Điểm nóng nền kinh tế Bắc Ninh 4 tháng đầu năm 2023

Những “cơn gió ngược” xuất hiện trong những tháng đầu năm, bao gồm việc thắt chặt tiền tệ, sức cầu hàng hóa giảm, nguyên liệu đầu vào gia tăng,... làm ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế tỉnh Bắc Ninh trong 4 tháng đầu năm 2023, tạo nên mảng tối của bức tranh kinh tế.

Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ổn định

Tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn nông dân bám sát mùa vụ; thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh, nhất là với các giống mới để nâng cao năng suất và chất lượng. Vụ mùa 2023, tỉnh xây dựng kế hoạch gieo cấp 29.000 ha lúa, dự kiến năng suất đạt 62,5 tạ/ha trong đó lúa năng suất chất lượng cao đạt 70,5% tổng diện tích; rau màu, cây công nghiệp là 2.700 ha. 

Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn chú trọng công tác bảo vệ thực vật, quản lý giống, vật tư, phân bón,... khuyến khích chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả sang trồng cây khác có giá trị kinh tế cao; mở rộng diện tích rau an toàn, hoa cao cấp và những cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, liên kết tiêu thụ sản phẩm. 

nền kinh tế Bắc Ninh

Trong 4 tháng đầu năm 2023, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đạt được một số ghi nhận sau đây:

Về trồng trọt:

Diện tích gieo cấy là 29.723,5 ha, đạt 100,2% kế hoạch, bằng 97,9% so với cùng kỳ năm 2022. Diện tích cây rau mùa ước tính đạt 3.173,3 ha, đạt 96,2% kế hoạch và bằng 103,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó: khoai tây đạt 248,5 ha, lạc đạt 228,5 ha, rau các loại đạt 2.194,2 ha.

Về chăn nuôi:

Ước tính đến hết tháng 4/2023, trên địa bàn tỉnh có 3.380 con trâu, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2022; số bò đạt 23.600 con, giảm 6,3%; có tổng 280.100 con lợn, giảm 0,3%; đàn gia cầm có 5,5 triệu con, giảm 5,2% và không xảy ra tình trạng bệnh dịch trên đàn vật nuôi.

Về lâm nghiệp:

Đến tháng 4/2023, toàn tỉnh trồng được 137.783 cây các loại, đjat 45,9% kế hoạch năm. Triển khai tốt công tác quản lý, bản vệ rừng; thường xuyên tuần tra, phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm phạm trái phép rừng và đất lâm nghiệp.

Về thuỷ sản:

Tổng số lượng lồng nuôi trên sông nước là 1.740 lồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng số sản lượng thủy sản đạt 13.398 tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng nuôi trồng đạt 13.069 tấn, tăng 0,5%; sản lượng khai thác đạt 329,6 tấn, tăng 6,9%.

Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm giảm sâu

Bắc Ninh là tỉnh có nền kinh tế mở, hội nhập quốc tế sâu rộng với nền kinh tế thế giới, các ngành sản xuất công nghiệp trọng điểm của tỉnh như: điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học chịu tác động mạnh từ diễn biến quốc tế. 

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 4/2023 của tỉnh tiếp tục giảm 19,61% so với tháng 4/2022, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, IIP toàn ngành công nghiệp giảm 18,47%. Đây là mức giảm thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Trong đó, ngành cấp 2 trọng điểm của tỉnh là sản xuất điện từ, máy vi tính, sản phẩm quang học giảm sâu nhất (tháng 4/2023 giảm 21,03% và 4 tháng giảm 19,65%.)

nền kinh tế Bắc Ninh
Công nghiệp tỉnh Bắc Ninh đang đối mặt với nhiều thách thức

Ông Vũ Minh Giang - Cục trưởng Cục Thống kê Bắc Ninh có chia sẻ: “Một trong những nguyên nhân sụt giảm nhiều do ngành công nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn khi đơn hàng của doanh nghiệp công nghiệp liên tục giảm, chi phí đầu vào không ngừng tăng cao.

Hiện các thị trường xuất khẩu chính của tỉnh Bắc Ninh như: Mỹ, EU, Nhật Bản,... đều suy giảm do chịu ảnh hưởng chung của nền kinh tế toàn cầu về lạm phát, lãi suất tăng cao,.. dẫn đến sức tiêu dùng giảm và chỉ số tồn kho đối với nhóm ngành điện tử và may mặc tăng.

