Cẩn trọng khi đầu tư đất rừng

Hiện nay, trong giới đầu tư bất động sản thì có một số bộ phận nhà đầu tư lựa chọn đổ tiền vào đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc đầu tư này tiềm ẩn nhiều rủi ro cần đặc biệt lưu ý.

Rầm rộ rao bán đất rừng

Trên nhiều trang mua bán đất và nhóm mạng xã hội Facebook xuất hiện hàng loạt thông tin rao bán đất rừng ở nhiều địa phương: Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lâm Đồng… Trong đó, giá đất rừng hiện nay khá rẻ khiến nhiều nhà đầu tư gom đất.

Chẳng hạn 6 ha đất rừng sản xuất ở Yên Sơn (Tuyên Quang) được rao bán mức giá 110 triệu đồng/ha (10.000m2). Với mức giá rao bán này, mỗi mét đất rừng sản xuất chỉ có giá 11.000 đồng.

Đất rừng sản xuất nhiều nơi rao bán giá rẻ.
Đất rừng sản xuất nhiều nơi rao bán giá rẻ.

Tại Hòa Bình, nhiều lô đất rừng ở các huyện như Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Thủy… cũng được rao bán rầm rộ. Chẳng hạn, 1,3ha đất rừng sản xuất ở Tân Lạc đang được rao bán giá 250 triệu đồng. Người bán không quên giới thiệu thêm lợi thế của mảnh đất khi có suối chạy quanh, gần đường quốc lộ 12B.

Thị trường mua bán đất rừng có nhiều rủi ro

Việc rao bán đất rừng trái phép đã được ghi nhận tại rất nhiều địa phương. Một ví dụ là vào năm 2021, UBND xã Triệu Ái (Triệu Phong, Quảng Trị) bất ngờ xẻ 3/5ha diện tích đất rừng thành 123 lô đất, mỗi lô có diện tích từ 270 - 300m2 để bán cho người dân. Số diện tích này kéo dài hơn 1km mặt tiền tỉnh lộ 579. Sự việc vỡ lở khi bị Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị "tuýt còi" vì đất này là đất rừng sản xuất, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng…

Dù mới chỉ được cấp đất, nhiều doanh nghiệp đã đăng tin rao bán đất tràn lan trên mạng xã hội, kèm những cam kết về chuyển đổi đất rừng sang đất thổ cư. Nhiều nhà đầu tư vội vàng xuống tiền có rủi ro bị chôn vốn tại những lô đất này, những mảnh đất này cũng rất khó giao dịch sang nhượng nên việc bị mắc kẹt vốn là khó tránh khỏi.

Trước các vấn đề nóng gây nhiều hệ lụy, giữa tháng 6/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát và báo cáo kết quả thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các dự án.

Có thể thấy, hiện tượng "xẻ rừng già xây biệt thự", rao bán đất rừng làm khu du lịch nghỉ dưỡng… và những vi phạm pháp luật về đất đai có thể xảy ra nhiều hơn nữa nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước và sự điều chỉnh của Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp trong thời gian tới.

Mua bán đất rừng sản xuất cần đặc biệt chú ý

Đất rừng sản xuất có bị hạn chế mua bán hay không và khi mua cần lưu ý những gì để tránh rủi ro?

Hiện nay một số đất có hạn chế về mặt mua bán, chuyển nhượng như đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Còn đất rừng sản xuất phục vụ mục đích kinh tế không bị hạn chế chuyển nhượng. Cá nhân nào có năng lực, mong muốn làm kinh tế từ việc trồng rừng đều có quyền mua bán, chuyển nhượng đất rừng sản xuất.

Đất rừng sản xuất không bị hạn chế chuyển nhượng nhưng người mua cần chú ý nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng trên đất rừng sản xuất.
Đất rừng sản xuất không bị hạn chế chuyển nhượng nhưng người mua cần chú ý nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng trên đất rừng sản xuất.

Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng sản xuất cũng tương đương như các loại đất kinh doanh thương mại, đất thương mại dịch vụ hay đất ở. Tức là phải đáp ứng các điều kiện chung trong Luật Đất đai; phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, đất không bị cầm cố, không bị kê biên, không bị phát mại; đất không có tranh chấp, sử dụng ổn định lâu dài. Khi mua bán công chứng, chứng thực và phải đăng ký với Nhà nước.

Tuy nhiên, người mua cần lưu ý, đất rừng sản xuất tuyệt đối nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng trên đất. Hiện có rất nhiều lời chào hàng đất bằng những lời có cánh như: “Mua đất rừng sản xuất rồi xây dựng homestay, farmstay để vừa để ở, nghỉ dưỡng lại lại kết hợp kinh doanh”, đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Việc xây dựng trên đất rừng bắt buộc phải được cơ quan Nhà nước cho phép, phải được chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên, đất rừng lại “mọc” nhà trên đó là không phù hợp quy hoạch nên rất khó chuyển đổi”. Do đó, doanh nghiệp nào quảng cáo là mua đất rừng hay đất nông nghiệp chờ chuyển đổi là lừa đảo, người mua cần hết sức cảnh giác…

Nếu mong muốn bỏ ra vài trăm triệu mua được 1 ha đất rừng, có thể vừa trồng cây làm kinh tế, vừa xây được căn nhà trên đó để ở, đây là suy nghĩ sai lầm, điều này sẽ dẫn đến các vi phạm pháp luật, dính rủi ro pháp lý không đáng có. Thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn thực hiện việc xây dựng.

Thực chất, đa số nhà đầu tư xuống tiền với đất nông nghiệp, lâm nghiệp giá rẻ là vì tin vào cơ hội chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà các công ty môi giới vẽ ra.

“Một lô đất rừng chỉ vài chục ngàn một m2 nếu được chuyển đổi thành đất thổ cư thì giá trị sẽ tăng lên nhiều lần”. Đây chỉ là một lời quảng cáo của các “cò đất”, một chiêu bài dụ dỗ người mua, bởi để được chuyển đổi sang đất ở đòi hỏi rất nhiều điều kiện, nhiều thủ tục pháp lý.

Qua đây, mong rằng những nhà đầu tư đã biết có nên mua đất rừng sản xuất không cũng như những thắc mắc liên quan tới đất rừng sản xuất.

 


Tin liên quan

Tin mới