Hơn 77.000 máy tính tại Việt Nam bị mã hóa dữ liệu tống tiền

Theo thông tin từ Bkav, từ tháng 12/2022 đến hết tháng 5/2023 đã ghi nhận hơn 77.000 máy tính tại Việt Nam bị mã hóa dữ liệu. Đơn vị cũng đã tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi, đề nghị xử lý virus mã hóa tống tiền (ransomware).

Một số vụ việc tiêu biểu liên quan đến virus mã hóa tống tiền, đó là vào đầu tháng 5/2023, một doanh nghiệp lớn có đội ngũ quản trị viên dày kinh nghiệm, nắm rõ hệ thống của mình bị ransomware tấn công, toàn bộ hơn 10TB dữ liệu bị mã hóa. Hacker yêu cầu hơn 4 tỉ đồng đổi lấy key giải mã. Vấn đề là hệ thống của đơn vị này không được bảo vệ bởi một phần mềm diệt vi rút đủ mạnh.

Trong khi đó, vào giữa tháng 5/2023, một doanh nghiệp khác bị hacker tấn công và mã hóa dữ liệu hàng loạt máy chủ, máy cá nhân lúc nửa đêm. Hacker đòi 9 nghìn USD tiền chuộc dữ liệu cho mỗi máy bị mã hóa. Các chuyên gia của Bkav phát hiện, hệ thống đã bị tấn công bởi vi rút mã hóa Jianliang, chưa từng xuất hiện trước đây.

Không chỉ vậy, hệ thống giám sát vi rút của Bkav còn phát hiện dòng mã độc mã hóa dữ liệu STOP/DJVU hoặc FARGO3, chuyên nhắm tới các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng các phần mềm quản lý dữ liệu kế toán. Theo thống kê, có tổng cộng 261 máy chủ bị xâm nhập từ hơn 6.000 IP khác nhau.

77.000 máy tính tại Việt Nam bị mã hóa dữ liệu

Nghiên cứu sự lây lan mạnh của dòng virus này, các chuyên gia chỉ ra "gót chân A-sin" khiến nhiều tổ chức bị tống tiền bởi ransomware, đó là sự chủ quan của người quản trị hệ thống, khiến mã độc mã hóa tống tiền hoành hành. Đặc biệt, theo ông Nguyễn Tiến Đạt - Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu mã độc của Bkav, trong số hàng trăm trường hợp liên hệ Bkav yêu cầu trợ giúp, có tới hơn 50% tổ chức, cá nhân không sử dụng phần mềm diệt virus hoặc cài đặt những ứng dụng bảo vệ không đủ mạnh.

Thậm chí, có những đơn vị có rất nhiều dữ liệu quan trọng nhưng lại tiết kiệm, sử dụng những phần mềm diệt virus miễn phí. Họ không hiểu rằng phần mềm diệt virus miễn phí có khả năng xử lý những loại mã độc thông thường, chỉ phù hợp bảo vệ những dữ liệu không quá quan trọng do không có khả năng tự động phát hiện và diệt triệt để các dòng virus mã hóa dữ liệu.

Trong khi đó, các loại mã độc mã hóa dữ liệu sử dụng rất nhiều cách thức để tấn công: khai thác lỗ hổng dịch vụ web, dò quét mật khẩu (Brute force) vào các dịch vụ SQL, lỗ hổng hệ điều hành, để tấn công trực tiếp vào máy chủ. Cách khác là tấn công vào một máy cá nhân, từ đó âm thầm rà quét, thọc sâu vào các server và các máy tính khác trong mạng… Việc khôi phục lại dữ liệu gần như là không thể. Ngay cả khi nạn nhân chấp nhận trả tiền thì cũng không đảm bảo họ sẽ lấy lại được dữ liệu từ hacker.

 

 


Tin liên quan

Tin mới