Báo cáo tài chính là gì? Thông tin cần biết về báo cáo tài chính

Vào mỗi quý hay cuối năm các đơn vị doanh nghiệp thường sẽ phải thực hiện báo cáo tài chính và nộp cho các cơ quan có thẩm quyền. Đây là quy định bắt buộc của nhà nước yêu cầu tất cả các công ty, doanh nghiệp phải thực hiện. Với những người ngoài ngành chưa chắc đã có sự hiểu biết về báo cáo tài chính và những thông tin liên quan. Vậy nên trong bài viết này, chúng tôi sẽ cùng bạn tìm hiểu rõ hơn về nó nhé.

Báo cáo tài chính là gì?

Báo cáo tài chính là tổng hợp thông tin, tình hình tài chính, kết quả kinh doanh, tài sản, vốn chủ sở hữu, nợ phải trả của một doanh nghiệp.

Theo một cách nói khác thì thông qua báo cáo tài chính sẽ biết được khả năng sinh lời, luồng tiền và thực trạng tài chính  của  doanh nghiệp đối với những người quan  tâm (chủ  doanh nghiệp, nhà cho vay, cơ quan thuế và các cơ quan chức năng, nhà đầu tư…)

Mục đích, vai trò của báo cáo tài chính

Mục đích của báo cáo tài chính

Mục đích của báo cáo tài chính theo điều 97, Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định đó là:

- Cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và luồng tiền của một doanh nghiệp. Qua đó đáp ứng yêu cầu quản lý đối với chủ daonh nghiệp, các cơ quan của nhà nước và đối với nhu cầu của người sử dụng trong việc đưa ra những quyết định kinh tế.

- Trong báo cáo tài chính cần cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan tới: Tài sản, doanh thu, thu nhập, vốn chủ sở hữu, nợ phải trả, lãi lỗ của doanh nghiệp, phân chia kết quả kinh doanh, thuế, các khoản cần phải nộp cho nhà nước, tài sản liên quan tới doanh nghiệp, chi phí sản xuất kinh doanh luồng tiền ra vào luân chuyển.

Bên cạnh đó, đối với bản Thuyết minh báo cáo tài chính thì đơn vị doanh nghiệp còn cần phải thực hiện giải trình về những chỉ tiêu đã cung cấp trong báo cáo tài chính tổng hợp, chính sách áp dụng để ghi nhận những nghiệp vụ phát sinh như: Hình thức kế toán, chế độ kế toán áp dụng, nguyên tắc ghi nhận, phương pháp trích khấu hao tài sản,…

Vai trò của báo cáo tài chính

- Báo cáo tài chính có vai trò cung cấp chỉ tiêu về tài chính, kinh tế. Thông qua đó có thể nhận biết, kiểm tra toàn diện tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị doanh nghiệp.

- Thông qua báo cáo tài chính có thể phân tích hoạt động kinh tế, tài chính và đánh giá tình hình kinh doanh, thực trạng tài chính và doanh nghiệp có đang sử dụng vốn hiệu quả hay không.

- Thông qua số liệu được cung cấp phục vụ cho công việc lập kế hoạch sản xuất, đầu tư và kinh doanh.

- Qua báo cáo có thể đánh giá, nghiên cứu và phân tích tiềm năng kinh tế. Ngoài ra còn có thể dự đoán xu hướng hoạt động của đơn vị doanh nghiệp. Từ đó đưa ra quyết sách phù hợp, mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp.

- Những thông tin trên báo cáo tài chính giúp cho ngân hàng, chủ nợ, cũng như các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc nhìn nhận, đánh giá tình hình, tiền năm hoạt động, khả năng sinh lời cũng như rủi ro của doanh nghiệp.

- Dựa vào báo cáo tài chính thì cơ quan nhà nước dễ theo dõi, kiểm soát, thanh kiểm tra các đơn vị doanh nghiệp.

- Không chỉ với cơ quan nhà nước, ngân hàng, chủ đầu tư, nhà đầu tư mà thậm chí là cán bộ, nhân viên thông qua báo cáo tài chính có thể biết được tình hình doanh nghiệp, khả năng duy trì và phát triển của doanh nghiệp ở hiện tại và tương lai. Bên cạnh đó, tình hình của doanh nghiệp có khả năng chi trả lương, thưởng cho cán bộ nhân viên hay không.

Thời hạn nộp báo cáo tài chính

Thời hạn nộp báo cáo tài chính là bao giờ?

Đối với các doanh nghiệp thuộc nhà nước

Thời hạn nộp báo cáo tài chính quý theo quy định là chậm nhất 20 ngày tính từ ngày kết thúc kỳ kế toán quý. Đối với các công ty mẹ, tổng công ty nhà nước thì chậm tối đa 45 ngày.

Đối với báo cáo tài chính năm theo quy định chậm nhất tối đa 30 ngày tính từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Đối với công ty mẹ, tổng công ty nhà nước chậm nhất tối đa 90 ngày.

Đối với các doanh nghiệp khác

Thời hạn nộp báo cáo tài chính năm của các doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh chậm tối đa 30 ngày tính từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Đối với các đơn vị kế toán khác chậm tối đa 90 ngày.

Bộ giấy tờ trong báo cáo tài chính

Trong báo cáo tài chính cần chuẩn bị đủ bộ giấy tờ đó là:

Bộ tờ khai quyết toán thuế: Gồm quyết toán thuế thu nhập cá nhân, tờ khai quyết toán thuê thu nhập doanh nghiệp.

Bộ báo cáo tài chính: Bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, bảng cân đối tài khoản.

Phụ lục đi kèm: Thuyết minh báo cáo tài chính, tình hình thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Đối tượng áp dụng báo cáo tài chính

Đối tượng áp dụng lập báo cáo tài chính bao gồm:

Đối tượng lập báo cáo tài chính năm gồm có: Các loại hình doanh nghiệp thuộc các ngành và các thành phần kinh tế.

Đối tượng lập báo cáo tái chính quý và bán niên gồm có:

+ Doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ của nhà nước hoặc nắm giữ cổ phần chi phối đơn vị có lợi ích công chúng phải lập báo cáo tài chính giữa niên độ;

+ Đối với những doanh nghiệp khác không nằm trong đối tượng nêu ở trên được gợi ý lập báo cáo tài chính giữa niên độ. Tuy nhiên, đó chỉ là khuyến khích chứ không bắt buộc.

Bài viết về báo cáo tài chính tới đây là kết thúc rồi. Mong rằng với thông tin do chúng tôi cung cấp thì bạn đọc đã có thêm sự hiểu biết về báo cáo tài chính, đối tượng áp dụng, vai trò mục đích của báo cáo tài chính. Hãy tiếp tục theo dõi thông tin hữu ích trong những bài viết tiếp theo của chúng tôi.


Tin liên quan

Tin mới