Vì sao thu ngân sách nhà nước tháng 8/2023 giảm mạnh?

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước thực hiện tháng 8 ước đạt 88,1 nghìn tỷ đồng, bằng 5,4% dự toán, bằng 59,5% (giảm 60 nghìn tỷ đồng) mức thu bình quân 7 tháng đầu năm.
 Thu ngân sách nhà nước thực hiện tháng 8/2023 ước đạt 88,1 nghìn tỷ đồng.
 Thu ngân sách nhà nước thực hiện tháng 8/2023 ước đạt 88,1 nghìn tỷ đồng. 

Trong đó, thu nội địa ước đạt 71,8 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 50,9 nghìn tỷ đồng so với mức thu bình quân 7 tháng; thu từ dầu thô ước đạt 4,4 tỷ đồng; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 11,8 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 27 nghìn tỷ đồng, bằng 88,8% mức thu bình quân 7 tháng đầu năm.

Về số thu nội địa đạt thấp nguyên nhân được cho là do tăng trưởng kinh tế đến nay vẫn thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm mạnh. Đồng thời, thị trường bất động sản chậm phục hồi, thị trường xuất nhập khẩu khó khăn. Mặt khác, ngành tài chính triển khai hàng loạt chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất mới ban hành làm giảm thu ngân sách. 

Về số thu trên địa bàn, ước tính có 27/63 địa phương thực hiện thu nội địa 8 tháng đạt trên 68% dự toán. Tuy nhiên, đáng quan ngại chỉ có 9/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ; trong khi có tới 54 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước tháng 8/2023 ước đạt 139 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 8 tháng đạt khoảng 1.081,2 nghìn tỷ đồng, bằng 52,1% dự toán, tăng 13% cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 297,7 nghìn tỷ đồng, bằng 41% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 42,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 40,3% cùng kỳ, tương ứng tăng khoảng 85,4 nghìn tỷ đồng. Chi trả nợ lãi ước đạt khoảng 65,9 nghìn tỷ đồng, bằng 64,1% dự toán. Còn chi thường xuyên ước đạt 715,9 nghìn tỷ đồng, bằng 61,1% dự toán, tăng 5,7%.

Theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách trong 8 tháng được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước.

Đồng thời, ngân sách chủ động nguồn thực hiện tăng lương tối thiểu (từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước và tăng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng thuộc ngân sách nhà nước đảm bảo từ 1/7/2023...

Về cân đối ngân sách nhà nước, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 24/8/2023 phát hành 227,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,42 năm, lãi suất bình quân 3,45%/năm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trong thời gian tới tình hình có nhiều khó khăn, thách thức, bởi vậy, toàn ngành tài chính trong đó có ngành thuế cần tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp quản lý thu thuế, tập trung thu đúng, thu đủ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước những tháng cuối năm 2023.


Tin liên quan

Tin mới