Tiếp tục rà soát, chỉnh lý quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đường cao tốc

Quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đường cao tốc sẽ sớm có hiệu lực nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để triển khai công tác thu phí như: Đầu tư xây dựng hạ tầng trạm thu phí; xây dựng mức thu phí, cơ chế quản lý phí sử dụng đường bộ...

Mới đây, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.

Cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội 6 vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật: Về phân loại đường bộ theo cấp quản lý (Điều 8); Về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 12); Về phạm vi bảo vệ trên không và phía dưới đường bộ (Điều 17); Về chi phí quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 41); Về đầu tư, xây dựng, phát triển đường cao tốc (Điều 47); Về phí sử dụng đường cao tốc (Điều 50).

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thời gian qua, Quốc hội đã có nhiều Nghị quyết cho phép thí điểm nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực đầu tư, quản lý đường bộ, đường cao tốc. Dưới sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay công tác đầu tư, quản lý đường bộ, đường cao tốc có nhiều tiến bộ.

Bày tỏ tán thành nhiều nội dung của dự thảo luật quy định về đường cao tốc, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là nội dung mới so với luật hiện hành, có nhiều vấn đề được luật hoá từ thực tiễn đầu tư, xây dựng đường cao tốc trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý kỹ nội dung này, nhất là quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đường cao tốc; Đầu tư xây dựng đường cao tốc; mở rộng đường cao tốc; Hình thức đầu tư…

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đánh giá kỹ đường cao tốc như thế nào là đạt chuẩn, như thế nào là chưa đạt chuẩn? “Sát bên mình một số nước các đồng chí thấy đường cao tốc thấp nhất mỗi bên là 4, 5 làn xe, còn đường cao tốc của mình mỗi bên 3 làn xe, có nơi 2 làn xe. Cao tốc Cần Thơ - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Trung Lương chỉ có 2 làn xe, Trung Lương - TP Hồ Chí Minh thì được 3 làn xe” – Chủ tịch Quốc hội nói. Đồng thời cho rằng, phải tính toán làn xe để thoát hiểm, bởi nếu mỗi bên hai làn xe thì khi xảy ra sự cố sẽ rất khó xử lý. Đồng thời nhắc lại, thời gian vừa qua, trên các tuyến đường cao tốc đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc.

Cho rằng “đầu tư dòng đường, dòng điện, dòng nước sẽ tạo ra dòng đời tươi sáng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đường là mắt xích quan trọng, bất cứ nước nào cũng phải nhìn vào hệ thống hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển để phát triển đất nước.

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã làm rõ về quy mô của các tuyến đường cao tốc. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, vừa qua đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc. Đồng thời thông tin: “Dự kiến các tuyến đường kết nối trực tiếp với hai thành phố lớn là Hà Nội, Hồ Chí Minh thì hiện đang quy hoạch theo hướng tối thiểu 8 làn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ bổ sung điều chỉnh quy hoạch để quy định tối thiểu 10 làn”.

Riêng tuyến TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay đang kêu gọi đầu tư theo hướng Nhà nước không phải đầu tư mà nhà đầu tư sẽ trực tiếp đầu tư.

“Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đang quy mô 8 làn xe thì sẽ đầu tư đồng bộ 8 làn xe. Còn từ Trung Lương đi Cần Thơ sẽ xây dựng theo quy mô hiện nay là 6 làn xe” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói và khẳng định Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo rất quyết liệt trong việc lựa chọn nhà đầu tư, để sớm trình chính phủ để xem xét triển khai.

 


Tin mới