Đặc sản mật ong rừng Tây Bắc rất hiếm, cần tỉnh táo khi lựa chọn sản phẩm bán tràn lan

Mật ong rừng là đặc sản quý hiếm mà thiên nhiên nơi núi rừng ban tặng, tuy nhiên hiện nay mật ong rừng kém chất lượng đang bán tràn lan trên thị trường.

Mật ong rừng rất hiếm nên tỉnh táo khi mua

Những vùng đất xa xôi của Tây Bắc như Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên là những địa bàn có mật độ núi rừng lớn, đó cũng là môi trường cho loài ong rừng phát triển. Đây cũng là những vùng đất nổi tiếng về đặc sản mật ong rừng.

Theo lời kể của các thợ ong thì ong rừng làm tổ rất to, có khi bằng cả cái đấu đựng thóc và bám chặt vào thân cây to hoặc cây dây leo. Từ dưới nhìn lên, tổ ong được xây theo hình khum khum, màu nâu sẫm và để lộ hẳn ra ngoài tán lá. Mùa đi lấy mật ong rừng là mùa rộn rã nhất của thợ ong miền Tây Bắc. Vào thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3 đến tháng 6 dương lịch là thời gian lý tưởng nhất để người vùng cao đi lấy mật ong rừng.

Anh Đỗ Văn Đông, một người chuyên bán mật ong rừng ở Tam Đường, tỉnh Lai Châu chia sẻ: “Mật ong rừng là đặc sản quý hiếm nên việc tìm và khai thác rất khó khăn, vất vả. Phải đi lên núi cao, rừng sâu một hai ngày mới có thể tìm kiếm được loại mật này. Có người phải theo dõi con ong mấy ngày mới tìm thấy tổ. Khi tìm được, nếu bảo quản không tốt, mật ong sẽ nhanh chóng bị chuyển hóa, mất đi giá trị ban đầu. Người khai thác mật ong cũng cần lưu ý để lại một phần tổ để ong tiếp tục sinh trưởng và phát triển”.

Mật ong rừng Tây Bắc đang được bán rất nhiều, cần thận trọng khi mua. Ảnh minh họa
Mật ong rừng Tây Bắc đang được bán rất nhiều, cần thận trọng khi mua. 

Tuy nhiên nếu chỉ căn cứ vào lời chào hàng của người bán thì rất dễ mua phải mật ong không nguyên chất. Bên cạnh đó, việc đặt mua mật ong rừng tại cửa hàng trên mạng với những lời giới thiệu, mời chào hấp dẫn, người dân cần tìm hiểu, lựa chọn địa chỉ uy tín để đặt mua. Cần xác định, mật ong rừng hiện nay rất hiếm, phải đặt hàng tại địa chỉ tin cậy mới có thể mua được. Nếu bày bán tràn lan tại các phiên chợ hay cửa hàng thì cần xem xét kỹ lưỡng về chất lượng của sản phẩm.

Mật ong rừng làm giả có nhiều cách, nhưng nhiều nhất vẫn là nấu đường và phèn chua cùng hương liệu trộn thêm vài con ong đã khô cong queo vào trong là ra mật ong rừng. Để thêm độ tin cậy, mật đường nấu cùng hương liệu được đổ vào trong những tổ ong đã vắt sạch mật. Những sáp ong khô, không còn mật được “biến hóa” thành những tổ ong chứa đầy bọng mật. 

Theo hướng dẫn của những chủ trang trại nuôi ong, mật ong rừng có màu vàng tươi hoặc có thời điểm vàng sẫm hay hơi đen vì lẫn nhiều sáp ong và nhộng ong già. Khi ăn, mật ong rừng có mùi thơm nồng, vị ngọt mát, thơm tự nhiên chứ không ngọt gắt và không đặc sánh như ong nuôi. Khi lấy từ rừng về, mật ong rừng không để được lâu do lẫn nhiều tạp chất như sáp, nhộng ong, phấn hoa, chỉ khoảng 5-6 tháng. Nếu để quá lâu, mật sẽ bị lên men, chua và mất đi nhiều tác dụng cũng như vị thơm.

Khai thác nhiều mật ong rừng có thể ảnh hưởng tới môi trường

Hiện nay, việc tìm và khai thác quá mức mật ong rừng đã dẫn đến tình trạng cạn kiệt, kìm hãm sự sinh trưởng và phát triển của đàn ong trong tự nhiên. Từ đó, ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường. Theo nghiên cứu thực tế, ong rừng có vai trò rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến mùa vụ của hoa màu vì ong có tác động tích cực, hiệu quả đến quá trình thụ phấn của hoa, góp phần làm nên những mùa màng bội thu.

Nhiều người đã vì lợi nhuận từ tự nhiên mà bất chấp các hình thức khai thác tổ ong rừng tại những khu vực rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ như chặt những cây to để lấy tổ ong trong hốc cây hoặc đốt lửa xua đuổi đàn ong dẫn đến nguy cơ cháy rừng.

