Hà Nội: Đề án cấm xe máy đang là bài toán khó, cần sớm có lời giải!

TP Hà Nội vừa đưa kế hoạch thực hiện hạn chế xe máy khu vực nội đô từ năm 2025, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch. Tuy nhiên, với những bất lợi của hệ thống xe buýt hiện nay ở Thủ đô, cộng với việc xe máy đang mang lại lợi ích cho xã hội nên chưa thể thay thế xe máy bằng ô tô hay phương tiện công cộng.

Chưa thể thay thế xe máy bằng xe buýt ở Hà Nội

Chúng ta cứ thử đi xe buýt một tuần đi làm sẽ nhận thấy phương tiện công cộng này chưa thể thay thế được xe máy, đấy là chỉ nói đi làm, chứ chưa nói đến những việc cá nhân khác. Với tôi, việc đi xe buýt còn tồn tại những hạn chế sau:

Cấm xe máy ở Hà Nội: Nhiệm vụ bất khả thi!

Thứ nhất, nhiều xe buýt đang hoạt động đều cũ, kém chất lượng, ghế ngồi sứt mẻ, mùi hôi, mùi xăng dầu nồng nặc, giờ cao điểm nhồi khách. Ai đã trải qua thời kỳ sinh viên ở Hà Nội sẽ hiểu.

Thứ hai, cứ cho là cấm xe máy rồi phát triển xe buýt nhưng liệu có đủ phục vụ cho tất cả khi vào giờ cao điểm? Người dân sử dụng xe máy ngoài đi lại cá nhân còn là phương tiện vận chuyển hiệu quả nên nếu cấm xe máy sẽ tác động rất lớn tới các ngành dịch vụ. Hà Nội là một thành phố của những con ngõ nhỏ, đường lớn hạn chế, nếu cấm xe máy thì lấy phương tiện nào thay thế phù hợp với hạ tầng Hà Nội?

Với diện tích đất chật hẹp trong nội đô Hà Nội, không có giao thông ngầm, xe buýt rất khó phát huy hết năng lực. Do vậy, cấm xe máy, tăng cường xe buýt thì xe buýt “không có cửa” để phát huy được năng lực, trái lại nguy cơ tắc đường còn cao hơn.

Thứ ba, để sử dụng phương tiện công cộng thì ít nhiều người dân vẫn cần đi bộ, nhưng hạ tầng Hà Nội không hề phù hợp cho người đi bộ. Để đi bộ thì phải có đường để đi, nhưng chúng ta hãy nhìn nhận xem còn chỗ nào cho người đi bộ đi không (trừ đi chung với xe ô tô xe máy dưới lòng đường), vỉa hè bị lấn chiếm để sử dụng cho các mục đích cá nhân.

Còn nếu có đường (vỉa hè) để đi thì liệu chúng ta có đi nổi trong nhiệt độ 40 độ C khắc nghiệt của miền Bắc Việt Nam không? Cả con đường không có một bóng cây xanh, đi bộ như vậy là không khả thi. Ngoài ra, tại nhiều điểm xe buýt người dân không có cầu vượt hay hầm chui để di chuyển sang đường đối diện, việc đi bộ băng qua dòng xe cộ là rất nguy hiểm.

Nếu cấm xe máy, số lượng xe hơi sẽ tăng nhiều lần

Việc sở hữu ô tô ngày nay không quá khó với phần đông người dân, khi mà trường hợp bắt buộc phải sử dụng ô tô, nhiều gia đình không có điều kiện mua xe họ có thể vay mượn hoặc mua những chiếc xe cũ để sử dụng. Như vậy thì với tình trạng xe bus tăng thêm số lượng, ô tô tăng thêm số lượng, cộng với chất lượng đường tại Hà Nội hiện nay liệu có đủ khả năng đáp ứng?

Cấm xe máy ở Hà Nội: Nhiệm vụ bất khả thi!
Để cấm được xe máy trước tiên phương tiện công cộng phải đảm bảo đáp ứng 60% nhu cầu đi lại của người dân nội đô.

Còn tàu điện trên cao, cho là đủ vốn xây dựng, xây nhanh nhất cũng mất 2-3 năm. Nhưng mỗi lần xây là lại chiếm dụng mặt đường. Như vậy, vừa tăng số lượng xe hơi, xe buýt, vừa chiếm dụng mặt đường để xây dựng, như vậy trong vài năm xây dựng đó hạ tầng giao thông Hà Nội sẽ quá tải.

Đừng xem nhẹ lợi ích kinh tế của xe máy

Hiện nay đang có rất nhiều nghề nghiệp liên quan đến chiếc xe máy, như giao hàng tiết kiệm, xe ôm công nghệ, bưu tá… những dịch vụ này đang rất hữu ích cho cuộc sống con người, với việc giao thương hàng hoá tại nhiều cơ sở kinh doanh. Và nếu như cấm xe máy, thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên cũng như làm xáo trộn thị trường lao động.

