Cổ phiếu quỹ là gì? Cách tính cổ phiếu quỹ như thế nào? Cách mua cổ phiếu quỹ hiện nay

Cổ phiếu quỹ là gì, việc mua bán cổ phiếu quỹ cần lưu ý những gì, được pháp luật quy định như thế nào? Hãy cùng index.vn tìm hiểu những điều này qua bài viết sau.

Cổ phiếu quỹ là gì? Đặc điểm của cổ phiếu quỹ

Theo luật chứng khoán Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, cổ phiếu quỹ (treasury stock) là cổ phiếu đã được công ty đại chúng phát hành và được Công ty đó mua lại bằng nguồn vốn hợp pháp.

Cổ phiếu quỹ là cổ phiếu được chính công ty phát hành mua lại mà không được tính vào số lượng đang lưu hành.
Cổ phiếu quỹ là cổ phiếu được chính công ty phát hành mua lại mà không được tính vào số lượng đang lưu hành.

Cổ phiếu quỹ được hình thành chỉ khi công ty đại chúng mua lại từ lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường. Cổ phiếu quỹ không đồng nghĩa là những cổ phiếu phát hành không thành công.

Khác cổ phiếu phổ thông, cổ phiếu quỹ không được trả cổ tức, không được biểu quyết và quyền mua cổ phiếu mới. Ngoài ra, tổng số cổ phiếu quỹ không được phép vượt quá tỷ lệ vốn hóa luật pháp quy định.

Khi mua xong cổ phiếu quỹ, được sự đồng ý của cổ đông, công ty đại chúng có thể tiến hành hủy cổ phiếu quỹ, hoặc giữ lại và bán ra lại thị trường khi cần vốn.

Việc công ty mua cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm nguồn vốn chủ sở hữu hay giá trị sổ sách một lượng bằng giá trị cổ phiếu công ty đã mua vào. Khi bán số cổ phiếu quỹ đó, giá trị sổ sách của công ty sẽ tăng một lượng bằng giá trị cổ phiếu bán ra. Chênh lệch giữa 2 khoản đó được ghi vào thặng dư vốn cổ phần của công ty.

Trên thực tế, các công ty đại chúng thường mua lại cổ phiếu của mình đã phát hành với mục đích:

- Công ty muốn cải thiện các chỉ số tài chính. Bằng việc mua lại cổ phiếu đã phát hành, lượng cổ phiếu lưu hành sẽ giảm xuống, một số chỉ tiêu tài chính sẽ tăng một cách gián tiếp ví dụ như tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu ROE.

- Công ty kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tăng và xem như việc mua bán giống một khoản đầu tư hoặc giữ lại làm cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên.

- Khi giá cổ phiếu xuống thấp, công ty quyết định mua lại một lượng cổ phiếu để kích cầu tăng giá. Việc tổ chức phát hành mua cổ phiếu của chính mình có thể tác động tới thị trường, làm cho thanh khoản sôi động hơn và hạn chế tốc độ giảm giá của cổ phiếu, thậm chí giúp cổ phiếu tăng giá trở lại.

Tuy nhiên, kể từ năm 2021 tại Việt Nam, sau khi Luật chứng khoán 2019 có hiệu lực, doanh nghiệp sẽ tiến hành hủy lượng cổ phiếu quỹ đã mua, không còn được sử dụng để bán hoặc dùng làm cổ phiếu thưởng. Công ty đại chúng muốn mua lại cổ phiếu của chính công ty đó phải tiến hành xin ý kiến cổ đông công ty thông qua để giảm vốn điều lệ.

Ngoài ra, việc mua cổ phiếu quỹ cũng có một số hạn chế. Khi công ty mua lại cổ phiếu quỹ sẽ dẫn đến hao hụt lượng vốn nhất định, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, điều này cũng làm tỷ lệ an toàn vốn của công ty giảm. Tỷ lệ này phản ánh mối quan hệ giữa vốn chủ sở hữu và tổng tài sản, đánh giá mức độ bảo đảm về vốn của một công ty. Theo đó, việc lạm dụng mua cổ phiếu quỹ có thể khiến cấu trúc tài chính của công ty ngày càng xấu.

Song song đó, việc mua cổ phiếu quỹ có thể khiến cổ đông cho rằng tiềm năng tăng trưởng của công ty không còn, thay vào đó chỉ còn cách này để kéo giá cổ phiếu.