Vì vậy, các địa phương, lực lượng kiểm lâm cần xây dựng quy định để phổ biến, khuyến cáo đến người dân về việc khai thác ong rừng. Đồng thời, khuyến khích người dân lập những mô hình nuôi ong tại trang trại, vườn đồi của gia đình theo kiểu bán tự nhiên để sản xuất các sản phẩm mật ong nguyên chất, đáp ứng nhu cầu của thị trường gần xa, mang lại thu nhập chính đáng cho gia đình. Các địa phương cần cảnh báo những nguy hiểm đối với người dân khi tham gia khai thác mật ong rừng để phòng tránh tai nạn nguy hiểm đến tính mạng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lương Cao Thế, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai cho rằng: “Mật ong rừng là sản phẩm tự nhiên quý giá thật nhưng không vì thế mà người dân bỏ qua những khuyến cáo, bất chấp nguy hiểm để tận diệt nguồn ong tự nhiên. Nếu khai thác vô tội vạ sẽ đồng nghĩa với việc tàn phá môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của con người”.

Để thương hiệu mật ong rừng Tây Bắc luôn hấp dẫn người tiêu dùng và là nguồn đặc sản tự nhiên vô tận của núi rừng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ rừng tự nhiên, từ đó bảo vệ môi trường sống của loài ong rừng nói riêng và các loài động vật nói chung. Các hộ dân cần tích cực nuôi ong theo mô hình trang trại gắn với rừng tự nhiên để tạo sản phẩm mật ong chất lượng. Đồng thời, các lực lượng chức năng cần kiểm soát, xử lý việc bày bán tràn lan những sản phẩm mang thương hiệu mật ong rừng để đánh lừa người tiêu dùng.

Những loại mật ong thường bị làm giả nhiều nhất hiện nay

Mật ong là loại thực phẩm cực kì tốt cho sức khỏe. Trên thị trường đang có rất nhiều loại mật ong nhưng có bốn loại mật ong giả bán tràn lan có thể người tiêu dùng không biết. Dưới đây là những loại mật ong thường làm giả nhiều nhất.

Mật hoa thuốc phiện

Trước tiên hoa thuốc phiện là loại hoa chỉ cho phấn. Loài hoa này rất hạn chế cho mật. Với diện tích rộng cả vài hecta mới đủ lượng mật và phấn cho một đàn ong. Quan trọng nhất là pháp luật Việt Nam cấm việc trồng, tàng trữ, vận chuyển cây thuốc phiện (anh túc) nên việc trồng ở Việt Nam là vi phạm pháp luật. 

Thực tế ở những vùng núi cao giáp biên vẫn có rải rác người trồng hoa anh túc, nhưng mục đích của họ không phải để làm nguồn cung cấp cho ong mà để buôn bán. Vì thế nên mật hoa anh túc là không có, nếu có cũng không đáng kể, hoặc giá rất đắt vì người nuôi ong lấy mật hoa anh túc là vi phạm pháp luật. Hiện trên thị trường người ta vẫn rỉ tai nhau về công dụng tuyệt vời của loài mật ong hoa anh túc nhưng thực tế là không có mật hoa anh túc. Nếu có chỉ là phần rất nhỏ, cũng không thể sản xuất đại trà, không bán tràn lan như hiện nay.

Mật trắng Mù Cang Chải

Đây hoàn toàn là loại mật được bịa đặt để móc túi người dùng. Những lời quảng cáo như ở Mù Cang Chải có một loại cây nở hoa trắng vào tháng 11. Cây này gọi là cây chân chim. Ong hút mật hoa này người dùng sẽ chữa được nhiều bệnh thần kì. Nhưng thực ra quanh Mù Cang Chải địa hình đồi núi, phần nhiều là thông và cây bụi, nhiều người dân còn không biết tới loài hoa này.

Mật hoa bạc hà

Mật bạc hà là đặc sản của vùng cao nguyên đá Hà Giang. Hoa thường nở vào mùa đông, mật bạc hà có mùi thơm như hoa, lá cây bạc hà. Mật bạc hà thường có màu vàng trông rất bắt mắt tuy nhiên vì lợi nhuận nên người bán thường làm giả. Và mật giả bạc hà thường có màu xanh lè, xanh nõn chuối người mua nên cẩn thận với loại mật này.

Mật ong đắng

Mật loài hoa này thương có vị đắng ngọt, rất thơm, ong hút hoa thường là ong mật. Ong này sống trong các hốc cây, khe đá. Mật có màu vàng hoặc nâu đậm, sánh và đặc. Tuy nhiên sản lượng mật ong đắng tương đối ít.

Vào mùa khai thác cả một vùng chỉ có vài ba tổ ong sản ra loại mật đắng này. Người ta cũng đồn thổi về công dụng thần kì của loài mật đắng này. Để chứng minh thậm chí có người còn nói vị đắng xuất phát từ hoa thuốc phiện. Nhưng người dùng thường lạc vào ma trận mật đắng. Vị mật vẫn đắng nhưng có những chai mật đen như dầu nhớt, không biết là chứa chất gì. Chính vì vậy rất nhiều người đã bị lừa với thứ mật đắng này.


Tin liên quan

Tin mới