Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm dự án kết nối Bình Dương và Tây Ninh

Thanh tra Chính phủ phát hiện một số sai phạm tại dự án đường và cầu nối Bình Dương - Tây Ninh. Dự án hiện đã triển khai nhưng không có trong danh mục đầu tư công trung hạn 2016 - 2020.

Thông tin này được Thanh tra Chính phủ nêu rõ tại Kết luận Thanh tra số 785/KL-TTCP, về việc Thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng; Công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng; Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá sang đất kinh doanh, xây dựng nhà ở; Thanh tra các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luận về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và thanh tra việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương, thời kỳ 2011 – 2019.

Theo đó, kết luận thanh tra đã chỉ rõ một số dự án đầu tư công đã được triển khai nhưng không nằm trong danh mục kế hoạch đầu tư công dài hạn 2016-2020. Cụ thể, dự án Xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh; xây dựng đường vào khu di tích lịch sử Sở Chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh là 2 dự án đầu tư công đã được triển khai nhưng không nằm trong danh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020. Điều này vi phạm khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư công năm 2014; “vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 15 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng; và điểm c khoản 1 Điều 62 Luật Đấu thầu năm 2013”. 

sai phạm dự án kết nối Bình Dương và Tây Ninh
Dự án cầu nối tỉnh Bình Dương và Tây Ninh nhìn từ trên cao (Ảnh mạng)

Liên quan đến việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công, kết luận thanh tra cho thấy, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 tại Bình Dương được thực hiện cơ bản theo quy định Luật Đầu tư công năm 2014. Tuy nhiên, thời gian lập và giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư công chưa đảm bảo thời hạn quy định.

Cụ thể, về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công, tổng kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong kỳ được giao là 55.504.892 triệu đồng, số vốn thực hiện giải ngân là 47.978.869 triệu đồng (đạt 87,8% kế hoạch). Trong đó, giai đoạn từ năm 2011 – 2015, tiến độ giải ngân đạt khá cao so với kế hoạch (đạt 99,7%); từ năm 2016 – 2019, tiến độ giải ngân đạt thấp hơn (trung bình đạt 80,49%).

Bên cạnh kết quả trên, công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công có những tồn tại, hạn chế sau: kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020 phải điều chỉnh 3 lần; kế hoạch đầu tư công hàng năm điều chỉnh nhiều lần để điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án; nhiều dự án có tiến độ giải ngân chậm.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ việc sử dụng vốn kết dư phân bổ trực tiếp cho dự án chưa thực hiện đúng quy định tại khoản 2 Điều 72 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015. Cụ thể, trong kế hoạch điều chỉnh đầu tư công năm 2019, UBND tỉnh Bình Dương đã sử dụng vốn kết dư từ nguồn vốn cải cách tiền lương phân bổ trực tiếp cho các dự án (Dự án nâng cấp đường ĐH 516 và Dự án nâng cấp đường ĐH 502). UBND thị xã Bến Cát sử dụng nguồn kết dư phân của năm 2018, năm 2019 phân bổ trực tiếp cho dự án. Thời gian bố trí vốn để hoàn thành dự án trong kế hoạch vốn trung hạn vượt quá thời gian bố trí vốn tối đa, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 77/2015/NĐ-CP của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

Về công tác lựa chọn nhà thầu, trong giai đoạn thanh tra, có 1.140 kế hoạch lựa chọn nhà thầu được thẩm định và phê duyệt, có 10.062 gói thầu tổ chức lựa chọn nhà thầu (3.154 gói thầu xây lắp, 626 gói thầu mua sắm hàng hóa, 6.282 gói thầu tư vấn và phi tư vấn). Qua đấu thầu đã tiết giảm 1.448.953 triệu đồng.

Nhìn chung, công tác đấu thầu được triển khai thực hiện theo quy định pháp luật về đấu thầu qua các thời kỳ. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra một số dự án đã phát hiện, chỉ ra một số hạn chế, tồn tại. Thanh tra Chính phủ đề nghị rút kinh nghiệm, chấn chỉnh trong thời gian tới, như: Việc phân chia gói thầu chưa hợp lý về quy mô, tính chất kỹ thuật, kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải điều chỉnh nhiều lần, còn trường hợp chỉ định thầu chưa đúng quy định...

Trước đó, như Reatimes đã thông tin trong Bài 14: Nhiều dự án đầu tư công ở Bình Dương chỉ định thầu sai quy định, kết luận thanh tra cũng đã chỉ rõ nhiều dự án đầu tư công ở Bình Dương chỉ định thầu sai quy định. Cụ thể, các dự án này chỉ định thầu không đúng quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 22 Luật Đấu thầu 2013 và khoản 1, Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu: Dự án Xây dựng trụ sở làm việc tạm thời của HĐND và UBND huyện Bắc Tân Uyên trị giá 13.358.642.000 đồng; Dự án Xây dựng trụ sở làm việc tạm thời của Trụ sở huyện Ủy Bắc Tân Uyên trị giá 7.094.000.000 đồng.

Về việc thực hiện đấu thầu, hồ sơ mời thầu hoặc trong dự thảo hợp đồng xây dựng, một số dự án đã ký hợp đồng thi công và phát lệnh khởi công khi chưa có mặt bằng thi công là không đúng quy định (Dự án Xây dựng đường dẫn lên cầu bắc qua sông Đồng Nai tạm dựng thi công; dự án Đầu tư vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, thoát nước đường Huỳnh Văn Lũy, thành phố Thủ Dầu Một)./.


Tin liên quan

Tin mới