Loạt ông lớn bất động sản đang âm dòng tiền kinh doanh

Việc âm dòng tiền kinh doanh đã khiến nợ của nhiều doanh nghiệp bđs tiếp tục "phình to", làm tăng gánh nặng chi phí tài chính, bào mòn lợi nhuận và gây suy giảm quy mô vốn bằng tiền.

Khi mùa báo cáo tài chính quý I/2023 khép lại, nhận định đầu tiên của giới quan sát là cuộc khủng hoảng trên thị trường địa ốc vẫn đang tiếp diễn với cường độ cao, thể hiện qua kết quả kinh doanh "u ám" của hầu hết doanh nghiệp trong ngành.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh mới chỉ phản ánh một phần của khủng hoảng. Một phần còn lại phải xét ở góc độ dòng tiền.

Theo thống kê với 42 doanh nghiệp phát triển nhà ở trên 3 sàn (HoSE, HNX, UPCoM) và tự công bố thông tin cho thấy, có tới 28 doanh nghiệp (tương đương gần 70%) có dòng tiền kinh doanh âm trong quý I/2023. 

Một số doanh nghiệp âm điển hình có thể kể đến như: Khang Điền (HoSE: KDH) âm 1.017 tỷ đồng; Nam Long (HoSE: NLG) âm 752 tỷ đồng; Novaland (HoSE: NVL) âm 1.412 tỷ đồng; An Gia (HoSE: AGG) âm 532 tỷ đồng; Đất Xanh (HoSE: DXG) âm 204 tỷ đồng, Đạt Phương (HoSE: DPG) âm 459 tỷ đồng;…

Chỉ 14 doanh nghiệp ghi nhận dòng tiền kinh doanh dương nhưng số dương lại tương đối khiêm tốn, gồm: Hoàng Quân (HoSE: HQC) (9 tỷ đồng); IDJ Việt Nam (HNX: IDJ) (1 tỷ đồng); BV Land (UPCoM: BVL) (24 tỷ đồng); Danh Khôi (HNX: NRC) (1,2 tỷ đồng); Đầu tư LDG (HoSE: LDG) (2 tỷ đồng); …

Dòng tiền kinh doanh thể diện cho khả năng tạo tiền của hoạt động kinh doanh (bán hàng). Dòng tiền này âm đồng nghĩa doanh nghiệp chỉ ghi nhận được lợi nhuận trên sổ sách chứ chưa thu được tiền về. Tiền của doanh nghiệp bị “chôn” vào hàng tồn kho và các khoản phải thu. Đi cùng với các khoản phải thu, hàng tồn kho của nhóm doanh nghiệp này ghi nhận tốc độ tăng khá mạnh như: BĐS CRV (tăng gấp 3 lần), Xuân Mai Group (UPCoM: XMC) (tăng 14%); Tài chính Hoàng Huy (HoSE: TCH) (tăng 92%), DPG (tăng 23%) …

Về cơ bản, thị trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, song tốc độ còn chậm trong ít nhất 2 quý tới, không ít doanh nghiệp bất động sản sẽ vẫn đối diện với cơn khát tiền, do bị chiếm dụng vốn và mắc kẹt trong các dự án tồn kho. Hệ quả tương ứng là lợi nhuận khó cải thiện, nhưng đáng quan ngại hơn là doanh nghiệp có thể bị kiệt sức, thậm chí gục ngã trước khi thấy được "ánh sáng cuối đường hầm"./. 


Tin liên quan

Tin mới