Theo kết quả điều tra, ngoài các ngành trọng điểm giảm thì còn có một số ngành cấp 2 có mức sản xuất giảm như: Sản xuất trang phục (-37,25%); sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (-14,87%), sản xuất thiết bị điện (-41,65%); in, sao chép bản ghi các loại (-38,68%)...

Song đi cùng sự sụt giảm của các ngành sản xuất trọng điểm thì vẫn còn các ngành duy trì lượng sản xuất tăng so với cùng kỳ năm 2022 như: Sản xuất dược phẩm chứa Vitamin tăng 29,5%, bê tông tươi tăng 27,1%, tủ bằng gỗ (trừ tủ bếp tăng 25,7%, thuốc lá có đầu lọc tăng 14,1%...

Hoạt động thương mại - dịch vụ, xuất - nhập khẩu hàng hóa

Tuy nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng âm nhưng theo Cục Thống kê Bắc Ninh, nền kinh tế Bắc Ninh vẫn có những điểm sáng, đặc biệt là ở các ngành bán lẻ hàng hóa, dịch vụ du lịch lữ hành,...

Lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ

Hoạt động thương mại - dịch vụ vẫn diễn ra sôi động, duy trì đà tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 4/2023 đạt 8.239,2 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước, tăng 19,9% so với cùng kỳ. Trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 6.406,6 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 20,5% so với cùng kỳ 2022; du lịch lữ hành ước tính 8,4 tỷ đồng, tăng 10,8% so với tháng trước và tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước tính đạt 32.865,2 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu bán lẻ đạt 25.751,3 tỷ đồng, tăng 26,2%; doanh thu về hoạt động lưu trú và ăn uống ước tính đạt 3.121,9 tỷ đồng, tăng 52,7%; dịch vụ du lịch lữ hành đạt 29,2 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần; doanh thu dịch vụ 3.962,8 tỷ đồng, tăng 0,4%.

Xuất - Nhập khẩu

Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh Bắc Ninh tháng 4/2023 ước 2.749 triệu USD, giảm 12,2% so với tháng 3/2023 và giảm 34,6% so với tháng 4/2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu ước 12.397 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu tháng 4/2023 ước tính đạt  2.546 triệu USD, giảm 10,4% so với tháng trước và giảm 29,7% so với cùng kỳ tháng 4/2022. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu ước 10.445 triệu USD, giảm 25,2%.

Giao thông vận tải

Về vận tải hành khách: Trong tháng 4/2023, vận chuyển hành khách ước tính 1,6 triệu lượt khách, tăng 1,3% so với tháng 3/3023 và tăng 80% so với tháng 4/2022; luân chuyển ước tính đạt 58,8% triệu lượt HK.km, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 84,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, vận chuyển hành khách đạt 6,3 triệu lượt khách, tăng 78,5% so với cùng kỳ; luân chuyển ước 227,9 triệu HK.km, tăng 73,5%.

Vận tải hàng hóa: Trong tháng 4/2023, vận chuyển hàng hóa ước tính đạt  3,9 triệu tấn, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 32,8% so với tháng 4/2022; luân chuyển ước 221,6 triệu tấn.km, tăng 1,6% và tăng 42,2%. Tính chung 4 tháng đầu năm, vận chuyển hàng hóa ước 15,5 triệu tấn, tăng 33,5% so với cùng kỳ; luân chuyển ước 879,1 triệu tấn.km, tăng 38,2%.

Doanh thu vận tải tháng 4/2023 ước 753 tỷ đồng, giảm 7,6% so với tháng trước và giảm 3,7% so với tháng 4/2022. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng doanh thu vận tải ước tính đạt 3.424 tỷ đồng tăng 10,3% so với cùng kỳ 2022.

Thu hẹp quy mô sản xuất, lao động thất nghiệp

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới sụt giảm, nhu cầu hàng hóa giảm sút dẫn tới sản lượng sản xuất giảm xuống. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sản lượng của các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường lao động. Hàng ngàn lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh bị cắt giảm giờ làm, thậm chí mất việc do các doanh nghiệp bị mất đơn hàng, thu hẹp sản xuất.

