Tập đoàn Đèo Cả của ông Hồ Minh Hoàng vừa trúng gói thầu 2.630 tỷ đồng dự án sân bay Long Thành kinh doanh ra sao?

Liên danh do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu vừa trúng gói thầu số 6.12 siêu dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.

Ngày 11/07/2023, tại TP.Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) và liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu thực hiện lễ trao hợp đồng thi công tuyến nối dự án sân bay Long Thành trị giá hơn 2.630 tỷ đồng.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành rộng 5.000 ha có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng.

Liên danh 6 nhà thầu gồm Tập đoàn Đèo Cả, Tổng Công ty Thăng Long, CTCP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Khang Nguyên, CTCP Thương mại và Xây dựng Hoàng Long, CTCP Xây lắp 368, CTCP Tư vấn Xây dựng Hoàng Long trúng gói thầu số 6.12.

Đây là gói thầu thi công xây dựng và lập thiết kế bản vẽ thi công công trình Hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và tuyến số 2 của Dự án thành phần 3, thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Tại lễ trao hợp đồng, Phó Tổng giám đốc ACV – ông Nguyễn Tiến Việt  đánh giá cao năng lực và kinh nghiệm của liên danh nhà thầu, đứng đầu là Tập đoàn Đèo Cả thể hiện qua các dự án lớn đã và đang thực hiện trên cả nước.

Tổng Giám đốc Khương Văn Cương của Tập đoàn Đèo Cả khẳng định tập đoàn sẽ cùng 5 nhà thầu trong liên danh đưa gói thầu về đích đúng hẹn, góp phần vào thành công chung của ngành giao thông, xác lập thêm cột mốc quan trọng khi có mặt tham gia thi công tại dự án trọng điểm quốc gia là Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cảng hàng không Long Thành
Sân bay Long Thành khởi công năm 2021. Giai đoạn đầu dự án xây một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách và 1,2 triệu tấn hàng hoá một năm.

Sân bay Long Thành có 2 tuyến đường kết nối trực tiếp, trong đó tuyến số 1 chiều dài gần 4 km, quy mô 6 đến 8 làn xe, điểm đầu từ cổng phía Tây sân bay kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Quốc lộ 51 và điểm cuối khớp nối với Đường tỉnh 25C.

Tuyến số 2 dài 3,5 km, quy mô 4 làn xe, điểm đầu giao với tuyến số 1, kéo dài song song với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và điểm cuối giao với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Để làm 2 tuyến đường này, Đồng Nai phải thu hồi gần 130 ha đất; trong đó có khoảng 110 ha thuộc quyền sử dụng của hơn 750 gia đình, cá nhân. Còn lại là đất của tổ chức, đất công. Theo cam kết của Đồng Nai với Chính phủ, trong tháng 5 và tháng 6/2023, tỉnh bàn giao mặt bằng 2 tuyến đường nêu trên cho chủ đầu tư.

Những con số 'tích cực' BCTC năm 2022

Trải qua một năm đầy biến động khó khăn với nhiều doanh nghiệp xây dựng, nhưng số liệu trên báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (DEOCA GROUP: HHV) ghi nhận nhiều chỉ số tích cực. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 4.184 tỷ, tăng 331 tỷ đồng so với cùng kỳ 2022.

Một số chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn Đèo Cả năm 2022
Một số chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn Đèo Cả năm 2022

Năm 2022, nhiều công trình trọng điểm do Tập đoàn thi công đã hoàn thành đảm bảo tiến độ và chất lượng. Tiêu biểu là hầm bao biển Quảng Ninh, cầu Tình Yêu, hầm Thung Thi và cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Các dự án khác như cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, hầm Trường Vinh, đèo Prenn tập đoàn Đèo Cả vẫn đang thi công đảm bảo tiến độ.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của Đèo Cả ổn định cho lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2022 đạt 419 tỷ, tăng nhẹ 2,2% so cùng kỳ 2022, tương ứng với mức biên lợi nhuận đạt 10%.

Tài sản dài hạn của Tập đoàn Đèo Cả có 36.042,4 tỷ đồng, chiếm phần nhiều là tài sản cố định với 28.971,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng 29,39% lên mức 707,3 tỷ đồng; Các khoản phải thu về cho vay ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp cũng tăng lên lần lượt đạt 1.312 tỷ đồng và 781,4 tỷ đồng, tương ứng tăng 51,06% và 95,85%.

Đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 2.478 tỷ đồng năm 2023

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, DEOCA GROUP đặt mục tiêu 2.478 tỷ doanh thu, 339 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 18%, 14% so cùng kỳ 2022.  Mức chia cổ tức 2023 dự kiến 50% bằng tiền hoặc cổ phiếu.

Đồng thời, HĐQT HHV đề xuất huỷ phương án chia cổ tức 2021 bằng cổ phiếu (5%) đã được thông qua tại Đại Hội đồng Cổ đông thường niên năm 2022 do thị trường chứng khoán có nhiều biến động và tiến độ thực hiện phương án bán thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ theo Nghị quyết ngày 01/01/2021 diễn ra chậm hơn dự kiến.

Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng phát biểu tại Đại hội
Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023

Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ, Tập đoàn có tờ trình về việc tăng vốn điều lệ từ hơn 3.000 tỷ lên hơn 4.800 tỷ đồng thông qua phát hành hơn 177 triệu cổ phiếu theo 3 hình thức.

Theo đó, HĐQT tập đoàn Đèo Cả đề xuất trả cổ tức 2022 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 7%, tương ứng việc phát hành hơn 21,5 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 100:7.

Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023 sau khi được Ủy ban Chứng khoán chấp thuận, nguồn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối công ty mẹ theo BCTC riêng.

Ngoài ra, tập đoàn này dự kiến phát hành hơn 82,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng 25% cổ phần lưu hành. Tỷ lệ thực hiện quyền là 4:1. Cổ phiếu chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng. Giá chào bán dự kiến sẽ do HĐQT Đèo Cả quyết định và không thấp hơn mệnh giá cổ phiếu.

Với số tiền hơn 823 tỷ thu được, Đèo Cả dự kiến dùng 108 tỷ góp vốn đầu tư vào  Tập đoàn Đèo Cả, chủ đầu tư dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả; 33 tỷ góp vốn đầu tư vào CTCP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, chủ đầu tư dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; 681 tỷ đồng bổ sung vốn cho các hoạt động của công ty.

Ngoài ra, CTCP Đầu tư Đèo Cả cũng chào bán hơn 74,1 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, tương ứng 18% cổ phần lưu hành.

Với nhà đầu tư chiến lược, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm, với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Thời gian thực hiện dự kiến từ 2023 – 2024 sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Sau đó, HĐQT Tập đoàn sẽ chọn thời gian cụ thể.

Liên tục trúng các gói thầu lớn

Một số dự án lớn Tập đoàn Đèo Cả làm trúng thầu; Ngày 26/12/2022, Ban Quản lý dự án 2 tổ chức lễ ký hợp đồng gói thầu XL1 đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục được chỉ định làm tổng thầu thi công tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn dài 88km, tổng đầu tư 20.469 tỷ. Đây là dự án quy mô lớn nhất trong 12 dự án thành phần công trình cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Tiếp nữa, Tập đoàn đứng đầu liên danh thực hiện gói thầu XL1 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong trị giá hơn 4.300 tỷ đồng. Theo kết quả chỉ định thầu, Gói thầu XL1 thi công xây dựng đoạn Km0+000 – Km30+000 cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn được trao cho Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Dacinco, do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh.

Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết giai đoạn 2023 - 2025, doanh nghiệp này tập trung hoạt động chủ đạo là thi công xây lắp, tiếp cận và tham gia đấu thầu các dự án sân bay, đường sắt và một số đường cao tốc ở nhiều địa phương khác nhau… Tổng mức đầu tư các dự án khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến tham gia khoảng 11.500 tỷ đồng giá trị hợp đồng xây lắp triển khai từ cuối năm 2023 đến năm 2025.

Cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn
Cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn (Ảnh Đèo Cả Group)

Kế hoạch doanh thu hợp nhất của Đèo Cả năm 2023 dự kiến hơn 6.700 tỷ, tăng 50% so với 2022. Với kế hoạch này, Đèo Cả Group đặt kế hoạch trả cổ tức tối đa 80% lợi nhuận sau thuế. Doanh nghiệp này cũng đã huy động vốn thành công để thực hiện dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo với tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng. Cũng trong năm 2022, Tập đoàn Đèo Cả đã trúng nhiều gói thầu tại các dự án đường ven biển Bình Định, dự án nâng cấp, mở rộng Đèo Prenn tại Lâm Đồng, dự án cầu Hải Giang…

Giai đoạn từ 2023 - 2025, Đèo Cả tập trung hoạt động chủ đạo là thi công, tiếp cận, tham gia đấu thầu các dự án sân bay, đường sắt cùng một số đường cao tốc ở nhiều địa phương… Tổng đầu tư các dự án ước tính 26.000 tỷ. Trong đó, tập đoàn Đèo Cả dự kiến tham gia khoảng 11.500 tỷ đồng giá trị hợp đồng xây lắp triển khai từ cuối 2023 đến 2025.

Bên cạnh việc tăng quy mô hoạt động thi công xây lắp, Tập đoàn cũng tích cực thúc đẩy đầu tư các dự án hạ tầng theo hình PPP, tiếp tục xúc tiến các dự án PPP đang nghiên cứu tại Cao Bằng, Lạng Sơn, Điện Biên, Lâm Đồng, TP HCM, Tiền Giang…

Chiến lược đầu tư đường sắt tốc độ cao và hệ thống metro tàu điện ngầm ở Hà Nội và thành phố HCM được xác định thực thi trong giai đoạn 2025-2030, đây là loại công trình giao thông có giá trị lớn, công nghệ cao và là một phần trong chiến lược của Tập đoàn. Để chuẩn bị nắm bắt cơ hội, Tập đoàn đã hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm từ nước ngoài như PowerChina, Sany,… phát triển nhân lực, chuẩn bị thiết bị hiện đại để thi công, chuẩn bị đủ năng lực tổ chức để đấu thầu. Ngoài ra, Đèo Cả tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu các mô hình tối ưu sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc để đảm bảo hiệu quả đầu tư, qua đó đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, cổ đông.


Tin liên quan

Tin mới