Xuất, nhập khẩu hàng hoá có tín hiệu tích cực sau nhiều tháng suy giảm

Tháng 9/2023, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận xu hướng tích cực sau nhiều tháng từ đầu năm liên tiếp giảm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 9 ước đạt 60,53 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước tính tăng 4,6%, nhập khẩu ước tính tăng 2,6%.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2023 ước đạt 31,41 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2023 ước đạt 31,41 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cho biết về xuất khẩu, trong 9 tháng năm 2023, tuy rằng kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng, tháng sau cao hơn tháng trước, nhưng có đến 7 tháng kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước. Số ngày làm việc của tháng 2/2023 nhiều hơn tháng 2/2022 (Tết Nguyên đán Nhâm Dần rơi vào tháng 2/2022) nên kim ngạch tháng 2/2023 tăng so với cùng kỳ năm trước, còn lại các tháng đều giảm. Đến tháng 9 năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đã quay trở lại tăng trưởng dương.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2023 ước đạt 31,41 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,3 tỷ USD, tăng 17,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,11 tỷ USD, tăng 0,5%.

Trong tháng 9, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu mà Việt Nam có lợi thế so sánh vẫn đạt mức tăng khá cao: Rau quả tăng 160%; gạo tăng 80,4% (lượng tăng 37,8%); sắn và các sản phẩm của sắn tăng 41,8% (lượng tăng 34,2%); hạt điều tăng 39,6% (lượng tăng 56%); hạt tiêu tăng 22,7% (lượng tăng 37,6%). Bên cạnh đó, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực cũng tăng trưởng dương trong tháng 9/2023: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,3 tỷ USD, tăng 1,1%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 5,2 tỷ USS, tăng 3%; hàng dệt may đạt 3 tỷ USD, tăng 9,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 6,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,2 tỷ USD, tăng 24,1%.

Tuy nhiên, tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 68,86 tỷ USD, giảm 5,7%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 190,81 tỷ USD, giảm 9,1%, chiếm 73,5%.

Trong 9 tháng năm 2023 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,2%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 9 tháng năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 3,21 tỷ USD, chiếm 1,2%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 229,22 tỷ USD, chiếm 88,3%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 20,6 tỷ USD, chiếm 7,9%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 6,64 tỷ USD, chiếm 2,6%.

Sau 8 tháng liên tiếp từ đầu năm đều giảm sâu, tín hiệu tích cực trong tháng 9/2023 cũng đến từ nhập khẩu hàng hóa khi kim ngạch nhập khẩu ước đạt 29,12 tỷ USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,37 tỷ USD, tăng 7%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 18,75 tỷ USD, tăng 0,3%.

Trong tháng 9 năm 2023, nhiều mặt hàng nhập khẩu có giá trị kim ngạch cao ước tính tăng so với cùng kỳ năm trước: Hạt điều ước tính tăng 92,1%; quặng và khoáng sản tăng 62,3%; than đá tăng 49,9%; tân dược tăng 45,3%; sắt thép tăng 38,8%; dây điện và cáp điện tăng 34,3%; thủy sản tăng 15,9%; sản phẩm chất dẻo tăng 11,4%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu, gỗ và sản phẩm gỗ, hóa chất cùng tăng 9,3%. Trong đó, đáng chú ý là 2 mặt hàng quan trọng và có giá trị kim ngạch nhập khẩu lớn nhất đều tăng: Điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng 31,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 3,8 tỷ USD, tăng 2%.

Xét theo quý cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng của cả xuất khẩu và nhập khẩu đều có xu hướng tích cực. Trong đó về xuất khẩu, quý II tăng 8,1% so với quý I; quý III tăng 10,3% so với quý II. Về nhập khẩu, quý II tăng 4% so với quý I; quý III tăng 11% so với quý II.

Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 237,99 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 85,12 tỷ USD, giảm 11,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 152,87 tỷ USD, giảm 14,9%.

Trong 9 tháng năm 2023 có 37 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,7% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 39,3%).

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 9 tháng năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 223,08 tỷ USD, chiếm 93,7%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 45,5%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48,3%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 14,91 tỷ USD, chiếm 6,3%.

Về thị trường, trong 9 tháng năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 70,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 79,1 tỷ USD. xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 60,7 tỷ USD giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu sang EU ước đạt 21,6 tỷ USD, giảm 10,7%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,3 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 4,5 triệu USD); nhập siêu từ Trung Quốc 36,9 tỷ USD, giảm 26,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 20,7 tỷ USD, giảm 29,7%; nhập siêu từ ASEAN 5,7 tỷ USD, giảm 39,6%.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9/2023 ước tính xuất siêu 2,29 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 6,9 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 16,26 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 37,94 tỷ USD. Từ những tín hiệu tích cực của xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa, có thể kỳ vọng nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn, từ đó tạo đà cho xuất khẩu của Việt Nam đạt tăng trưởng khá trong những tháng cuối năm.

Trong bối cảnh sự bất ổn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao, tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới khi nước ta là nền kinh tế có độ mở lớn, đồng thời xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét trong việc đa dạng hóa nguồn cung của các thị trường xuất khẩu của Việt Nam…, trong thời gian tới, chúng ta sẽ phải thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển thị trường xuất khẩu, cụ thể:

Cần tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR…) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, trong đó đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng rau quả của Việt Nam. Đồng thời nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường.


Tin liên quan

Tin mới