Ông Đặng Hữu Trung, 55 tuổi ở phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ rằng, nhiều năm trở lại đây, chiếc xe máy trở thành "cần câu cơm" đối với ông. Với chiếc xe máy, ông Trung trở thành tài xế công nghệ có thu nhập trung bình khoảng 300 nghìn/ ngày để nuôi sống gia đình.

Trong những năm tới, ông Trung vẫn muốn chạy dịch vụ để có thêm thu nhập cho gia đình nên nếu cấm xe máy vào nội đô sau năm 2025, những lái xe công nghệ có tuổi như ông khó kiếm được việc gì khác phù hợp.

Cấm xe máy ở Hà Nội: Nhiệm vụ bất khả thi!
Việc giao thương hàng hoá tại một thành phố nhiều ngõ ngách như Hà Nội vẫn đề cao vai trò của chiếc xe máy.

Tại sao phải cố gắng cấm xe máy mà không thể phát triển, định hướng hòa hợp với nó. Xu thế phát triển là tùy thuộc theo điều kiện mỗi quốc gia. Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, đất chật, người đông, không thể lấy lý do quốc gia nào đó làm được mà nước mình không làm được. Thậm chí, những khu vực cấm xe máy như Bắc Kinh (Trung Quốc), Myanma hiện nay cấm xe máy, nhưng khi cấm, người dân rất khổ sở trong vấn đề đi lại.

Tôi vẫn ủng hộ phát triển giao thông công cộng, đồng thời với việc giãn dân ra khỏi trung tâm, chấp nhận di chuyển khó khăn để nhường đường cho xe buýt hay cho việc xây dựng tàu điện nhưng việc cấm xe máy hoàn toàn bất khả thi với một thành phố của những con ngõ nhỏ như Hà Nội.

Các chuyên gia nói gì?

GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH KTQD Hà Nội ủng hộ đề án nhưng đề xuất năm 2025 mà cấm xe máy nội đô Hà Nội là quá vội vàng.

“Hà Nội xem đã chuẩn bị gì cho việc cấm xe máy này. Hiện nay phương tiện kết nối còn chưa có, xe buýt năng lực vận tải quá yếu, trong khi đường sắt đô thì thì mới chỉ có duy nhất 1 tuyến Cát Linh – Hà Đông cũng chưa phát huy tác dụng. Buýt nhanh BRT coi như thất bại và “phá sản rồi”. Vậy mà tính đến năm 2025 cấm xe máy thì thật sự quá nóng vội, sẽ lại thất bại…”, TS Đặng Đình Đào phân tích.

Ông chia sẻ thêm: "Việc này trước hết tác động đến người dân, phải lo chuyển đổi phương tiện đặc biệt với những người vừa đầu tư xe, thứ hai là công ăn việc làm của bao người sử dụng xe máy. Nó tác động rất lớn đến các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất mặt hàng xe máy phục vụ thị trường Việt Nam, do đó ảnh hưởng đến nguồn thu, ngân sách, nó đưa đến những ảnh hưởng kép".

Hà Nội: Đề án cấm xe máy đang là bài toán khó
Xe buýt Hà Nội trước đây chạy với tốc độ 28km/h, hiện nay chỉ còn 17km/h. Điều đó khiến đường ngày càng tắc.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, chủ trương cấm xe máy liên quan nhiều đến người dân hơn là kế hoạch thu phí ô tô vào nội đô. Một chính sách ảnh hưởng nhiều đến đại bộ phận người dân thì nhất thiết phải bàn bạc, thảo luận kỹ và có lộ trình dài hạn, phù hợp với đời sống dân sinh.

"Hà Nội cần có để án cụ thể, khâu giải quyết phương tiện thay thế xe máy cần được chuẩn bị, như các tuyến tàu điện hướng tâm và các tuyến kết nối vành đai để kết nối cần được thúc đẩy và thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ. Vận tải xe buýt cần có chính sách để tăng tỷ lệ người sử dụng. Chúng ta cũng cần chuẩn bị vỉa hè và các điều kiện khác để tăng tỷ lệ đi bộ trong phạm vi đường ngắn, giảm nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới".

Chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình cho rằng: "Nếu chúng ta có thêm 5 năm nữa đến 2030 với điều kiện Thành phố tích cực xây dựng đường sắt đô thị thì chúng ta có 3 tuyến đường sắt đô thị chạy trong thành phố, cho phép chúng ta kỳ vọng nhiều hơn vào hệ thống vận tải công cộng của Thành phố. Còn ngay từ 2025 thì dung lượng mà hệ thống vận tải công cộng đạt được vào lúc đó không đủ để vận chuyển toàn bộ người đang đi xe máy và chuyển sang giao thông công cộng".

Có thể thấy, mặc dù đã xây dựng lộ trình từ lâu nhưng việc làm sao để giảm tải hạ tầng giao thông Hà Nội còn nhiều vướng mắc. Làm thế nào để vừa đảm bảo an toàn giao thông, trật tự và mỹ quan đô thị, vừa có thể giải quyết vấn đề sinh kế của một bộ phận lớn người lao động, cũng như quá trình sản xuất kinh doanh chung của xã hội, đang là bài toán khó, cần sớm có lời giải.


Tin liên quan

Tin mới