Lãnh đạo EVNFinance (EVF) đồng loạt gom vào cổ phiếu công ty

Kết thúc quý I/2023, EVF ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm 27% so với cùng kỳ, còn hơn 106 tỷ đồng, trong bối cảnh dư nợ cho vay khách hàng giảm 8% và chi phí vốn tăng mạnh.

Trước thềm Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance, HOSE: EVF) sắp chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, 2 lãnh đạo EVF đăng ký mua tổng cộng 2,8 triệu cổ phiếu trong thời gian từ 19/05-17/06 nhằm mục đích tăng tỷ lệ sở hữu.

Lãnh đạo EVNFinance mua cổ phiếu công ty

Hiện, ông Phạm Trung Kiên - Chủ tịch HĐQT EVF và ông Mai Danh Hiền - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc, người được ủy quyền công bố thông tin, người phụ trách quản trị EVF - không sở hữu bất kỳ cổ phiếu EVF nào.

Nếu Chủ tịch Phạm Trung Kiên mua thành công 1,5 triệu cổ phiếu EVF và Phó Tổng Giám đốc Mai Danh Hiền mua được 1,3 triệu cổ phiếu như đăng ký, 2 vị lãnh đạo này sẽ trở thành cổ đông nội bộ của Công ty với tỷ lệ sở hữu lần lượt 0,43% và 0,37% vốn.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu EVF đang được giao dịch ở mức 8.260 đồng/cp (phiên 17/05), hồi phục 12% so với đáy gần nhất (phiên 24/03). Chiếu theo mức giá này, ước tính Chủ tịch và Phó Tổng Giám đốc EVF cần chi hơn 12 tỷ đồng và gần 11 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch.

Đáng chú ý, mới đây, HĐQT EVF đã thông qua triển khai phương án tăng vốn điều lệ từ chào bán 351,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Giá chào bán là 11.000 đồng/cp, cao hơn 33% so với thị giá hiện tại. Thời gian chào bán dự kiến trong quý II-III/2023.

Tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng gần 3,862 tỷ đồng, được EVF dùng để tăng trưởng quy mô dịch vụ tài chính có ứng dụng công nghệ trong quá trình cung cấp dịch vụ, thông qua việc cấp tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp, cá nhân và đầu tư tài chính theo hình thức mua cổ phiếu, tăng trưởng quy mô dịch vụ tài chính cho ngành năng lượng thông qua cấp tín dụng cho các khách hàng doanh nghiệp, đầu tư tài chính theo hình thức mua cổ phần trong lĩnh vực năng lượng.

Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý I/2023, EVF ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm 27% so với cùng kỳ, còn hơn 106 tỷ đồng, trong bối cảnh dư nợ cho vay khách hàng giảm 8% và chi phí vốn tăng mạnh.

Cụ thể, EVF ghi nhận thu nhập lãi thuần giảm đến 70%, từ gần 269 tỷ đồng xuống còn hơn 80 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng 22% so với cùng kỳ, đạt gần 866 tỷ đồng, nhưng chi phí lãi và các chi phí tương tự tăng đến 79%, lên hơn 785 tỷ đồng, khiến thu nhập lãi thuần teo tóp.

Năm 2023, EVF đặt mục tiêu đạt 560 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 23% so với thực hiện năm 2022. Như vậy, Công ty tài chính đã thực hiện được 19% kế hoạch sau quý I.

Còn trong năm 2022, EVF ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 455,3 tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2021 và hoàn thành vượt mức kế hoạch Đại hội Đồng cổ đông đề ra.

Cụ thể, trong năm 2022 vừa qua, EVF ghi nhận tổng thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự đạt 2.666,7 tỷ đồng, tăng mạnh gần 51% so với năm 2021. Thu nhập lãi thuần đạt 919,2 tỷ đồng tăng 17% và đóng góp 80% vào tổng thu nhập hoạt động.

Ngoài thu nhập từ lãi thuần, lợi nhuận của EVF không đến từ hoạt động ngoại hối và chứng khoán đầu tư, mà được đóng góp bởi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 16,1 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động khác đạt 223,4 tỷ đồng và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần là 102,6 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế năm 2022 tăng 10% so với năm 2021 do chi phí hoạt động được kiểm soát tốt đồng thời chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 28,8%.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của EVF đạt hơn 42.197 tỷ đồng, tăng 30,3% so với năm 2021, hoàn thành 114%. Tỷ lệ nợ xấu cải thiện, giảm 6% so với năm 2021.


Tin liên quan

Tin mới