Giải pháp nào xử lý rác thải nhựa ở nước ta?

Hiện nay rác thải nhựa đang là một vấn đề gây nhức nhối toàn cầu. Bên cạnh việc gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống, rác thải nhựa đã và đang đe dọa rất lớn đến hệ sinh thái bao gồm cả con người và động thực vật.

Sự nguy hại của rác thải nhựa với con người và môi trường sống

Rác thải nhựa tồn tại dưới các dạng vật thể như: Ống hút, vỏ chai, bao nilon... là các vật dụng được tổng hợp từ chất hóa học hữu cơ (như nhựa PE). Hiện tượng ô nhiễm trắng gây ra bởi rác thải nhựa bắt nguồn từ việc xả rác nhựa ra môi trường. Khái niệm “ô nhiễm trắng” có lẽ còn khá xa lạ với nhiều người, tuy nhiên đây là cụm từ được các nhà khoa học dùng để gọi tên loại ô nhiễm do túi nilon gây ra cho môi trường.

Rác thải nhựa không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến không khí và môi trường: Khi đốt, rác thải nhựa sẽ sinh ra chất độc đi-ô-xin, furan gây ô nhiễm không khí, gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, gây ung thư , làm giảm khả năng miễn dịch…

rác thải nhựa

Khi chôn lấp, rác thải nhựa sẽ làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí oxy đi qua đất, gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng. Hơn nữa, nó có thể làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra cái chết của các vi sinh vật có lợi cho cây dưới lòng đất.

Để phân hủy được rác thải nhựa có thể kéo dài từ hàng trăm đến hàng nghìn năm. Chính vì thế, khi tích tụ quá nhiều sẽ gây ra hiện tượng ô nhiễm trắng ảnh hưởng rất lớn đến hàng nghìn sinh vật sống. Trong đó, bao gồm các loài động vật, vi sinh vật và cả loài người chúng ta.

Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ nhựa cao hàng đầu thế giới

Theo ước tính chưa đầy đủ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rác thải nhựa chiếm tỷ trọng khoảng 5 - 10% trong rác thải sinh hoạt. Ở Việt Nam, tính trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nylon. Trung bình, mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng một kg túi nylon mỗi tháng. Hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.

Báo cáo của Hiệp hội nhựa Việt Nam cho biết vào năm 2015, Việt Nam đã sản xuất và tiêu thụ đến 5 triệu tấn nhựa. Con số tiêu thụ này đã tăng rất mạnh trong giai đoạn 1990 – 2018, nếu như năm 1990, mỗi người Việt Nam tiêu thụ 3,8 kg nhựa/năm thì đến năm 2018 con số này đã lên đến 41,3 kg nhựa/năm.

Như vậy có thể thấy, Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có lượng tiêu thụ nhựa trong cuộc sống hằng ngày cao hàng đầu thế giới.

Việc xử lý rác thải nhựa ở Việt Nam còn nhiều yếu kém

Việc xử lý, tái chế rác thải nhựa ở Việt Nam cũng còn nhiều yếu kém, lạc hậu khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế (Theo ông Đặng Huy Đông – Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Trong khi việc xử lý theo cách chôn, lấp, đốt có rất nhiều nhược điểm, gây hại cho môi trường, con người.

Lĩnh vực xử lý và tái chế chất thải nhựa ở Việt Nam chưa phát triển, quy mô vẫn nhỏ lẻ, diễn ra chủ yếu ở một số doanh nghiệp nhỏ. Những đơn vị này có vốn đầu tư hạn chế, công nghệ lỗi thời, thiếu kế hoạch… nên hiệu quả chưa cao. Cùng với đó, người dân thiếu ý thức trong việc phân loại rác thải ngay tại nguồn gây nhiều khó khăn cho phân loại, xử lý và tái chế.

Một số tín hiệu tích cực

Ở nước ta đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức kêu gọi và hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa bằng rất nhiều cách như:

Đẩy mạnh khâu tuyên truyền và thuyết phục người dân hạn chế dùng đồ nhựa, đặc biệt là đồ nhựa một lần.  Khuyến khích sử dụng đồ dùng nhiều lần, đồ có nguồn gốc thiên nhiên như tre, sậy, lá chuối thay thế cho đồ nhựa Kêu gọi người dân vất rác đúng nơi quy định, chủ động phân loại rác ngay từ nguồn. Phát động phong trào kêu gọi người dân chung tay dọn rác…

rác thải nhựa
Các siêu thị Mega Market đang sử dụng thùng carton để đựng hàng hoá cho khách hàng thay vì bao nilon

Trong những năm qua, Việt Nam đã và đang thực thi nhiều cơ chế, chính sách, đề án để giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, điển hình như Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đã sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho nhựa… Ví dụ như sản phẩm sữa hộp uống liền Milo hiện nay đã sử dụng ống hút giấy cứng thay vì ống hút nhựa, các siêu thị Mega Market cũng dùng thùng carton để đựng hàng hoá cho khách hàng, hay ngày nay người ta đã sản xuất hàng loạt túi giấy thay vì túi nilon như trước…

Giải pháp nào chống ô nhiễm rác thải nhựa?

Các cơ quan cần tiếp tục xây dựng và ban hành quy định, quy chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nghiệp tái chế; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến để tái chế chất thải nhựa trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa và thực hiện thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn.

Đối với các tỉnh/thành phố, cần có ít nhất 1 mô hình cụ thể về “Chống ô nhiễm nhựa” hiệu quả tại địa phương. Ra quân dọn, xử lý rác thải nhựa tại các điểm đen và ô nhiễm như ở sông, hồ, bờ biển. Đồng thời, phát hiện, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân và cộng đồng, doanh nghiệp có thành tích, sáng kiến tiêu biểu trong hoạt động bảo vệ môi trường.

rác thải nhựa
Cần thường xuyên ra quân dọn, xử lý rác thải nhựa tại các điểm đen và ô nhiễm như ở sông, hồ, bờ biển.

Mỗi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các hành động cụ thể, thiết thực. Thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường.

Lên án kịp thời những hành vi gây xâm hại đến tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng. Cùng chung tay hành động ngay hôm nay để bảo vệ thiên nhiên, phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ môi trường sống, hãy giữ lại một màu xanh bền vững cho Trái Đất và cho những thế hệ con em chúng ta!


Tin liên quan

Tin mới