Cụ thể, chỉ số sử dụng lao động tháng 4/2023 tăng 0,4% so với tháng trước, giảm 13,1% so với tháng 3/2022. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sử dụng toàn ngành công nghiệp giảm 10,9%; trong đó khu vực nhà nước giảm 5,9%, ngoài nhà nước giảm 10,6%, doanh nghiệp có vốn đầu từ nước ngoài (FDI) giảm 11,1%. Có 9 doanh nghiệp FDI giảm nhiều làm tác động trực tiếp tới quy mô lao động chung của các doanh nghiệp công nghiệp. Số giảm này chủ yếu tại các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực điện tử như: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Goertek Vina và Công ty TNHH AAC Technology Việt Nam, Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Goertek Vina và một số công ty sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất bao bì các loại.

Tình trạng mất, thiếu việc làm xảy ra tại các khu công nghiệp ở Bắc Ninh khiến nhiều công nhân không thể bám trụ. Nhiều người chuyển việc, trở về quê sinh sống dẫn đến không ít phòng trọ phải bỏ không.

Dẫn chứng tại khu công nghiệp VSIP, Đại Đồng, Bắc Ninh, ông Nguyễn Đăng Định - Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết: “Trước đây, địa bản có khoảng 18.000 - 19.000 công nhân thuê trọ, nhưng hiện nay con số này đã giảm xuống còn khoảng 12.000. Toàn xã có 4.000 hộ dân và có khoảng 1.000 hộ kinh doanh nhà trọ với khoảng 16.000 phòng. Từ khi khu công nghiệp về, nguồn thu nhập lớn nhất của người dân đến từ việc cho thuê trọ; tuy nhiên từ sau Tết nguyên đán, công nhân nghỉ việc nhiều khiến các chủ nhà trọ gặp nhiều khó khăn.” Đây được xem là tình hình chung của các địa phương quanh các khu công nghiệp.

Động lực tăng trưởng mới của tỉnh Bắc Ninh

Tháng 4.2023, tỉnh Bắc Ninh dù còn gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường còn ở mức thấp, tuy nhiên việc các doanh nghiệp đã bước vào chu kỳ sản xuất, có nhiều sản phẩm tăng trở lại so với tháng 3/2023 sẽ là cơ sở kỳ vọng sự bứt phá ngành công nghiệp toàn tỉnh trong thời gian tới.

Riêng 4 tháng đầu năm 2023, Bắc Ninh thu hút được 667 triệu USD vốn FDI. Như vậy, lũy kế đến tháng 4/2023 toàn tỉnh thu hút được 1.878 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đạt gần 24 tỷ USD, đứng thứ 7 cả nước về quy mô đầu tư. 

nền kinh tế Bắc Ninh
Thành phố Bắc Ninh dự báo sẽ là một thành phố đáng sống khu vực phía Bắc

Đáng nói, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 4/2023 tiếp tục được cải thiện, tổng vốn tăng gấp 2,6 lần tháng trước và gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ở một góc độ khác thì số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng, điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. 

Trước thực tế này, tỉnh Bắc Ninh cũng có các chính sách và giải pháp để khắc phục, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

  1. Tập trung vào khắc phục các hạn chế còn tồn tại, huy động mọi nguồn lực để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Thu hút và phát triển mạnh công nghiệp theo chiều sâu, công nghiệp công nghệ cao. Tập trung phát triển các hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ, chú trọng phát triển, thu hút các nhà đầu tư các trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ logistics... Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tăng cường kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước, quản lý tốt các nguồn thu, khai thác hiệu quả các dư địa thu ngân sách.
  2. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 theo kế hoạch; rà soát nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và những dự án không giải ngân được, đề xuất phương án điều chuyển, sử dụng nguồn ngân sách ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông trục chính kết nối, trường học, thiết chế văn hóa, chiếu sáng, xử lý nước thải...
  3. Tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
  4. Về phía doanh nghiệp cần cố gắng duy trì ổn định sản xuất với các chính sách hỗ trợ của nhà nước nói chung và của địa phương nói riêng; đa dạng hóa thị trường, ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.

Ông Vũ Minh Giang - Quyền Cục trưởng Cục Thống kê Bắc Ninh: Các đơn vị sẽ đẩy mạnh thực hiện chương trình khuyến công địa phương năm 2023 để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị; các ngành cần tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc…


Tin liên quan

Tin mới