đầu tư vào hệ sinh thái AI như điện toán đám mây, dữ liệu, thuật toán học máy, hệ thống luật lệ, chính sách...

Đồng thời, cần chọn lựa những lĩnh vực đầu tư có lợi thế, ít rào cản góp phần tăng giá trị thặng dư. Với những lĩnh vực còn yếu, cần nâng cao qua quá trình học hỏi, hợp tác hay nhập khẩu công nghệ.

 


Tin liên quan

Tin mới