Vì sao cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bị hạn chế giao dịch?

Sở GDCK TP.HCM vừa có thông báo về việc chuyển cổ phiếu HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch.

Theo đó, cổ phiếu HBC chỉ được giao dịch trong phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận kể từ ngày 23/05/2023. 

Nguyên nhân là do Công ty chậm nộp BCTC năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với quy định. Đồng thời, cổ phiếu HBC tiếp tục bị giữ ở diện kiểm soát do chậm nộp BCTC năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp (2021 và 2022).

Trong văn bản gửi HoSE cách đây một tuần, HBC cho biết lý do chậm nộp do tình hình kinh doanh khó khăn, chưa kể Công ty xảy ra tranh chấp nội bộ khiến chưa thể nộp BCTC kiểm toán đúng hạn. 

Về hướng giải quyết, HBC cho biết sẽ công bố thông tin BCTC kiểm toán 2022 chậm nhất vào ngày 30/05/2023. Đồng thời, Công ty sẽ công bố Báo cáo thường niên 2022 theo quy định.

Ngoài ra, HBC khẳng định trong năm 2024, Công ty sẽ nghiêm chỉnh chấp hành quy định về việc công bố BCTC 2023 đúng thời hạn.

Theo báo cáo tự lập, năm 2022, HBC ghi nhận doanh thu thuần đạt 14.122 tỷ đồng, tăng 24,4% so với năm 2021, song lợi nhuận sau thuế âm đến 1.140 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa phân phối bị xóa sạch và chuyển sang lỗ lũy kế 688,5 tỷ đồng.

Quý 1/2023, Hòa Bình ghi nhận doanh thu 1.194 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức thấp nhất kể từ quý 2/2015. Công ty tiếp tục báo lỗ thêm 445 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên trên 1.100 tỷ đồng. 

Tại thời điểm 31/03/2023, tổng tài sản của Hòa Bình đạt gần 15.700 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm, giảm hơn 1.200 tỷ so với đầu năm. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất tổng tài sản là phải thu ngắn hạn cũng giảm ở mức tương tự, về mức hơn 11.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền và các khoản tương đương tiền Công ty nắm giữ chỉ còn hơn 208 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nợ phải trả 13.503 tỷ đồng, vay nợ tài chính ngắn và dài hạn giảm đáng kể xuống 5.527 tỷ đồng, tương ứng chiếm 35% tổng nguồn vốn, trong đó áp lực đè nặng lên công ty khi chủ yếu là khoản vay ngắn hạn. Các chủ nợ lớn nhất của Xây dựng Hoà Bình chính là BIDV, VietinBank, VPBank, MSB, MBB, NCB, ABBank... Trong đó có hơn 700 tỷ đồng là vay trái phiếu đến hạn vào năm 2025 và 2026.

Dòng tiền thuần của HBC tiếp tục âm 285 tỷ đồng, chủ yếu do lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 604 tỷ đồng do trả nợ gốc vay.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HBC mất hơn 1 nửa giá trị trong vòng 1 năm trở lại đây. Đáng chú ý, ghi nhận lúc 14h15p phiên giao dịch ngày 17/5, giá cổ phiếu giảm hơn 5% xuống còn khoảng 8.700 đồng/cp, thanh khoản tăng mạnh lên hơn 12 triệu cổ phiếu.


Tin liên quan

Tin mới