Từng bước tăng dần sản phẩm hữu cơ được chứng nhận, đáp ứng yêu cầu trong nước và quốc tế

Phát triển nông nghiệp hữu cơ phải được triển khai cả về chiều rộng và chiều sâu theo hướng tăng cường áp dụng rộng rãi các biện pháp hữu cơ (phân bón hữu cơ, thuốc sinh học...) trong sản xuất nông nghiệp và từng bước tăng dần tỷ lệ sản phẩm hữu cơ được chứng nhận theo yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới.
Người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên lựa chọn sản phẩm organic (thực phẩm hữu cơ) cho bữa ăn hàng ngày
Người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên lựa chọn sản phẩm organic (thực phẩm hữu cơ) cho bữa ăn hàng ngày

Theo một báo cáo xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ của AC Nielsen, có tới 86% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên lựa chọn sản phẩm organic (thực phẩm hữu cơ) cho bữa ăn hàng ngày vì tính an toàn, giàu dinh dưỡng và hương vị. Thực tế này cho thấy, khi thu nhập và đời sống người dân ngày càng nâng cao thì người tiêu dùng dần trở thành người tiêu dùng thông minh, hướng đến lối sống xanh, lành mạnh thông qua sử dụng nông sản sạch có nguồn gốc tự nhiên và thân thiện với môi trường.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thực phẩm an toàn là xu thế tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn sản xuất nhỏ lẻ nên khâu kiểm soát chế biến sau thu hoạch vẫn còn yếu. Thông tin thị trường phát triển nhập khẩu nông sản không được cập nhật, nắm vững nên sản phẩm thường mang tính tự sản xuất, không đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu nước ngoài.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, xuất khẩu nông sản chủ yếu vẫn là các sản phẩm nông sản thô, chưa có sản phẩm nông sản mũi nhọn có giá trị gia tăng cao và thương hiệu mạnh. Do khâu chế biến, bảo quản của doanh nghiệp thu mua xuất khẩu còn chưa đảm bảo nên hàng nông sản Việt Nam thường có giá trị thấp, khả năng cạnh tranh về mẫu mã, chất lượng kém, vẫn có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa chính doanh nghiệp Việt, dẫn tới việc phải chịu hình phạt từ các nước nhập khẩu.

Vì vậy để sử dụng, tiêu dùng nông sản sạch được phát triển bền vững, hướng tới một cộng đồng khỏe mạnh, cần phải có những giải pháp căn cơ. Trong đó, về mặt chính sách, ông Tiến cho rằng, từ vấn đề quản lý các sản phẩm nông sản sạch đến hệ thống giám sát cần hình thành được chuỗi để đưa các sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng. Các đơn vị sản xuất cũng cần đáp ứng được tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng, không chỉ có những sản phẩm an toàn, còn theo hướng thân thiện và bền vững về mặt môi trường.

Liên quan đến vấn đề trên, ngày 23/6/2020, Chính phủ đã có Quyết định số 885/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 3030. Quan điểm của Đề án là phát triển nông nghiệp hữu cơ phải được triển khai cả về chiều rộng và chiều sâu theo hướng: tăng cường áp dụng rộng rãi các biện pháp hữu cơ (phân bón hữu cơ, thuốc sinh học...) trong sản xuất nông nghiệp và từng bước tăng dần tỷ lệ sản phẩm hữu cơ được chứng nhận theo yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới.

Ngoài ra, mục tiêu của Đề án là phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và trên thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.


Tin liên quan

Tin mới