Một số trường hợp, việc công ty mua cổ phiếu quỹ có thể làm cho giá cổ phiếu không thay đổi hoặc thậm chí tiếp tục giảm.

Cách tính cổ phiếu quỹ như thế nào?

Cách tính cổ phiếu quỹ như thế nào?
Cách tính cổ phiếu quỹ như thế nào?

Việc mua bán cổ phiếu quỹ được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hay thỏa thuận theo nguyên tắc như sau:

  • Giá đặt mua ≤ Giá tham chiếu + (Giá tham chiếu * 50% Biên độ dao động giá cổ phiếu)
  • Giá đặt bán ≥ Giá tham chiếu - (Giá tham chiếu * 50% Biên độ dao động giá cổ phiếu)

Trong mỗi ngày giao dịch, công ty đăng ký giao dịch cổ phiếu quỹ theo phương thức khớp lệnh chỉ được đặt lệnh giao dịch với tổng khối lượng tối thiểu 3% và tối đa 10% khối lượng giao dịch đã đăng ký.

Cách mua cổ phiếu quỹ hiện nay

Để thực hiện mua bán cổ phiếu quỹ doanh nghiệp cần thực hiện các thủ tục theo quy định tại Điều 37 Luật Chứng khoán như sau:

1. Báo cáo mua lại cổ phiếu đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Công ty đại chúng trước khi mua lại cổ phiếu của mình phải gửi tài liệu báo cáo đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban gồm:

- Quyết định của ĐHĐCĐ thông qua việc mua lại cổ phiếu, phương án mua lại;

- Quyết định của HĐQT thông qua phương án triển khai mua lại cổ phiếu;

- Báo cáo về việc mua lại cổ phiếu;

- BCTC gần nhất được kiểm toán;

- Văn bản xác nhận việc chỉ định thực hiện giao dịch của công ty chứng khoán, trừ trường hợp công ty chứng khoán là thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam mua lại cổ phiếu của chính mình;

- Tài liệu chứng minh đáp ứng đủ điều kiện để được mua lại cổ phiếu của chính mình theo quy định pháp luật trong trường hợp công ty đại chúng thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

- Tài liệu chứng minh công ty đủ nguồn lực để mua lại cổ phiếu;

Báo cáo về việc mua lại cổ phiếu gồm các nội dung:

- Mục đích mua lại;

- Nguồn vốn thực hiện mua lại;

- Tổng lượng cổ phiếu đăng ký mua lại;

- Nguyên tắc xác định giá (khoảng giá).

- Thời gian thực hiện dự kiến ;

- Phương thức giao dịch;

Trong thời hạn 7 ngày làm việc từ ngày nhận tài liệu báo cáo mua lại cổ phiếu đầy đủ và hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ gửi văn bản thông báo cho công ty đại chúng về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo mua lại cổ phiếu.

Trường hợp tài liệu chưa đầy đủ, chưa hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ có văn bản gửi công ty đại chúng nêu rõ nội dung, yêu cầu bổ sung tài liệu.

Trường hợp từ chối, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Công bố thông tin trên trang thông tin

Trong 7 ngày làm việc từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo, công ty đại chúng phải công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của công ty, phương tiện công bố thông tin của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

3. Mua lại cổ phiếu

Công ty đại chúng thực hiện mua lại cổ phiếu sau 7 ngày làm việc từ ngày công bố thông tin.

4. Gửi báo cáo đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đưa ra công chúng

Trong thời hạn 10 ngày từ ngày kết thúc giao dịch mua lại cổ phiếu, công ty đại chúng phải gửi báo cáo kết quả giao dịch đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và công bố ra công chúng.

Trong trường hợp công ty đại chúng không thực hiện hết lượng cổ phiếu dự kiến giao dịch, công ty đại chúng phải báo cáo và công bố lý do không hoàn thành.

Công ty đại chúng phải kết thúc việc mua lại cổ phiếu theo thời gian nêu trong bản công bố thông tin nhưng không quá tối đa 30 ngày kể từ ngày bắt đầu thực hiện giao dịch.

Trong 6 tháng từ ngày kết thúc mua lại cổ phiếu, công ty đại chúng không được chào bán cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, trừ trường hợp chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu theo cam kết khi thực hiện chào bán trái phiếu chuyển đổi.


Tin liên quan

Tin mới