Đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã vận chuyển gần 14 triệu lượt khách

Sau khi vận hành được 583 ngày an toàn, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã vận chuyển trên 13,7 triệu hành khách, góp phần giảm ùn tắc giao thông thành phố Hà Nội.

Ngày 06/11/2021 tuyến ĐSĐT số 2A, Cát Linh – Hà Đông chính thức đưa vào vận hành khai thác, đây là tuyến ĐSĐT đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước. Đến hết ngày 11/6/2023, tuyến đã vận chuyển được trên 13,7 triệu lượt khách. Đây là kịch bản đẹp nhất về vận hành Tuyến đường sắt2 năm đầu đã được thống nhất giữa Bộ GTVT (Chủ đầu tư) và UBND tp Hà Nội.

Đứng trên quan điểm hiệu quả xã hội và môi trường việc đưa Tuyến Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động bước đầu đạt được 3 kết quả nổi bật: Tuyến đã được đông đảo người dân ghi nhận là phương tiện đi lại nhanh, an toàn, xanh, sạch, đẹp. Hiện tại, mỗi ngày có trên 30.000 hành khách đi lại trên tuyến ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông trong đó 47% là người đi làm, 45% là người đi học và 8% đi với mục đích khác.

Khung giờ cao điểm của tuyến buổi sáng từ 7h - 8h30, chiều từ 16h30 - 18h. Khi đi vào vận hành, tuyến đường sắt đô thị này góp phần đắc lực trong giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường trên hành lang của tuyến.

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã vận chuyển gần 14 triệu lượt khách

Nếu thời gian đầu nhiều khách đi lại trên tuyến chủ yếu là để trải nghiệm và người dân thấy được sự tiện lợi, ổn định, không bị tắc đường, văn minh lịch sự, sạch đẹp, lại góp phần bảo vệ môi trường… nên dần hình thành văn hóa Metro. Hiện tại nhiều người đã trở thành hành khách thường xuyên bằng vé tháng, đặc biệt khách đi lại bằng vé tháng giờ cao điểm chiếm trên 85%. 

Theo khảo sát, trên 60% hành khách có xe máy và 18% có ô tô nhưng vẫn sử dụng tàu để đi lại với những chuyến đi trong vùng phục vụ. Điều đáng mừng là Văn hóa này đang lan tỏa sang các phương tiện công cộng khác ở thành phố.

Để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, Hà Nội áp dụng chính sách giá vé rẻ và thu từ vé không đủ bù đắp chi phí nên thành phố duy trì trợ giá từ ngân sách để một mặt đảm bảo nguồn tài chính cho vận hành, mặt khác đảm bảo lợi ích cho người sử dụng dịch vụ.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông có tổng chiều dài chính tuyến 13,05km, điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao; mua sắm 13 đoàn tàu, tốc độ tối đa 80km/giờ, tốc độ khai thác là 35km/giờ.

Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD) sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.


Tin liên quan

Tin mới