Đà Nẵng: 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế chỉ tăng trưởng 3,74%

Trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế Đà Nẵng chỉ tăng trưởng 3,74%, xếp thứ 46/63 địa phương trên cả nước.

Ngày 30/6, Cục Thống kê Đà Nẵng đã công bố các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm 2023.

Theo đó, quý I/2023, kinh tế Đà Nẵng giữ được mức tăng trưởng tốt, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,81% so với năm 2022. Tuy nhiên, sang quý II/2023, một số lĩnh vực kinh tế có xu hướng sụt giảm mạnh dẫn đến GRDP quý II/2023 chỉ tăng 0,21% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực thương mại dịch vụ tăng 0,95% nhưng công nghiệp - xây dựng lại giảm 2,36% (công nghiệp tăng nhưng xây dựng giảm mạnh).

Từ kết quả tăng trưởng không khả quan quý II/2023, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, GRDP Đà Nẵng ước tăng 3,74% so với cùng kỳ 2022; thấp hơn mức tăng 7,23% của 6 tháng đầu năm 2022. Dù vậy, so với 6 tháng đầu năm 2019, thời điểm chưa có dịch Covid-19, GRDP 6 tháng 2023 tăng 13,48%.

kinh tế Đà Nẵng
Trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng 3,74%, xếp thứ 46/63 địa phương trên cả nước.

Trong mức tăng trưởng 3,74%, so với cùng kỳ 2022, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 1,22% đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,15% đóng góp 4,18 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đóng góp 0,04 điểm phần trăm. Riêng khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 2,6%, làm giảm 0,51 điểm phần trăm trong mức tăng GRDP chung.

Quy mô nền kinh tế Đà Nẵng 6 tháng theo giá hiện hành ước đạt 64.784 tỷ đồng, mở rộng 5.138 tỷ đồng so với 2022.

Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế 6 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 2,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 18,73%; khu vực dịch vụ chiếm 69,19%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm 9,93%.

Với kết quả trên, Đà Nẵng xếp thứ 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương, 6/8 tỉnh thành phố vùng duyên hải miền Trung. Đà Nẵng xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng GRDP, 17/63 tỉnh, thành phố về quy mô GRDP.

Tổng thu ngân sách Nhà nước đến ngày 20/6 đạt 9.679 tỷ đồng, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 2.705 tỷ đồng; thu ngân sách địa phương đạt 9.299 tỷ đồng.

Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến ngày 20-6 đạt 13.121 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 5.160 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2022; chi thường xuyên đạt 7.941 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, có 2.103 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 9.185 tỷ đồng, giảm 11% về số doanh nghiệp và giảm 30,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, cũng có đến 328 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc hoàn tất thủ tục giải thể, xin rời khỏi thị trường; Có 2.889 doanh nghiệp, cơ sở trực thuộc xin tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng qua.

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, do nhu cầu tiêu dùng giảm sút, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn đến nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất, nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế, là một trong những nguyên nhân dẫn đến số doanh nghiệp tạm dừng và rút khỏi thị trường cao hơn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Điểm sáng là thu hút đầu tư trong nước đạt kết quả khá ấn tượng, tính đến 20/6, Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký mới 6.617 tỷ đồng, tăng 116,7% số dự án và tăng 110,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính đến 20/6, Đà Nẵng đã cấp mới chứng nhận cho 64 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 10,6 triệu USD (so với cùng kỳ tăng 45 dự án và tăng 47,1% về số vốn đăng ký). Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm trong 6 tháng đạt 27,31 triệu USD, bằng 60,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 13.783 tỷ đồng, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước đạt 4.003 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ; vốn ngoài Nhà nước đạt 8.300 tỷ đồng, giảm 28%; vốn khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1.691 tỷ đồng, giảm 40,2%.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1.427 triệu USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng hóa xuất khẩu ước đạt 892,5 triệu USD, giảm 13,8%; nhập khẩu ước đạt 534,4 triệu USD, giảm 23,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 (CPI) tăng 6,74% so với cùng kỳ năm 2022. Trong mức tăng 6,74% của CPI, có 2/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm, 9/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng.

Cục Thống kê Đà Nẵng nhận định, mức tăng GRDP 3,74% trong 6 tháng đầu năm không phải là mức cao, nhưng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận khi tăng trưởng tại nhiều địa phương có quy mô lớn như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh...ở mức thấp. Tuy nhiên, với con số tăng trưởng chỉ 3,74% của 6 tháng đầu năm 2023, mục tiêu tăng 7% cả năm nay theo kế hoạch được đánh giá là thách thức trong bối cảnh các khó khăn của nền kinh tế vẫn còn tồn tại, những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng...

Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đã đề ra, Đà Nẵng phải đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu, có giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp khó khăn; triển khai tích cực các hoạt động xúc tiến thương mại để doanh nghiệp tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm; thúc đẩy phát triển du lịch, kiểm soát tăng trưởng tín dụng; tháo gỡ khó khăn thu hút đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; nhân rộng mô hình công nghệ tiên tiến trong sản xuất; chăm lo an sinh xã hội, đảo bam an ninh trật tự xã hội.


Tin liên quan

Tin mới